Chính sự huyễn hoặc, thần bí, nửa thực nửa ảo về tác dụng của bùa, mà người đời sáng tạo ra loại bùa chống các loại bùa. “Bửu bối” này người Khơ Me gọi là bùa Cà Tha.
Đeo bùa Cà Tha kiêng đi dưới dây phơi quần áo
Lọt vào xứ sở bùa ngải trên miền Thất Sơn (Bảy Núi), hỏi cách chống bùa yêu thì hầu như ai cũng biết, bởi họ cho rằng: Bùa yêu là có thực! Từ người cao niên đến trẻ em, cả nam lẫn nữ đều biết đến cái Cà Tha.
Một người phụ nữ 60 tuổi bán nước mía ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn cho biết, dân vùng này đeo Cà Tha rất nhiều. Khi đeo bùa Cà Tha thì phải kiêng cữ, không được đi dưới dây phơi quần áo.
Nếu như phạm điều cấm này thì người đeo bùa sẽ bị nhức đầu dữ dội. Không riêng thiếu nữ đeo Cà Tha để bảo vệ mình, mà người già, trẻ em đều đeo. Bởi ngoài việc chống được bùa yêu, Cà Tha còn làm cho người ta chống được các loại bùa ngải khác, chống yêu ma quỷ quái nhập và ngăn ngừa bệnh tật.
Một người phụ nữ tiết lộ, bùa Cà Tha có nhiều loại và cách làm cũng khác nhau. Nhưng tất cả chữ bùa được viết vào một mặt của mảnh chì, rồi cuộn tròn vào dây nylon trắng. Gọi chung dây đeo có bùa đó là Cà Tha.
Ngày xưa, hễ nhà nào có con gái mới lớn trông khá xinh đẹp là hay đi làm bùa Cà Tha để đeo, chống người khác bỏ bùa yêu. Nhưng ngày nay, con gái có lối sống hiện đại hơn nên ít đeo. Trẻ em thường đeo bùa Cà Tha ở cổ, ở tay. Còn con gái và người cao tuổi thì đeo ở lưng quần (eo).
“Trước đây tui bị đau bao tử, ban đêm ngủ hay nằm chiêm bao thấy ác mộng. Khi đeo bùa Cà Tha thì không còn thấy chuyện bậy bạ nữa”, người phụ nữ này nói.
Một người phụ nữ bán dụng cụ làm bùa Cà Tha ở ngã ba Tà Lọt thuộc xã Châu Lăng thì cho biết, chuyện làm bùa Cà Tha do có người tin tưởng nên mua về nhờ thầy làm. Thông thường, người ta mua 5 mảnh chì và sợi dây nylon trắng dài 1,5m để làm bùa. Người Khơme đeo Cà Tha nhiều, người Kinh thì ít hơn.
“Do phong tục ngày xưa ông bà mình hay sợ ma quỷ nhập nên đeo bùa Cà Tha trừ tà. Giống như sợ quá rồi mượn người bảo hộ cho mình. Cái này nam nữ gì cũng đeo, người Khơme 10 người thì đeo hết 9. Về khoa học thì là mê tín, nhưng dân ở đây thì rất tin tưởng”, người này nói.
Cách làm bùa Cà Tha
Sau khi biết được chuyện làm bùa Cà Tha đang phổ biến ở miền Thất Sơn, chúng tôi đã mua dụng cụ đến nhờ thầy bùa làm cho sợi dây bùa Cà Tha, để chống… bùa yêu. Chúng tôi đã đến nhờ thầy Chau Sắc, nhà trong sóc Krăng Ksốch, ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn (nhân vật trong số báo trước – người mà chúng tôi từng nhờ làm bùa yêu cho em trai – PV).
Chúng tôi đã kể cho thầy Chau Sắc nghe, rằng sau khi đem chai dầu được yểm bùa cho người em trai tôi xức, em trai tôi điện thoại cho cô thôn nữ xinh đẹp vốn không yêu mình để nói chuyện, thì đã nhận được kết quả bất ngờ. Cô gái này bỗng ăn nói thân mật và có tình cảm với thằng em “hai lúa” của tôi.
Do ở cùng xóm nên có một cô gái khác nghe được chuyện. Từ đó, cô ấy nằng nặc nhờ thầy Sắc làm bùa, để chống lại bùa yêu giúp cô ta, vì sợ có chàng trai xấu xí nào đó bỏ bùa thì khổ cả đời. Tất nhiên, tất cả những chuyện này do PV tự vẽ ra!
