Lại thêm một lần nữa, chúng ta “ngã sấp mặt” ở đấu trường khu vực. Có điều, lần ngã này đau đớn hơn rất nhiều, bởi chúng ta ngã từ vị thế cao hơn chỗ mình vốn có.
1. Ngay sau trận thua trên đất Indonesia, đội trưởng Công Vinh đã lập tức đăng đàn “ném lửa” vào trận bán kết lượt về tại sân nhà Mỹ Đình, Vinh phát biểu hào hứng: “Không có đội bóng nào thua và thắng mãi cả, đội tuyển Việt Nam cũng thế. Tôi nghĩ thua với tỷ số 1-2 có khi tốt hơn là chúng ta hòa 1-1 và thắng 2-1.
Bài học năm 2014 vẫn còn nguyên giá trị. Việc có được chiến thắng khiến toàn đội chủ quan, dẫn đến bị Malaysia lội ngược dòng đánh bại sau đó. Với tỷ số thế này sau lượt đi cũng đồng nghĩa đội tuyển Việt Nam không còn đường nào khác là phải vùng lên đá để giành chiến thắng. Khi bị dồn vào chân tường thì con người ta phải tự vùng lên thôi…”
Cũng giống khá nhiều người hâm mộ Việt Nam, phát biểu của Công Vinh đơn thuần là liệu pháp tinh thần theo kiểu AQ, với “cái cọc” duy nhất để bấu víu khi đã “chết chìm” trên đất khách là tỷ số 1-0 sẽ đưa Việt Nam vào chung kết, mà quên đi rằng muốn làm điều đó, thầy trò Hữu Thắng sẽ phải làm được cùng lúc 2 việc khó: ghi bàn và không để đối thủ ghi bàn.
Khó là bởi 3 trận gặp Indonesia gần nhất, trận nào đội tuyển Việt Nam cũng đều đặn vào lưới nhặt bóng 2 lần. Hơn nữa trên đất bạn, bàn thắng duy nhất của Việt Nam chỉ đến ở tình huống đội bạn phạm sai lầm nghiêm trọng, biếu không cho chúng ta một quả penalty. Và đến trẻ con cũng biết rằng, một trận hòa lúc nào cũng tốt hơn một trận thua.
Dưới thời Hữu Thắng, dường như Công Vinh khác đi rất nhiều so với một Công Vinh chỉ tập trung chính vào chuyên môn ngày nào. Ngay khi HLV người Hà Tĩnh nhậm chức, tiền đạo người Nghệ An đã “nổi sóng” với phát biểu chẳng mấy hay ho về Anh Đức – người đồng đội của mình ở Becamex Bình Dương, trong đó đem cả nghĩa vụ quốc gia ra để “dìm hàng” tiền đạo này.
Với phát ngôn mới nhất, Công Vinh thậm chí còn sỗ sàng: “Không có gì phải lo lắng cả. Indonesia thực sự chẳng có gì cả”. Câu nói này, Vinh dùng để “gỡ rối” cho chính bản thân và ông thầy Hữu Thắng, nhưng nó cũng đặt áp lực tâm lý nặng nề lên chính những đôi chân của đồng đội. Cứ nhìn cách đội tuyển Việt Nam thi đấu ở trận đêm qua thì biết.
2. Hồi đầu năm, ở một trong những trận đấu đầu tiên của mình trên cương vị mới, Hữu Thắng đã khiến không ít người phải trầm trồ, cũng không ít người ngạc nhiên khi “đóng bộ” chỉnh chu cả cây vest, thêm chiếc áo măng tô dài quá gối, dẫn đội tuyển Việt Nam đi cảm ơn người hâm mộ quanh sân Mỹ Đình, dù trời Hà Nội chẳng mấy lạnh.
Không giầy, không tất, mặc quần đùi đi bên cạnh Hữu Thắng, Công Vinh chẳng khác gã trai quê lúp xúp chạy theo “đại gia phố thị” trên sân.
Hữu Thắng phiên bản 2016 khác hoàn toàn với những gì người ta biết về anh trước đó. Không còn một Hữu Thắng “đại ca”, ngồi với đám xã hội đen đi bắt nợ đàn em dưới quyền của mình ngay ngoài sân Vinh để buông câu dàn xếp: “Để yên cho chúng nó đá, thì chúng nó mới có tiền mà trả cho chúng mày chứ”.
