Tóc được bán cho các lái buôn với giá rất rẻ hoặc đổi bằng những vật phẩm khác, nhiều người còn kháo nhau rằng tại nhiều nơi phần tóc nối và tóc giả được lấy từ tóc của tù nhân.
Một mái tóc đẹp, hợp thời trang luôn là niềm ao ước của các chị em, tuy nhiên không phải ai cũng sở hữu một mái tóc chắc khỏe để có thể thử mọi kiểu tóc, vì vậy ngày nay nhu cầu đội tóc giả hoặc nối tóc ngày càng tăng cao. Để có được một mái tóc giả tuyệt đẹp các cô gái không tiếc tiêu tốn từ vài triệu đến vài chục triệu, trung bình trên thế giới mỗi ngày có hàng nghìn cô gái đến các salon để nối tóc, thế nhưng rất ít người thắc mắc tự hỏi liệu số tóc “khổng lồ” này từ đâu ra. Và khi biết được sự thật có thể bạn sẽ phải suy nghĩ lại về việc sử dụng loại tóc giả này đấy.
Để có được hàng triệu tấn tóc phục vụ cho ngành công nghiệp thời trang tóc, các lái buôn phải tìm đến các quốc gia nghèo khó để thu mua. Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu tóc hàng đầu trên thế giới. Tóc của các cô gái Ấn Độ được đánh giá rất cao và thường được gọi bằng cái tên “mái tóc trinh nữ” vì chưa từng nhuộm màu hay tạo kiểu, không sử dụng dầu gội hóa chất, người Ấn Độ cũng thường xuyên chải đầu và dùng dầu dừa vì vậy mái tóc của họ rất mượt và chắc khỏe.
Một số phụ nữ Ấn Độ thường hiến mái tóc của mình cho các đền thờ Hindu nhằm mục đích cảm ơn thần linh, sau đó tóc của họ sẽ được bán cho các tay lái buôn để gây quỹ. Bên cạnh đó nhiều người phụ nữ Ấn Độ làm công việc nuôi tóc kiếm tiền. Những tay buôn tóc còn nhắm vào những người đàn ông để thu mua tóc. Họ lôi kéo những người đàn ông này và trả cho họ khoảng 150 nghìn VND để các ông chồng thuyết phục vợ mình bán tóc. Điều này đã khiến cho các trường hợp phụ nữ bị đánh đập và bị bắt ép phải bán tóc đã xảy ra. Thậm chí các em bé cũng bị lừa bán tóc để lấy đồ chơi.
Khi các phụ nữ đồng ý bán tóc, những kẻ buôn tóc sẽ cắt tóc ngay tại chỗ, ngoài ra họ cũng tìm đến các cửa hàng làm tóc để thu thập những phần tóc sau khi cắt xong. Với những mái tóc hư tổn sẽ được mua với giá rất rẻ hoặc đổi bằng những vật phẩm khác. Nhiều người còn kháo nhau rằng tại nhiều nơi như Nga, Ukraina những phần tóc nối và tóc giả được lấy từ tóc của tù nhân.
Với nhu cầu ngày càng tăng, tóc giả đang là ngành công nghiệp “hái ra tiền” của nhiều nước.Để sản xuất một bộ tóc giả chất lượng đòi hỏi rất nhiều công đoạn và bí mật nhà nghề.
Tùy vào loại tóc khác nhau mà người ta sẽ chế ra những bộ tóc giả hay tóc nối có chất lượng khác nhau. Công việc đầu tiên các công nhân sẽ làm là gỡ tóc, đây là công việc khá vất vả và đòi hỏi tính tỉ mỉ rất cao, trung bình một nhân công chỉ gỡ được 150g tóc mỗi ngày. Sau khi gỡ xong tóc sẽ được làm mượt và chải bằng lược, cuối cùng người thợ sẽ phân tóc thành những đoạn dài bằng nhau và buộc lại.
Tóc sau đó sẽ được đem đi nhuộm màu, đây là khâu rất quan trọng để làm ra những bộ tóc giả đẹp hoàn hảo. Tùy vào nhu cầu của khách hàng mà người nhuộm sẽ sử dụng các loại dung dịch hóa học khác nhau. Để có được màu sáng như vàng óng, bạch kim, tóc phải được ngâm 20 ngày, trong khi đó các màu tóc nâu hay đỏ thì chỉ cần 10 ngày. Để lượng tóc được nhiều hơn, người ta pha tóc với lông đuôi ngựa hoặc trộn thêm các loại tóc tổng hợp. Tùy vào lượng tóc pha nhiều hay ít mà các bộ tóc sẽ có giá khác nhau.
Tất cả các công đoạn để làm nên mái tóc giả đều được hoàn thành bằng tay và đòi hỏi sự tỉ mẩn của các công nhân, thế nhưng ngược lại các công nhân này được trả công rất ít ỏi. Đa số các nhà máy làm tóc được đặt tại Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar và những công nhân làm tóc đều là lao động nghèo khổ. Trong khi đó những tay buôn thì kiếm bộn tiền từ những phi vụ mua bán tóc và những nhà tạo mẫu tóc sẽ ăn lợi nhuận gấp đôi, gấp ba từ khách hàng.
“Những người lao động thường rất nghèo. Chúng tôi chỉ phải trả 45$ (1 triệu VNĐ) và họ có thể nuôi gia đình trong 3 tuần” – một người bán tóc tại Mỹ cho biết.
(Nguồn ảnh: Internet)