Nghe xong câu chuyện chúng tôi kể, thầy Chau Sắc cho biết, làm bùa Cà Tha để thiếu nữ đeo chống lại bùa yêu thì rất dễ. Từ trước đến nay ông đã làm bùa Cà Tha cho rất nhiều người. Cũng nhờ ông làm bùa đắt khách mà mới đây, ông đã sửa căn nhà khang trang cho gia đình. Phân nửa số tiền sửa nhà gần 30 triệu đồng là tiền ông có được từ việc làm bùa.
Theo ông, chỉ cần đeo Cà Tha thì không chỉ bùa yêu mà bất kỳ loại bùa ngải nào cũng không thể xâm nhập được vào cơ thể. Thầy Sắc sẵn sàng làm bùa Cà Tha cho chúng tôi. Lần trước, khi làm bùa yêu cho đứa em trai tôi, thầy Sắc ra giá 300.000đ (sau đó giảm còn 200.000đ) nhưng lần này, thầy Sắc nói: “Cho bao nhiêu cũng được”.
Dụng cụ làm bùa Cà Tha có 5 mảnh chì (loại chì mà người ta dùng để mắc vào viền dưới của tay lưới giăng bắt cá) và sợi dây nylon trắng dài 1,5m. Giá mỗi mảnh chì và sợi dây là 1.000đ, do chúng tôi mua mang đến nhà thầy Sắc. Thầy Sắc nhận số dụng cụ này mang hết ra sau nhà bếp của ông, rồi đặt chúng lên cái bàn đá.
Đầu tiên, thầy Sắc dùng hộp quẹt hơ 2 đầu dây, rồi ngồi thắt sợi dây thành nhiều nút thắt, mỗi nút thắt có 3 mối gút và cách nhau khoảng gang tay. Thắt dây xong, thầy Sắc lấy cây “ben” (loại kéo y cụ, dùng để gắp gòn, gạc trong bệnh viện) viết bùa vào mặt 5 mảnh chì.
Sau đó, thầy Sắc lấy những mảnh chì đã được vẽ bùa cuộn vào dây nylon, tạo thành những cục chì giống giềng lưới. Cuộn hết 5 mảnh chì vào sợi dây thì thầy Sắc lấy dây vòng vào eo mình, để thử độ đeo vừa vặn, rồi đốt bỏ đoạn dây thừa.
Sau đó, ông Sắc lấy 3 cây nhang đốt cháy, rồi cầm nhang và sợi bùa Cà Tha đi vào buồng. Một tay thầy Sắc cầm Cà Tha, tay nọ cầm 3 cây nhang đang cháy, đưa chân 3 cây nhang vẽ vẽ vào dây Cà Tha. Còn miệng ông thì niệm lẩm nhẩm, rồi thổi hơi mình vào dây Cà Tha.
Ông Sắc làm đi làm lại nhiều lần, rồi cắm nhang lên lư hương trên gác lửng và cho biết đã hoàn thành việc làm bùa. Thầy Sắc lấy bọc bỏ dây bùa vào, giao cho chúng tôi.
Ông Sắc dặn: “Để bùa Cà Tha vào túi áo, đem về cho người con gái sợ bị bỏ bùa yêu đó đeo. Người đeo bùa này phải kiêng ăn thịt chó. Đeo bùa Cà Tha thì chẳng có bùa nào vô người mình được. Kể cả người nào đã bị bỏ bùa yêu rồi, thì khi đeo Cà Tha vào, bùa yêu cũng bị đánh văng, không còn mắc bùa nữa”. Cuối cùng, chúng tôi gởi thầy Sắc 100.000đ tiền công làm bùa để… chống bùa yêu.
Bùa Cà Tha viết bằng chữ Ba Li cổ
Hòa thượng Chau Sơn Hy – Sãi cả chùa Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn kể: “Chuyện làm bùa, bỏ bùa là có thật. Bởi vì tui đã thấy thực tế. Ngày trước có cặp đôi này, cha mẹ biết là họ không yêu nhau nên làm bùa cho lấy nhau. Sau đó mình thấy họ sống không hạnh phúc. Có nhiều cách học lấy bùa phép, chẳng hạn như ngồi thiền. Ông thầy mở thiền cho đi đường phải, nhưng người ngồi thiền thấy đường trái có những phép hay nên học mà giấu thầy, sau đó sử dụng. Hoặc như các sư tu không có chùa, sống trong rừng và ngủ theo gốc cây. Họ cũng luyện được bùa để chống lại ma quỷ và thú dữ. Bài bùa yêu và bùa chống lại bùa yêu đều được viết bằng chữ Ba Li cổ. Nhưng tác dụng của nó đến đâu thì… chưa ai biết”.
Nguồn: Tamsugiadinh