Chúng tôi đã đến tận nhà hiện tượng mạng ‘Việt Nam nói và làm’ – Nguyễn Tiến và khám phá được nhiều bí mật gây choáng.
Đi ‘bụi’ từ năm 14 tuổi
Đúng 9h sáng, Nguyễn Tiến (SN 1995, nổi tiếng qua trào lưu ‘Việt Nam nói là làm’) cùng một số anh em tất bật dọn bàn ghế cho một quán nước nhỏ trên đường kênh Tân Hóa, quận Tân Phú, TP HCM. Gặp chúng tôi, cậu lẽ phép chào hỏi nhưng có vẻ khá e dè khi tiếp xúc người lạ. Một lúc sau, hiện tượng mạng 21 tuổi cũng nhanh chóng bắt chuyện và chia sẻ khá nhiều điều thú vị.
Nguyễn Tiến cho biết, quán nước bình dân được anh mở trước khi gây chú ý trên mạng qua các trò tẩm xăng tự thiêu, đâm vào người… khi đạt được đủ số lượng like (thích) đưa ra. Với thu nhập không quá cao, chi phí đủ cậu tự lo cho bản thân và người em trai, cũng như làm từ thiện cho bà con nghèo xung quanh.
Đối lập với một Nguyễn Tiến bạo dạn, làm trò gây sốc trên mạng, ngoài đời trông anh khá nhỏ con với cân nặng chỉ 58kg. Trước các câu hỏi, chàng trai ngập ngừng đôi chỗ rồi cũng tâm sự khá chân thật. Theo đó, từ năm 14 tuổi, Tiến đã ra khỏi nhà tự lập kiếm sống. Bố mẹ anh ly hôn và làm ăn xa, cho đến hiện tại anh chưa một lần gặp lại bố, trong khi mẹ thỉnh thoảng mới về nhà ngoại thăm gia đình. Đối với chàng trai sinh năm 1995, đã từ lâu hai tiếng bố, mẹ hay bữa cơm gia đình đã quá xa lạ…
Dù không ăn học đến nơi đến chốn, song những ngày tháng lang thang mưu sinh ngoài đời với một đứa trẻ là một thử thách vô cùng to lớn. Không nhà, không cửa… khiến Nguyễn Tiến gặp không ít khó khăn, những thành phần xấu luôn rình rập, bên cạnh lôi kéo vào những cuộc chơi… “Có lẽ trời thương rồi cũng vượt qua, được các anh em tốt cưu mang tôi mới được như ngày hôm nay. Cũng nhờ vậy mà tôi yêu quê hương, nơi mình sinh ra và lớn lên. Quan trọng nhất vẫn là biết trước biết sau, kính trên nhường dưới…” – Nguyễn Tiến giãi bày.
Làm trò ‘ác’ mới nhiều người quan tâm
Trước câu hỏi mục đích hút like trên mạng xã hội để làm gì? Nguyễn Tiến đáp ngắn gọn: ‘Thích thì làm chơi thôi”. Bên cạnh đó, chứng kiến nhiều trường hợp ‘nói thì hay làm thì dở’ nên đã thúc đẩy 9X tạo nên trào lưu này.
Dùng chiêu câu like trên Facebook để chuộc lợi cá nhân từ việc PR sản phẩm về sau được không ít hiện tượng mạng áp dụng. Tuy nhiên, đối với Nguyễn Tiến, cậu khẳng định: “Tôi chỉ muốn giúp những ai khó khăn thôi, tôi chả suy nghĩ gì sâu xa đến chuyện kiếm tiền, thành hot face này nọ. Tôi thích thì làm chơi thôi…”.
Sở hữu trang cá nhân với gần nửa triệu lượt người theo dõi nên hàng ngày Nguyễn Tiến tiếp nhận hàng nghìn tin nhắn, bình luận khác nhau. Đây là một con số mà không ít nghệ sĩ tên tuổi đang hoạt động nghệ thuật ao ước. Chàng trai cho hay, điện thoại của anh luôn trong tình trạng hết pin. “Khi cần livetream thì tôi mượn điện thoại của người anh chứ bản thân cũng ít dùng Facebook, có gì liên quan đến mình thì nhiều người tag tên hay gửi cho xem…” – anh nói.
