Ông Thái Ngọc, sinh năm 1940, vẫn liên tục 45 năm chưa từng chợp mắt. Cái sự mất ngủ hàng chục ngàn đêm của ông Ngọc vẫn còn là một bí ẩn của cả tự nhiên lẫn y khoa…
Hơn một vạn đêm không ngủ
Sự ngủ mỗi ngày 6 – 8 tiếng là thường tình của mỗi người. Nhưng chỉ là một giờ chợp mắt đối với người đàn ông 45 năm không ngủ đã trở thành sự kiện. Nhà báo Vũ Công Điền, nguyên phóng viên ảnh của TTXVN, người bạn vong niên với ông Thái Ngọc hay tin ông Ngọc đã có lại được giấc ngủ đầu tiên sau hơn 45 năm trơ mắt, đã vội thông tin cho anh em báo chí.
Chúng tôi lập tức lên đường. Một phần lý do cũng muốn trở lại thăm và chúc mừng hạnh phúc của gia đình ông. Tuy nhiên, mọi viễn cảnh đã tan vỡ. Sự thật, ông Ngọc đã mượn rượu để cố tìm giấc ngủ, nhưng cũng chỉ là nhắm mắt mơ màng trong cơn say chứ chưa từng ngủ được. Vợ ông – Nguyễn Thị Bảy tưởng chồng đã hết bệnh mất ngủ, rón rén cho ông có được giấc ngon, rồi điện báo cho người quen, báo chí…
Câu chuyện ông Thái Ngọc mất ngủ liên tiếp hàng chục năm trời không lạ. Từ 10 năm trước, khi phát hiện dị nhân Thái Ngọc chưa từng ngủ liên tiếp hàng chục ngàn đêm, báo chí trong và ngoài nước ầm ầm kéo về góc rừng Nông Sơn tìm ông để vẽ nên những câu chuyện truyền kỳ, lạ lẫm này. Lúc ấy, nhiều hãng truyền hình Nhật Bản, Thái Lan, Anh Quốc, Hàn Quốc… cũng tìm đến, làm phim khoa học, phim tài liệu. Có đoàn còn bố trí cả chục máy quay, thay nhau canh ông cả một tuần trời để kiểm chứng, làm phim tư liệu kiểu Discovery. Nhưng rốt cuộc, nhà báo dù thay nhau trực vẫn mệt, ngủ li bì, còn ông Ngọc, cứ tự nhiên chong đèn cuốc đất, làm đồng thâu đêm. Ông đi vào lịch sử ngành y khoa như một bí ẩn đến nay chưa ai giải mã được.Tờ mờ sáng, chúng tôi băng qua thung lũng còn đầy sương mai đi về hướng đỉnh Cà Tang. Thế nhưng, căn nhà ông Thái Ngọc đã trống hơ. Í ơi một hồi, bà Bảy mới đáp trả từ vườn chuối. Chỉ tay về phía cánh đồng lúa bên kia chân núi, bà bảo: “Ông ấy đang tuốt lúa chưa về. Cả đêm qua lọ mọ cắt gần hết đám ruộng, chừ kêu người tuốt để mang về. Ông vẫn chưa ngủ được mấy chú à” – giọng bà đầy thất vọng.
Căn nhà ông Ngọc dựng lên trong hốc núi, trơ trọi không xóm giềng, nhưng lại sum suê hoa trái. Từ tiêu, chuối, bưởi, mía, đến ao cá, vườn đậu, bắp ven suối… tất cả đều tinh tươm, chăm dọn kỹ lưỡng, quanh năm cho nông sản. Nhà báo Vũ Công Điền giải thích: “Đó là “thành quả” mấy chục năm mất ngủ của ông Ngọc. Đêm đêm, ngồi nhìn vợ ngủ hoài, riết rồi cũng chán, ông một mình vác cuốc ra vườn chăm cây. Nên đến nay, khu vườn này trông như một trang trại dày công chăm bón. Kỳ thực chỉ một tay ông làm. Điều kỳ lạ hơn là ông Ngọc vẫn khoẻ mạnh bình thường khi cả đôi mắt và đôi bàn tay chẳng mấy khi ngơi nghỉ”.
“Thức hoài nên có nhiều con”!
Thấy nhóm nhà báo lội ra ruộng thăm mình, ông Ngọc vui lắm, miệng móm mém cười: “Tui luôn thèm một giấc ngủ, nhiều lúc lạm dụng ly rượu cuối ngày để được nghỉ ngơi, nhưng không ăn thua”. 32 tuổi ông mới mất ngủ chứ không phải bẩm sinh. Vậy ông có phải trải qua một sự cố hay chấn động mạnh nào? “Bác sĩ cũng hỏi tôi câu giống chú vậy đó. Nhưng thực tình, chẳng có sự cố nào. Tôi lớn lên thời chiến, nửa đêm chạy loạn, mất ngủ là chuyện thường xuyên nên chẳng để ý. Nhưng năm 32 tuổi, tự dưng sau một đêm không ngủ, tôi cảm thấy không còn thèm ngủ nữa. Đêm kế tiếp, cố gắng nhắm mắt mà không được, dậy pha chè uống. Đêm kế tiếp cũng thế, rồi thêm nhiều đêm nữa… Bây giờ thì đã gần 15.000 đêm trắng” – ông Ngọc cười hiền hiền.