Tiếp quản đội tuyển từ tay HLV người Nhật khá kín tiếng và cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói, Hữu Thắng lập tức khiến người hâm mộ nước nhà không khỏi phấn khích với những phát ngôn đầy hơi hướm “soái ca”, nào là sẽ khiến đội tuyển đá tấn công đẹp mắt kiểu tiqui-taka, rồi thì “Cứ chiến hết mình, kết quả tôi chịu trách nhiệm”, thậm chí “anh Thắng” còn đọc cho các cầu thủ nghe thơ của Trần Lập…
Dưới thời HLV Hữu Thắng, rất nhiều chuyên gia khen đội tuyển thi đấu máu lửa, đầy sức mạnh tinh thần – thứ người Việt luôn đề cao. Nhưng cũng chính cái sức mạnh tinh thần ấy cũng là thứ để HLV này luôn dùng mỗi khi các học trò phạm lỗi. Mà những lỗi lầm ấy đâu chỉ có một lần, nó là cả một hệ thống, nhưng “mình thích thì mình làm thôi”.
Suốt loạt trận chuẩn bị cho AFF Cup, trừ trận gặp Avispa Fukuoka vì đối thủ quá yếu, trận gặp CHDCND Triều Tiên các cầu thủ HAGL chơi quá thăng hoa, thì trận nào hàng thủ Việt Nam cũng để thua những bàn thua cực kỳ sơ đẳng và khó hiểu. Đỉnh điểm là 2 trận giao hữu gặp chính Indonesia, mỗi trận Việt Nam đều vào lưới nhận bóng 2 lần, với ít nhất một bàn thua kỳ quặc.
Thậm chí khi đội tuyển thua 1-2 trên đất Indo, với 2 bàn thua nực cười đến từ vị trí của Quế Ngọc Hải, trước đó là hai lần mở toang khung thành trước Myanmar, pha ăn thẻ đỏ gây sửng sốt của Đình Luật trong trận gặp Campuchia, Hữu Thắng vẫn khen hàng thủ đá hay, để quay sang chê trách hàng công chẳng thể ghi được 2 bàn để giúp tỷ số quân bình.
Dưới thời Hữu Thắng, cả cầu thủ lẫn người hâm mộ luôn cảm thấy ấm lòng, sướng tai với những phát ngôn đầy khí chất của HLV xứ Nghệ, say sưa với viễn cảnh Việt Nam chắc chắn chờ người Thái ở trận chung kết, để rồi chỉ sực tỉnh khi vấp phải thực tại đớn đau: Việt Nam bị loại ở bán kết.
3. Đêm qua, trên các báo thể thao Đông Nam Á ngập tràn thông tin về việc xe bus của đội tuyển Indonesia bị tấn công bằng gạch đá. Hình ảnh kính xe bus vỡ toang, cùng thông tin một vài cầu thủ Indonesia bị thương là một vết nhơ không thể xóa nổi của người hâm mộ Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Thực ra, 18 năm về trước, sau thất bại trong trận chung kết Tiger Cup trước Singapore, ý tưởng chặn đường ném gạch vào xe đối phương đã từng suýt thành hiện thực khi rất đông cổ động viên Việt Nam tụ tập ở ngã tư Kim Mã – Liễu Giai cùng “củ đậu bay” trên tay chào đón các nhà vô địch Singapore.
Rốt cục, ý tưởng đấy đã không thành hiện thực, bởi xe bus chở các cầu thủ Singapore đi về theo đường Đê La Thành.
Gần 20 năm trôi qua, sự ấu trĩ và dại dột của người hâm mộ Việt Nam vẫn còn nguyên, như bóng đá Việt Nam vậy. Có chăng, nó được đẩy lên một tầm cao mới, với sự tiếp tay của truyền thông, của sự bơm thổi vẽ nên một hình ảnh đẹp đẽ, tươi sáng. Điều này, trước thời Hữu Thắng, chưa có bất cứ HLV ĐTQG Việt Nam nào làm được.
Song nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa, tại sao cây táo lại nở hoa. Ngay sau vòng bảng, trong khi Liên đoàn bóng đá Indonesia đặt chỉ tiêu chỉ thưởng khi đội nhà – vốn bị đánh giá thấp hơn Việt Nam, lọt vào đến trận chung kết, thì VFF đã lập tức “giải ngân” 1 tỷ đồng tiền thưởng cho đội tuyển với thành tích… lọt qua vòng bảng. Nhắc để nhớ, chỉ tiêu giải này của thầy trò HLV Hữu Thắng là chức vô địch.
Đắm đò giặt mẹt, các cụ ngày xưa nói mãi rồi còn gì!
Nguồn soha