Clip Nguyễn Tiến lần đầu chia sẻ về con người thật:
Hàng ngày, mạng xã hội lan tỏa khá nhiều thông tin tiêu cực, mặt trái của xã hội và nhận được sư tương tác lớn. Chính Nguyễn Tiến cũng thừa nhận, đây là nguyên nhân khiến anh bị cuốn theo cuồng quay, tạo ra các chiêu trò gây chú ý lớn. “Có một thực tế rằng, thử bạn làm chuyện tốt xem có ai quan tâm, theo dõi không? Mà những việc “ác”, “sốc”, “xấu”… lại lan tỏa một cách mạnh mẽ. Nếu xã hội này cái gì cũng tốt đẹp thì tôi nghĩ sẽ không có một Nguyễn Tiến – ‘Việt Nam nói là làm'”, 9X tâm sự thẳng thắn.
Dẫu vậy, trong thâm tâm, chàng trai sinh năm 1995 vẫn thích làm từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời neo đơn. Chứng kiến cơn lũ phá hủy nhiều nhà cửa của người dân miền Trung vừa qua, Nguyễn Tiến cũng dự định ra tận nơi cứu trợ đồng bào bằng những vật phẩm thiết yếu, nhưng vì trục trặc một số vấn đề nên anh chưa thực hiện được.
“Có nhiều ý kiến trái chiều nhưng tôi không mấy bận tâm. Trên mạng tôi làm trò “khùng điên” vậy chứ mọi người tiếp xúc con người, cách sống của tôi chưa nên đừng vội vàng phán xét hay nhìn nhận vấn đề nào đó” – hiện tượng mạng 21 tuổi cho hay.
“Nó không sống vì tiền đâu”
Chúng tôi cũng được Nguyễn Tiến dắt về căn nhà mà anh sinh ra và lớn lên từ nhỏ. Đón tiếp chúng tôi là vợ chồng anh Trung (28 tuổi, anh họ của Nguyễn Tiến) và một người mợ. Trong căn nhà có phần xập xệ, nền đất nhưng tiếng cười nói lại rôm rả như xóa tan cơn nóng mùa hè oi bức.
“Anh em chúng tôi nghèo thật nhưng cưu mang nhau mà sống. Trước nhà có 3 gian nhưng qua các đời bán dần, đến giờ chỉ có nơi trú ngụ sống qua ngày thôi” – anh Trung chia sẻ.
Mọi thành viên trong nhà đều biết chuyện Nguyễn Tiến tẩm xăng tự thiêu, đâm vào người… thông qua mạng xã hội. Thấy người em bỗng nổi tiếng như vậy anh Trung cũng thấy vừa vui vừa lo. Muốn gọi điện hỏi thăm nhưng lúc đó hầu như không ai liên lạc được Nguyễn Tiến. “Thấy nó làm vậy cả nhà cũng không biết sao. Nó lớn rồi nên mình cũng không can thiệp gì nhiều. Giờ nó ít về nhà lắm, lâu lâu ghé chơi rồi ở ngoài quán nước là chính” – anh Trung nói.
Di ảnh bà ngoại của Nguyễn Tiến qua đời các đây vài tháng. Phía trên căn nhà có gác lửng được ghép lại bằng các mảnh gỗ.
Về với gia đình, Nguyễn Tiến bỗng trở thành một cậu bé ‘đáng yêu’ khi liên tục vò đầu, cười nói, trả lời các câu hỏi của anh họ và mợ. Người mợ tuy đã lớn tuổi song vẫn thành thạo dùng mạng xã hội và theo dõi các clip của người cháu.
“Nó không có sống vì tiền đâu…” – đó là câu nói của anh Trung khi không ít lần Nguyễn Tiến từ chối nhận tiền từ kẻ xấu để làm những việc trái lương tâm. “Bố mẹ sinh ra cho ăn học mà không ít thành phần lúc nào cũng có suy nghĩ tiêu cực, không biết thương người… tôi bức xúc lắm” – Nguyễn Tiến liền nói…
Dù cuộc sống khá khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng các thành viên gia đình Nguyễn Tiến luôn lạc quan, vui vẻ, sống thật với lương tâm như phần nào tiếp thêm nguồn động lực cho những người trẻ chúng tôi có suy nghĩ tích cực hơn…
Nói về ước mơ tương lai, Nguyễn Tiến ngập ngừng suy nghĩ một lúc rồi tiết lộ: “Tôi muốn trở thành một doanh nhân, mở thật nhiều cửa hàng rồi đưa các trẻ em cơ nhỡ về đào tạo, làm việc…”.
Nguồn Phụ nữ sức khỏe