Vợ đầu của ông Thái Ngọc mất khi mới sinh cho ông con đầu lòng. 6 năm sau, ông đi bước nữa với bà Nguyễn Thị Bảy. Họ có với nhau 5 người con – 2 trai, 3 gái. Đó cũng là quãng thời gian ông không ngủ. Bà Bảy vừa bóc mấy trái bưởi mời khách, vừa kể chuyện: “Tui và ổng lấy nhau diện “rổ rá vá lại” nên cũng không việc gì e thẹn như gái mới lớn, nhưng đêm nào cũng thấy ổng thức trắng, ngồi nhìn mình nên cũng hơi ngại. Ban đầu tôi lo sợ cho sức khoẻ của ông, nhưng riết rồi quen. Ổng thức hoài nên tui có nhiều con như rứa đó” – bà Bảy cười giòn, rất thật lòng. Bây giờ các con của ông bà đều thành gia thất, ra ở riêng và đi làm ăn xa cả. Nơi hốc núi này vẫn đêm đêm đỏ đèn mỗi một nhà ông. Ngoài việc làm đồng, ông bà lại nghêu ngao hát karaoke.
Sợ một giấc ngủ dài
Làm sao họ có thể đối mặt với cả chục ngàn đêm không ngủ? Họ phải làm gì để giết thời gian?… Câu chuyện thức trắng hơn nửa đời người của ông Thái Ngọc vẫn làm tò mò bao người. Ông Ngọc chỉ ra khu vườn cả chục héc ta đầy cây trái để giải thích: “Phần lớn thời gian tôi làm vườn. Mệt thì nằm nghỉ, thấy khoẻ thì ra vườn. Bất kể ngày, đêm”. 76 tuổi, ông Ngọc vẫn dẻo dai, vẫn làm lụng cả ngày đêm. Nhưng với bà Bảy, nỗi niềm âu lo dường như trở lại như những đêm đầu ông thức trắng. Bà nói: “Dù có bất thường thế nào thì con người, khó ai chống lại quy luật cuộc đời. Tôi thấy mình được hạnh phúc hơn người, vì thời gian ổng dành cho tôi gấp đôi những cặp vợ chồng khác cho nhau. Chừ hết lo ổng mất ngủ, mà chỉ sợ ổng ngủ được. Một giấc ngủ không bao giờ dậy nữa”.
Trong thời cao điểm truyền thông quốc tế về tìm hiểu điều kỳ bí từ người đàn ông không ngủ này, có đoàn làm phim của nước Anh đã đưa ông Ngọc xuống Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng xét nghiệm. Họ kiên trì bỏ cả kinh phí lẫn thời gian để làm đủ các xét nghiệm, kiểm tra phản xạ… Nhưng mọi thông số cơ địa, các chỉ số sinh học của ông Ngọc đều bình thường.
BS Trần Nguyên Ngọc – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng lúc ấy – cho biết, kết quả xét nghiệm, đo điện não không đưa ra được bất kỳ triệu chứng nào cho thấy ông Ngọc bất bình thường. “Thông thường, hệ thần kinh con người làm việc theo chu kỳ thức – ngủ, chu kỳ ngủ sẽ giúp tái tạo phục hồi sức lực, nơ-ron thần kinh… Riêng ông Ngọc tự nhiên mất hẳn chu kỳ ngủ, chỉ có chu kỳ thức. Nhưng điều lạ kỳ là có cơ chế tự bảo vệ, tái tạo sức, tế bào thần kinh. Đây có thể nói là trường hợp có một không hai, bởi nếu bình thường, mất ngủ sẽ dẫn đến suy kiệt thần kinh, trầm cảm, ăn không ngon… nhưng ông Ngọc lại vẫn bình thường. Trường hợp này quá bí ẩn” – bác sĩ Ngọc cho biết.
Hôm ấy, trên hốc núi Cà Tang, mấy anh em phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam “hành” cả hai vợ chồng ông Thái Ngọc tái diễn. Hết cắt lúa ngoài ruộng, vác cuốc ra vườn, rồi quay về quạt lúa, vào bếp… để có những hình ảnh sinh động, kể về câu chuyện mất ngủ kỳ bí của ông Ngọc. Nhóm còn lại chúng tôi mở karaoke của ông để… giết thời gian. Vô tình bài hát “Bảy ngàn đêm góp lại” của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng lại có những ca từ trùng hợp với hoàn cảnh của ông Ngọc, nghe mà da diết: “Đêm qua đêm, súng ru em ngủ, còn đâu nồng nàn/Bảy ngàn đêm, giấc ngủ chưa tròn, giấc ngủ hao mòn, cơn mơ thành bại, mắt lo âu…”. Ông Ngọc còn hơn thế nữa, hơn 40 năm, gần 15.000 đêm “giấc ngủ chưa tròn”.
Nguồn Báo Lao Động