Hồi bầu khá lớn tầm 30 tuần, vợ chồng em thích thú vì con nhú lên rõ rệt trên bụng, sờ vào cứng cứng. Tưởng con gọi nên vợ chồng em khoái lắm, chạm lại con, trò chuyện thủ thỉ với con.
Sau đó đi khám thai định kỳ em mới biết là mình “chơi ngu”, khi bụng cứng bất thường ở một điểm nào đó, là một trong những dấu hiệu báo động con có thể đòi ra đời bất kỳ lúc nào.
Bác sĩ kể lại bác vừa đỡ đẻ cho bệnh nhân của bác, bầu trước em 2 tuần, nhưng sinh non ở tuần thai thứ 35. Lý do là mẹ đó lười đi khám thai, hai tháng mới đến một lần dù bác căn dặn rõ ràng là sau 30 tuần, mỗi tháng nên đi khám thai một lần. Vì không được bác chỉ dẫn, mẹ này không nhận biết được những cơn gò này có thể gây nguy hiểm cho hai mẹ con. Đến khi đau bụng vật vã và ra máu âm đạo, mẹ này mới vào bệnh viện cấp cứu.
Vì đến trễ, tử cung nở rộng không thể giữ lại em bé trong bụng, bác sĩ đành tiêm thuốc nở phổi cho em bé, để em bé đủ điều kiện tự thở khi chào đời. Sinh ra lúc 35 tuần, em bé chỉ nặng có 2,3kg, non nớt nhỏ thó và chưa tự bú được.
Em nghe mà hoảng hồn vì trò “nghịch dại” của hai vợ chồng. Vội vàng hỏi bác thêm những thông tin về cơn gò nguy hiểm, đặc biệt là cách xử lý khi cơn gò đến, để bảo vệ tốt nhất cho con, cho con được chào đời đủ ngày vẹn tháng.
Em ghi nhớ lại và chia sẻ với các mẹ những kiến thức bác sĩ đã căn dặn em
1. Không chạm vào bụng khi thấy cơn gò
Khi cơn gò, co thắt xuất hiện, bụng sẽ cứng lên và đây là lúc tử cung hoạt động. Nếu mẹ chạm tay lên bụng, sẽ kích thích cơn gò, và các cơn co thắt này sẽ đẩy em bé xuống gần hơn với tử cung. Điều này dễ dẫn đến sinh non trong ba tháng cuối của thai kỳ.
2. Không ân ái khi thấy cơn gò
Khi đang gần gũi chồng mà cảm thấy cơn gò xuất hiện, các mẹ nhanh chóng nói với chồng và dừng cuộc vui lại. Vì cơn gò kích thích tử cung, tăng sức nén xuống thành tử cung, cộng với giao hợp nén lực lên thành tử cung nữa, sẽ khiến em bé đòi ra đời sớm hơn. Đồng thời khi đạt cực khoái, tinh trùng bắn vào âm đạo, sinh ra chất prostaglandin, hoạt chất này giúp tử cung mở rộng ra. Vì vậy, quan hệ khi mang bầu những tháng cuối của thai kỳ, hai vợ chồng nên sử dụng bao cao su để đảm bảo an toàn cho em bé nhé!
3. Hạn chế cơn gò
Khi thấy cơn gò xuất hiện, điều các mẹ cần làm là dừng lại mọi hoạt động, và ngồi/nằm nghỉ ngơi. Nếu sau 10 phút cơn gò chưa hết, các mẹ nên liên lạc để được bác sĩ tư vấn. Em hay nằm yên và suy nghĩ, nói chuyện với con về thời điểm ra đời thích hợp, con sẽ nghe, cảm nhận được và nghe lời các mẹ đấy. Tin em đi.
4. Không được nhịn tiểu
Ngay khi mắc tiểu, các mẹ nhanh chóng vào nhà vệ sinh. Vì khi bàng quang căng, lấn diện tích sang bào thai, áp lực từ bàng quang đè lên tử cung cũng là nguyên nhân gây nên những cơn gò kéo dài. Vì vậy, mẹ đừng ngần ngại, hãy đi tiểu ngay khi cơ thể lên tiếng.
Ngoài ra, bác sĩ còn căn dặn em những thông tin khác liên quan đến cơn gò, rất quan trọng đấy các mẹ:
– Nếu cơn gò kèm theo đau nhức ở chân, đó có thể là triệu chứng suy tĩnh mạch không hiếm gặp ở bà bầu.
– Nếu cơn gò kèm theo chứng đau nửa đầu, có nguy cơ các mẹ bị hội chứng tiền sản giật.
– Nếu cơn gò đi kèm đau thắt ngực, gây khó thở, có thể là một dấu hiệu của bệnh tim.
Vì vậy ngay khi có 3 dấu hiệu này đến cùng cơn gò, hãy liên lạc ngay lập tức với bác sĩ sản khoa để được tư vấn nhé.
Em chúc các mẹ có thai kỳ khỏe mạnh và vui vẻ đón thiên thần nhỏ chào đời.
Theo WTT
Xem thêm: Cảnh phim “Vượt ngục” phiên bản baby.