Triệu Vân, tên tự là Tử Long, người vùng Thường Sơn, là danh tướng xuất sắc thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đã góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán. Dựa trên một số chi tiết trong Tam Quốc và các sử liệu khác, có giả thuyết chấn động cho rằng: Danh tướng Thục Hán Triệu Tử Long chính là một… “nữ tướng”.
Từ một di chỉ khảo cổ lạ lùng
Vào cuối năm 1999, một đội khảo cổ của chính phủ Trung Quốc đã khai quật mộ của Lưu Bị đã phát hiện một số lượng lớn các văn vật cuối đời nhà Hán. Trong số những văn vật này, điều khiến người ta kinh ngạc nhất chính là những ghi chép của hoàng đế Lưu Bị. Từ những ghi chép này người ta đã khám phá ra một bí mật suốt 2000 năm nay vẫn chưa được biết đến. Đó là danh tướng Tam Quốc Triệu Vân thực chất là… gái giả trai.
Những ghi chép của Lưu Bị cho thấy ông ta đã nhiều lần bàn bạc với Gia Cát Lượng về danh phận của cô gái mang tên Triệu Vân. Điều đáng tiếc là vì nhiều lý do khác nhau, chỉ có một bộ phận bản ghi chép này được công bố. Đáng tiếc hơn nữa, trong những nội dung được công bố đó, lại không có nội dung mang bí mật rất quan trọng này.
Triệu Vân là gái hay trai? Đến nay vẫn nằm trong vòng bí mật, khi không có những bằng chứng cụ thể. Thế nhưng điều này buộc người ta phải suy nghĩ và tìm hiểu lại đối với những sự việc đã diễn ra. Thực tế, nếu đọc kỹ những ghi chép trong sử sách, thì ngay trong câu chuyện về thời Tam Quốc có thể chỉ ra rất nhiều điểm đáng ngờ về giới tính thật của hổ tướng Triệu Vân. Chúng tôi tạm đưa ra dưới đây một số điểm còn tồn nghi. Tất nhiên, thông tin này chỉ mang tính tham khảo. Sự thật lịch sử vẫn còn trông chờ vào những chứng cứ xác thực hơn.
Những tình tiết chứng tỏ Triệu Vân có bóng dáng của một “nữ nhi”
Triệu Vân trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” có ngoại hình hùng dũng, uy phong lẫm liệt, giỏi võ nghệ và có tài thao lược. Tam Quốc diễn nghĩa có ghi rằng ông: “Cao tám thước, mắt rồng, mày rậm, má bầu, mặt rộng, sống mũi diều hâu, lưng sói, tay vượn, bụng beo, cưỡi Bạch Long mã, uy phong lẫm liệt“.
Triệu Vân là tướng có uy dũng ngoài mặt trận, còn trong màn trướng, ông là người chính trực, lâm sự bình tĩnh, một lòng vì nước, rất được lòng mọi người. Trong việc chính sự, Triệu Vân cũng được xem là người có tư duy nhạy bén, suy nghĩ thấu đáo. Cùng với những nghi vấn dưới đây đã khiến chúng ta phải có một cái nhìn khác về vị danh tướng này.
Đẹp trai khác thường
Triệu Vân ngoài 20 tuổi đã bắt đầu theo Lưu Bị chinh chiến sa trường. Tuy nhiên, suốt 18 năm rong ruổi, từ Giới Kiều tới dốc Trường Bản, và sau đó là những lần cùng Lưu Bị, Gia Cát Lượng tới Đông Ngô, nhưng Triệu Vân luôn “trẻ trung đẹp đẽ, mặt trắng, không râu ria xồm xoàm như những nam nhân khác”. Điều này có phần khác lạ so với một người đàn ông hay một vị tướng uy vũ bất kỳ thời đó.
Chúng ta cũng chưa từng một lần thấy miêu tả rằng nhân vật này vuốt râu như Lưu Bị, Khổng Minh, Trương Phi, Vân Trường, Hoàng Trung, Tào Tháo, Tôn Quyền…
Tào Tháo chỉ muốn bắt sống Triệu Vân chứ quyết không giết
Cũng trong trận Đương Dương – Trường Bản đó, Tam Quốc diễn nghĩa mô tả việc Triệu Vân phá vây cứu A Đẩu rất ly kỳ hấp dẫn. Ông tả xung hữu đột vào đám quân Tào, giết không biết bao nhiêu là kể. Tháo nói: “Thực là hổ tướng, ta nên bắt sống lấy.” Liền sai ngươi tế ngựa đi truyền báo cho các nơi rằng: “Triệu Vân đi đến đâu, không ai được bắn lén, chỉ cốt bắt sống thôi“. Nhờ lệnh ấy, Triệu Vân thoát được nạn. Và đó chính là một điểm nghi vấn!
Tào Tháo đã hạ lệnh “không được bắn tên” mà chỉ muốn “bắt sống Triệu Vân”. Xét theo tính cách Tào Tháo, dù được xem là trọng hiền tài, nhưng ngay cả văn tài như Thẩm Bối, Trần Cung, kể cả “chiến thần” Lữ Bố cũng bị Tháo giết thẳng tay không gì luyến tiếc. Điều gì khiến Triệu Vân trở thành ngoại lệ?
Chúng ta đều biết đến khả năng nhìn người bậc thầy của Tào Tháo. Điển hình là việc ông phát hiện ra Tư Mã ý có tướng Lang cố “…Đầu sói có thể quay nhìn trước sau, tiến có thể tấn công, lui có thể ẩn”… Tào Tháo nhìn ra Tư Mã Ý có dấu hiệu của sự phản trắc, gian hiểm và khó lường.
Quả nhiên sau này cha con Ý làm phản, cướp ngôi nhà Nguỵ, sáng lập nhà Tây Tấn. Tào Tháo cũng có một sở thích khá quái đản là thích vợ của… kẻ thù, do đó có khả năng cảm nhận mỹ nhân rất tinh tế. Nên rất có thể Tào Tháo đã nhìn ra được sự thật về chiến tướng Triệu Vân, có bóng dáng của một ‘đoá hồng’ và đã ra lệnh “không được giết”, chỉ được “bắt sống”.
Triệu Vân không muốn kết hôn
Khi được giao giữ chức Thái thú quận Quế Dương thay hàng tướng Triệu Phạm. Phạm có người chị dâu ở góa 3 năm, rất xinh đẹp, muốn gả cho Triệu Vân, song Vân kiên quyết cự tuyệt, khiến Triệu Phạm trở mặt với Lưu Bị, còn vị phu nhân kia thì xấu hổ vô cùng.
Chỉ có Triệu Vân là được giao nhiệm vụ bảo vệ “Hoàng thất” của Lưu Bị
Có quan điểm cho rằng, Lưu Bị và Gia Cát Lượng biết rõ việc Triệu Vân “nữ cải nam trang”, cho nên Lưu mới thu xếp để Vân “bảo vệ vợ con” cho mình. Vì nhiệm vụ bảo đàn bà trẻ nhỏ không chỉ là dùng võ lực và trí tuệ của một nam nhân thông thường, mà còn cần sự tinh tế nhạy bén, thậm chí là phải vô cùng khéo léo trong cách đối nhân xử thế, xử trí những tình huống mà một người đàn ông bình thường khó mà có thể làm được.
Nguồn: ĐKN