Trong ngày Tết, việc sửa biện và trang trí bàn thờ là tục lệ không thể thiếu đối với người Việt Nam. Tuy nhiên, để trang trí bàn thờ đúng cách và đầy đủ không phải ai cũng nắm rõ.
Thầy Thích Trí Thịnh – Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng (Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình) cho biết: Bàn thờ ngày Tết bao gồm đồ để thờ và để cúng.
Đồ để thờ là những lễ vật bày biện trên bàn thờ, có thể đặt thời gian dài hàng tuần, thậm chí là hàng tháng nhưng đồ cúng phải được thay hàng ngày như cơm cúng, nước cúng,… có thể mỗi ngày thay một lần.
Trang trí đồ thờ bao gồm đôi cây đèn dầu, đôi lọ lục bình, chum nước, mâm ngũ quả… đặt 2 bên bàn thờ; những vật này không thể thiếu trên bàn thờ mỗi gia đình và bất di bất dịch không di chuyển.
Đồ cúng bao gồm chén nước hoặc bát nước cúng, ly rượu, nến, thức ăn chay hoặc mặn…
Về sửa biện bàn thờ ngày Tết, Thầy Thịnh lưu ý: “Mâm ngũ quả bao gồm 5 loại quả có màu sắc khác nhau, tượng trưng cho ngũ hàng âm dương ứng với 5 hành Kim – Mộc – Thuỷ – Hoả – Thổ, gia chủ nên chọn những loại quả có màu sắc ứng với mỗi hành.
Đôi lọ lục bình để bất di bất dịch phía 2 bên bàn thờ, tượng trưng cho 6 căn của một người bao gồm tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý.
Đôi cây đèn dầu cũng phải đặt bất di bất dịch trên 2 bên bàn thờ. Hiện nay nhiều gia đình quan niệm sử dụng bóng điện thay thế và chỉ cần thường xuyên lau sạch sẽ, nhưng quan niệm đó không đúng vì cây đèn dầu mỗi khi thắp phải đổ dầu và lau sáng… mang ý nghĩa nhắc nhở con cháu phải trau dồi học hành, trau dồi kiến thức như việc trau dồi dầu cho đèn”.
Ngoài ra, sư thầy cũng lưu ý: Trên bàn thờ ngày Tết còn phải có chum nước cúng, chum nước này có thể không quá đầy nước, nhưng khi cúng lễ nên mở nắp chum và khi cúng xong thì đậy lại để thờ. Tuy nhiên, chén nước hoặc bát nước vẫn phải có trong mâm cúng.
Với quan niệm, năm Gà không nên cúng lễ bằng Gà, thầy Thịnh bác bỏ: “Đó chỉ là suy nghĩ tạo nên hành động, có chăng ta nên cúng chay để hạn chế sát sinh mà thôi”.
Theo Webtretho
Xem thêm: Linh hồn là có thật?