Cùng chuyên gia phong thủy tìm hiểu cách đặt bát hương trên bàn thờ để mang tài lộc, may mắn về nhà nhé!
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông phương (Hội Nghiên cứu Phát triển Khoa học Việt Nam – Đông Nam Á) tùy thuộc vào hoàn cảnh từng nhà mà đặt bàn thờ cũng như lập các bát hương, chứ không nên quá máy móc.
“Điều quan trọng là cái tâm thành kính. Nhiều người cho rằng, không nên thờ chung họ nội và ngoại trong một bàn thờ nhưng theo tôi điều đó không sao cả bởi bàn thờ giống như một lịch sử của một dòng họ là để tưởng niệm, biết ơn với những người quá cố đã sinh thành, nuôi dưỡng mình.
Hơn nữa, việc đặt vị trí bàn thờ là điều quan trọng rồi nhưng điều quan trọng hơn cả là bạn phải luôn giữ cho bàn thờ phải luôn sạch sẽ, thường xuyên thắp hương để tưởng nhớ về tổ tiên và người đã khuất, bàn thờ thần tài cầu may”, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh chia sẻ.
Về vị trí đặt bàn thờ, ông Luyện Văn Dũng cho biết, theo tập tục của dân gian thì ban thờ gia tiên thường được đặt giữa gian nhà hướng ra mặt tiền. Tuy nhiên, việc đặt bàn thờ có một nguyên tắc là hướng về cái đẹp và tùy theo tuổi của gia chủ. Mỗi gia đình tùy theo hoàn cảnh rộng, hẹp, nhiều tầng hay nhiều phòng mà chọn chỗ đặt bàn thờ cho thích hợp nhưng phải hướng về cái đẹp: Thiên y, Sinh khí, Phúc đức hoặc Phục vị, chứ không được đặt bàn thờ hướng về cái xấu: Tuyệt mệnh, Ngũ quỷ, Họa hại, Lục sát.
Dù là nhà ở truyền thống hay hiện đại, bàn thờ cũng luôn phải đảm bảo được đặt tại vị trí cao, không bị các không gian sinh hoạt khác đè lên để khi cúng bái, con cháu trong nhà tỏ được sự ngưỡng vọng thành kính của mình với ông bà tổ tiên. Với một gia đình riêng có nhiều tầng thì tầng trên cùng của tòa nhà đặt phòng thờ là hợp lý nhất. Nó không chỉ mang đến sự trang nghiêm, kín đáo, tĩnh lặng mà còn thuận tiện cho việc cúng ngoài trời, hóa vàng mã trên sân thượng.
Trong gia đình tùy theo trách nhiệm là con trưởng, con thứ v.v… mà thờ phụng. Thông thường có 3 cấp bậc:
Thờ Phật: cầu mong sự bình an thanh thản đến với gia đình, giải thoát tai ương.
Thờ Thần: thờ thổ công, long mạch, thần tài, tiền chủ những vị cai quản mảnh đất mình cư ngụ, cầu giúp gia đình ăn ở yên ổn.
Thờ gia tiên: họ nhà mình và các bậc phụ thờ theo tiên tổ. Nếu thờ tổ tiên họ tộc bên ngoại (trường hợp bên đó không có người thừa tự) thì phải lập bát hương và ban thờ khác. (Trích từ trang Chùa Thiên Ân)
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Mạnh Linh (Viện Quy hoạch & Kiến trúc Đô thị – ĐHXD) chia sẻ, khi thắp hương ngày Tết hay bất kỳ dịp nào cần phải ăn mặc chỉnh tề, không mặc quần đùi hay ăn mặc luộm thuộm… Khi khấn cần phải liền mạch, không ngắt quãng theo kiểu đang khấn bỏ dở chuyển sang sắp đồ lễ hay làm việc gì đó. Cần thành tâm để cúng, khấn nhằm thể hiện sự tôn trọng với thần linh, tổ tiên, ông bà.
Số lượng nén hương khi thắp là điều rất quan trọng không được bỏ qua. Tránh thắp số nén chẵn và cũng không nên châm cả bó hương vừa tránh không khí bị ô nhiễm vừa lãng phí. Người Việt thường chọn số nén hương lẻ để thắp. Đó có thể là 1, 3, 5, 7, 9, tuy nhiên đa số là không quá 3 nén. Nhìn chung việc thắp con số lẻ là bao nhiêu không khác nhau nhiều về ý nghĩa mà quan trọng là sự thành tâm.
Hương theo quan niệm của nhà Phật là một trong những lễ vật cần thiết để dâng cúng. Đó là hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Rất nhiều ngôi chùa hiện nay khuyến khích phật tử thắp một nén hương với ý nghĩa hướng về làm sạch môi trường. Một nén cũng gọi là tâm hương, bao gồm ý nghĩa 5 giới:
– Giới hương, tức tự nhắc mình hướng thiện cho tâm luôn trong sáng
– Định hương, khiến cho lòng yên ổn
– Tuệ hương, khiến trí não sáng suốt
– Tri kiến hương, giúp phát triển trí tuệ, năng lực
– Giải thoát hương, giúp buông xả ưu phiền, ham muốn.
Còn theo quan niệm của học thuyết Âm – Dương thì số lẻ tượng trưng cõi dương, số chẵn tượng trưng cõi âm. Do đó khi thắp hương ngày Tết hay ngày thường thì cũng chọn con số lẻ.
*Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo!
Theo Phununews
Xem thêm: Bát hương, việc bốc bát hương và sử dụng bát hương.