Một hacker người Algeria đã bất ngờ nở nụ cười ngay khi bị bắt giữ vì cáo buộc trộm gần 300 triệu USD để làm từ thiện.
Hamza Bendelladj, một sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính được tung hô như huyền thoại ở Algeria – một quốc gia có nền chính trị bất ổn. Chàng trai sinh năm 1988 tại vùng Tizi-Ouzou (Algeria) này là một hacker cực kì có tiếng, hoạt động dưới bí danh “BX1”.
Hamza bị các cơ quan an ninh Mỹ cáo buộc sử dụng trojan có tên SpyEye để lấy tiền từ các ngân hàng phương Tây và gửi tới các quỹ từ thiện tại Palestine, Algeria, gần khu vực anh sống. Đây là một phần mềm độc hại, chuyên được cài ẩn vào các tập tin được gửi đến hơn 200 ngân hàng ở Mỹ.
Ở thế giới ngầm, vùng Algeria và khu vực Trung Đông, Hamza là vị anh hùng. Thế nhưng ở phương Tây, Hamza lại là cái gai trong mắt của FBI. Anh nằm trong top đầu những tội phạm công nghệ bị truy nã trên khắp thế giới. Hamza và bạn mình, Aleksandr Andreevich Panin (được biết dưới bí danh Gribodemon và Harderman) bị truy cứu trách nhiệm cho sự biến mất của 20 triệu USD tại các ngân hàng phương Tây.
Vài người quen của Hamza cho biết, anh có thể nói được 5 ngoại ngữ và thành thạo trong việc mã hóa. Với khả năng này, Hamza hoàn toàn có thể đạt được vị trí cao trong xã hội Algeria. Tuy nhiên, anh lại chọn việc đột nhập vào hệ thống các ngân hàng, sử dụng các trojan để lách vào kẽ hở bảo mật làm mục tiêu hàng đầu.
Hamza bị truy nã gắt gao trên toàn thế giới trong suốt 3 năm. Vào năm 2013, anh bị bắt tại
Thái Lan và bị trục xuất về Mỹ. Anh bị cáo buộc 23 tội danh khác nhau, liên quan tới mã độc và ngân hàng trong suốt 3 năm từ 2009 đến 2011. Theo đó, Hamza và Panin đã tạo ra phần mềm tội phạm từ năm 2009 tại Nga. Họ đã bán SpyEye thông qua các giao dịch online với giá từ 1.000 USD tới 10.000 USD. Một trong những khách hàng của họ bị nghi ngờ đã trộm được 3,2 triệu USD trong vòng 6 tháng chỉ thông qua SpyEye.
Hamza bị bắt trong chuyến du lịch cùng vợ và con gái. Theo báo cáo tại hiện trường bắt giữ,
Hamza không hề chống cự mà còn nở nụ cười với gia đình mình, vẫy chào tạm biệt họ trước khi bị đưa đi.
Sau khi lấy được lời khai của Hamza về nơi cất giữ số tiền lấy cắp, các nhà lập pháp không khỏi bất ngờ sửng sốt. Hàng trăm triệu USD nhận được thông qua các vụ cướp phi pháp đã được Hamza lặng lẽ gửi tới những quỹ từ thiện lớn nhỏ ở Palestine.
Một tài khoản Twitter tên Hassan_JBr cho biết: “Người hùng Algeria này là một trong mười hacker nguy hiểm nhất thế giới. Hamza đã thành công trong việc lấy cắp 280 triệu USD từ 217 ngân hàng và gửi tới Palestine để từ thiện”. Dòng trạng thái của tài khoản này đã thu hút hơn 4.500 lượt quan tâm và được share rộng rãi.
Dư luận xôn xao và nổi sóng. Đa phần đều ủng hộ và tỏ ra thông cảm với hành động của Hamza. Nhiều trang web lớn trên thế giới đều bị hack nhằm tỏ lời bênh vực Hamza. Website của hãng bay Air France cũng xuất hiện dòng hashtag #FreeHamzaBendallaj.
Tuy nhiên, dù được ví như hiện thân của Robin Hood phiên bản online thì Hamza vẫn bị kết án 15 năm tù cho việc ăn cắp hàng trăm triệu USD và gây nhiễm độc làm lộ thông tin của gần 1,4 triệu máy tính ở Mỹ. Hamza bị phát hiện khi anh đang thực hiện một vụ mua bán bản sao của virus SpyEye với giá 8.500 USD.
Với nụ cười khi bị bắt giữ, Hamza hiện lên trên ống kính với vẻ bình thản, nhẹ nhõm. Và từ đó, anh được mệnh danh là “hacker mỉm cười”.
Nguồn: Yan