Cha vẫn thường kể về những chuyện ngày xửa ngày xưa, về thời niên thiếu của mẹ, của cha, hay về 10 năm trước – nơi có những câu chuyện con chưa bao giờ được biết. Càng hoài niệm xa xôi, nghĩa là cha đã già thật rồi. Cuộc đời này, rồi sẽ có bao nhiêu cái lần 10 năm để nghe cha kể ngày xưa?
Có một phép tính mà cho tới bây giờ khi đọc lại, tôi vẫn không ngừng sợ hãi:
“Một năm bạn về thăm bố mẹ được mấy lần? Có người mỗi năm chỉ về thăm bố mẹ được một lần. Nếu bố mẹ còn sống được 20 năm nữa thì họ cũng chỉ được gặp 20 lần. Nhưng với nhiều người, bố mẹ có thể còn sống trên đời này khoảng 10 năm nữa thôi, vậy là chỉ còn 10 lần gặp mặt bố mẹ. Khoảng thời gian bố mẹ còn trên đời này của mỗi người có thể ngắn hơn nữa; chắc có người trong chúng ta không dám nghĩ tiếp!”.
Và tôi đã không dám nghĩ tiếp. Không ai trong chúng ta có thể chối bỏ được sự thật rằng, bố mẹ mình đang già đi.
“Cha già rồi đúng không?” – câu nói, câu hỏi, câu hát, nghe sao mà xót, mà thương. Nghe thấy nhan đề bài hát mà Phạm Hồng Phước hát ở Sing My Song tối qua, chẳng riêng gì tôi, có lẽ tất cả những người cùng nghe đều đã thấy tim mình hẫng đi một nhịp. Chưa cần khóc, chưa cần rơi nước mắt, hãy nghĩ về cha thôi, rồi tự hỏi mình điều đấy. Chúng ta, ai cũng có một người cha… đã già.
Chưa cần đếm mái tóc bạc đi bao nhiêu sợi, đuôi mắt mọc thêm bao nếp nhăn. Chưa cần đếm những tiếng thở dài giữa đêm, những lắng lo xen với quan tâm không được nói ra bằng lời nhưng cha mong con hiểu. Năm qua tháng, tháng qua năm, con lớn lên, vững chãi và tự tin; con lớn lên, vẫy vùng và không còn muốn nằm yên trong tay cha như thuở bé. Con lớn lên, chẳng còn muốn nghe những câu chuyện ngày xửa ngày xưa, những lung tung chuyện cũ mà cha hãy kể nữa.
Con lớn lên là thế. Còn cha, cứ lặng lẽ mà già đi trong những câu chuyện hồi tưởng về thời xa xôi, về cái thời con mãi mãi chỉ biết được trong lời kể. Cha già đi trong những câu hát ngày xưa cứ được nhẩm đi nhắc lại mãi, già đi khi mắt kém tay run, già đi khi những giấc mơ của mình mãi vẫn là ước mong từ thời ấu thơ, trai trẻ.
Có những điều mãi mãi dở dang, có những điều mãi mãi là nuối tiếc, chỉ duy nhất một thứ vẫn vẹn tròn mà cho đến hết cuộc đời cha sẽ giữ: đó là tình yêu với mẹ (và cả với con).
“Cha già rồi đúng không?
Mắt kém tay chân thì run
Cha già rồi đúng không?
Sao cứ nói lung tung chuyện cũ
Cả cuộc đời với cha
Chỉ sống để yêu một người
Là mẹ của các con thôi”
Cha vẫn hay kể con nghe về những điều cách đây 10, 20, hay 30 năm. Cha vẫn hay kể con nghe về tình yêu với mẹ thuở mới biết nhau, rồi hẹn hò – cái thời mà tình yêu hết sức giản đơn, bình dị nhưng gắn bó. Cha vẫn thường vu vơ hát lại mấy câu ca đã già mà chỉ các ông, các chú thời của cha mới biết. Vui thật đấy, nhưng càng hoài niệm xa xôi, nghĩa là cha đã già thật rồi.
Đời người này, còn được thêm mấy lần 10, 20 hay 30 năm nữa để nghe cha kể chuyện xưa. Còn được thêm bấy nhiêu năm để mãi được ngồi nghe cha ca những câu hò cũ. Con đâu muốn cha hay mẹ già đi, đâu muốn nhìn cha mắt kém, tay chân run rồi nói lung tung những điều lộn xộn. Con cũng muốn cha mãi được sống trong những năm tháng thanh xuân tươi đẹp với mẹ con, với kí ức của “những tối hẹn hò, chiếc xe đạp đưa nhau đón về” tình tứ…
Nhưng năm cứ qua tháng, tháng cứ qua năm, rồi cũng có lúc giật mình đến thương vì biết cha già rồi, đâu còn như xưa nữa. Và lại tự trách mình, muốn xin lỗi vì những tháng năm vừa qua đã vô tâm đến đáng trách.
“Cha kể tôi nghe
Có lẽ cuộc đời còn có bao nhiêu lần 10 năm nữa
Cha kể tôi nghe…”
Chỉ mong sao những câu chuyện còn mãi… Con không lớn nữa, xin cha mẹ đừng già đi, có được không?
Theo Kenh14