Cụ Lục (Cao Huy Lục) là con trai thứ hai của cụ Cao Bá Quát, tính đến Cao Bá Hưng đúng là bảy đời đấy”
Sau khi tập 5 của chương trình Sing My Song lên sóng vào tối chủ Nhật (18/12), khán giả truyền hình phát sốt với nhân tố đặc biệt vừa hát hay lại vừa có thân thế “khủng”. Đó là thí sinh Cao Bá Hưng (sinh năm 1998, tại TP.HCM), đang là học sinh lớp 12 của trường THPT Marie Curie (TP.HCM).
Chàng trai 18 tuổi nhanh chóng khiến nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong và Đức Trí quyết định gạt cần chỉ sau hai câu hát. Sau đó, Giáng Son, Lê Minh Sơn cũng bị chinh phục bởi giai điệu độc đáo của ca khúc.
Ca khúc ’’Tương tư’’ mà Hưng thể hiện nói về cảm xúc thầm thương trộm nhớ của người con trai dành cho một cô gái. Sáng tác lấy cảm hứng từ văn học và chất liệu âm nhạc dân tộc.
Đặc biệt, Bá Hưng cũng khiến các huấn luyện viên và khán giả bất ngờ khi tiết lộ mình là cháu nội đời thứ bảy của nhà thơ Cao Bá Quát.
Tuy nhiên, nhiều người đã tỏ ra nghi ngờ về thông tin này. Bởi lẽ trong chính sử thì dòng họ Cao Bá đã bị tru di tam tộc sau khi khởi nghĩa Mỹ Lương thất bại.
Trao đổi với báo chí về việc này, Cao Bá Hưng cho biết, ngay từ bé cậu đã nghe ông nội là Cao Bá Nghiệp kể lại rằng, dòng họ của cậu nổi tiếng thơ ca, mấy đời liền đều là nhà thơ. Nhưng đến đời bố của Hưng và Hưng thì không làm thơ mà chuyển sang âm nhạc.
’’Và không phải riêng nhà tôi là hậu duệ Cao Bá Quát đâu, còn nhiều gia đình khác nữa. Tôi cũng biết ý kiến đặt vấn đề rằng trong lịch sử thì Cao Bá Quát bị triều đình bắt giữ và tru di tam tộc thì làm sao mà có Cao Bá Hưng được.
Nói đúng ra thì cụ Cao Bá Quát có rất nhiều vợ, và truy ra điều này hơi khó vì cụ là người thích lang thang phiêu bạt. Chuyện này trong gia đình tôi ai cũng biết và tôi không phải là người rõ/hiểu sâu nhất. Tôi có ông nội là nhà sử học, tình cờ tôi cũng biết cả chuyện trước đời cụ Cao Bá Quát thì tổ tiên tôi là cụ Cao Lỗ.’’ – Hưng nói.
Khẳng định thân thế
Được biết, ông Cao Bá Nghiệp – con trai cố nhà văn Thao Thao (Cao Bá Thao) đã từng bỏ ra nhiều công sức tìm hiểu sự thực về cái chết của Cao Bá Quát. Theo ông sau khi cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương 1855 (Cao Bá Quát là một trong những người lãnh đạo) thất bại, Cao Bá Quát không bị chết ở trận tiền.
’’Khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, triều đình nhà Nguyễn vì muốn dẹp yên nên đã dựng lên chuyện Cao Bá Quát bị chết ở trận tiền. Nhưng mấy năm sau (1858) vua nhà Nguyễn là Tự Đức vẫn ra lệnh cho các quan tỉnh ở giáp biên giới Trung Quốc truy nã Cao Bá Quát và các con của ông.
Nếu trước đó quan quân nhà Nguyễn đã chém được Cao Bá Quát thì sao còn phải ban lệnh truy nã tiếp? Còn thực tế Cao Bá Quát trốn đi đâu thì vẫn là bí ẩn của lịch sử. Tôi đã nhiều lần đi tìm ở khắp nơi, kể cả sang Trung Quốc, Singapore, Indonesia… nhưng vẫn chưa tìm được.
Khoảng 10 năm sau cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương, hai người con của Cao Bá Quát là Cao Bá Phùng và Cao Bá Thông lại bí mật trở về quê cũ. Người anh Cao Bá Phùng đã đưa em về quê giao phó cho một gia nhân trung thành trông nom và đổi tên em là Cao Huy Lục. Vì thế mới còn hậu duệ của dòng họ Cao Bá đến bây giờ’’, ông Nghiệp lập luận.
Ông Cao Bá Nghiệp cho biết thêm, sau khi ra lệnh tru di tam tộc dòng họ Cao Bá Quát, nhà Nguyễn làm một cuộc hành hình những người họ Cao này ở Phú Thị, Gia Lâm.
Ngay lúc đó thì có ông Cao Bá Bính đem quân về giải vây họ Cao, làm cho mọi người tứ tán đi khắp nơi. Có những người chạy vào nam, thay tên đổi họ, không còn dùng chữ Cao Bá nữa mà dùng Lê Cao, Trần Cao, Nguyễn Cao… chạy vào đến tận Cà Mau.
’’Tuy vậy, khi mất thì trên mộ đều ghi là hậu duệ của Cao Bá Quát. Về trực hệ thì tôi là con của nhà văn Thao Thao tức Cao Bá Thao. Nhưng vào Nam thì đến đời tôi mới vào, tôi vào Sài Gòn từ tháng 7 năm 1975, sau đó trở ra.
Đến năm 1991 mới chính thức vào sống cùng con gái là Hồ Nga trong này, còn Cao Bá Phương con tôi thì vào TPHCM sau chị Nga nó 2 năm. Ông thân sinh cụ Thao là Cao Bá Thúy; thân sinh cụ Thúy là cụ Cao Huy Lục. Cụ Lục là con trai thứ hai của cụ Cao Bá Quát, tính đến Cao Bá Hưng đúng là bảy đời đấy.’’ – ông Nghiệp khẳng định.
Nguồn Tạp Chí Sao