“Bên trong mỗi ngôi nhà có một người đàn bà đang khóc” – Có người đã từng nói như vậy khi chia sẻ về những nỗi ấm ức, tủi thân của mình về cuộc sống sau hôn nhân với bố mẹ chồng.
Chấp nhau từng câu nói
Có nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình xứ Bắc, cha mẹ chồng để ý từng cử chỉ, lời nói của con dâu. Để rồi lời đã thốt ra, hoàn toàn không thể rút lại, hoặc không có cơ hội để sửa sai thêm một lần nào nữa.
Từng có nàng dâu, chỉ vì lỡ miệng trước bữa cơm chiều, rằng “Bố hiểu con trai bố quá” mà bị bố mẹ chồng“từ mặt”, cho là con dâu có ý xúc phạm mình nên nhất định không chịu ở lại trông con giúp vợ chồng cô trong khi em bé mới được 7 tháng tuổi, cô vừa quay trở lại với công việc.
Thậm chí, ông bà còn đề nghị hai vợ chồng cô nên ly hôn bởi không thể chấp nhận thái độ đó của con dâu. Chẳng là chồng cô mải chơi điện tử, gọi mãi không chịu ra ăn cơm, bố chồng nói vọng vào “chắc lại chơi điện tử chứ gì?”.
Để ý nhau từng bữa cơm, kỳ thị nhau do không hợp khẩu vị
Mỗi cô dâu khi bước vào cuộc sống hôn nhân đều “dắt lưng” cho mình ít thì một vài “món tủ”, nhiều thì bằng cả một cuốn cẩm nang và ít nhiều chịu ảnh hưởng từ thói quen sinh hoạt bếp núc từ cha mẹ đẻ của mình. Tuy nhiên, cũng bởi sự khác nhau trong nấu nướng ấy, không ít những nỗi buồn của nàng dâu lại khởi phát từ chính căn bếp nhà chồng này.
Mười năm làm dâu, không ít lần cô cảm thấy khổ tâm với chính mình bởi bất kể món gì cô chế biến, mẹ chồng cô đều không “đụng đũa” hoặc có chăng chỉ là chấm mút cho có vì cùng với thực phẩm ấy bà mua, thì bà đều ăn rất ngon lành.
Nỗi kỳ thị món ăn của cô kéo dài như vậy trong suốt thời gian dài mà cô không thể hiểu lý do vì sao, bởi những người khác trong gia đình cô vẫn rất đón nhận những món ăn đó, và cũng bởi bản thân cô cũng được tiếng là khéo nấu nướng khi có dịp trổ tài với mọi người.
Cũng như vậy, gia đình nọ, bố chồng có tiền sử bị tai biến. Vì vậy trong khẩu phần ăn hàng ngày, bác sĩ khuyên hạn chế ăn các món ăn được chế biến từ trứng.
Trong thời gian đầu khi về làm dâu, do chưa hình dung hết thói quen ăn uống của mọi người trong nhà, phần nữa cũng vì đang trong giai đoạn mang thai nên cô thường làm các món từ trứng. Và tin đồn “con dâu đầu độc bố chồng” được nổi lên từ đó.
Theo dõi con dâu
Có lẽ gây cho người khác cảm giác ức chế nhất là cảm giác bị theo dõi, bị kiểm soát và bị can thiệp vào đời sống riêng tư. Không ít nàng dâu dở mếu dở khóc khi thấy mẹ chồng lục tủ đồ của mình, tự cho mình quyền “khám và phán xét” tư trang cá nhân.
Trên mạng cũng từng lan truyền “tâm thư” của một nàng dâu nọ khi nàng có ý kiến rằng, đồ của con là do tiền của con mua, rằng con không phải ngửa tay xin mẹ chồng đồng nào, bởi vậy mẹ chồng cũng đừng vì thế mà cho mình cái quyền chê bai con dâu suốt ngày là lượt váy nọ áo kia.
Vợ chồng có yêu thương nhau thì mới hay… viết đơn ly dị. Có lẽ vì thế mà rất nhiều cặp vợ chồng vẫn thường tếu táo với bạn bè xung quanh là có hẳn một xấp đơn ly hôn cất trong nhà để làm kỷ niệm.
Mẹ chồng tìm thấy trong tủ của con dâu một lá đơn ly hôn viết tay, không cần biết “đầu cua tai nheo” ra sao, cũng không cần thông qua ý kiến gì từ phía vợ chồng con trai mình, bà tức tốc gọi điện ngay cho bố mẹ đẻ của con dâu để yêu cầu phụ huynh lên gặp bà cùng can thiệp chuyện này.
Thấy con dâu đi làm thường trong trang phục váy áo, quần tây, giày âu, và nhất là trang điểm, nhiều mẹ chồng thường lấy làm khó chịu. Thậm chí có phụ huynh chia sẻ với con trai về nỗi nghi ngờ rằng con dâu mình cặp bồ và ngấm ngầm theo dõi.
Việc làm này của mẹ chồng ít nhiều gây ra tâm lý ức chế cho con dâu, vô hình trung đem đến lòng nghi kị và trở thành “người thứ ba” gây thêm những bất hòa cho chính vợ chồng con trai mình.
Bất hợp tác trong việc cùng con dâu nuôi dạy con trẻ
Nhiều người trong chúng ta e ngại về một thế hệ 9x, 10x lớn lên trong sự bao bọc thái quá của ông bà, cha mẹ, một thế hệ trẻ không biết “đụng tay đụng chân” vào việc gì, bởi ngay từ rất nhỏ, xung quanh các em bé ấy là rất nhiều những “vệ tinh” mà chỉ cần bé đưa tay ra đã có những bàn tay khác sẵn sàng làm thay và trợ giúp vô điều kiện.
Thử hình dung một cậu bé lên 8 tuổi, buổi sáng mùa đông có bà nội mang khăn mặt vào tận giường rửa mặt, cởi đồ ngủ và mặc hộ cháu bộ quần áo đến trường. Cũng là bà trong một khung cảnh khác, chạy theo hai đứa nhỏ đang nô đùa quanh nhà – một 8 tuổi, một 5 tuổi để xúc từng thìa cơm. Rồi lại một mình bà, thay vì nhắc các cháu đi tắm thì bà tắm cho từng đứa một…
Trong một hình dung khác, cũng cô bé cậu bé ấy, khi có bố mẹ chúng ở nhà, chúng tự dậy theo chuông báo thức, tự mặc quần áo đã được bố mẹ chuẩn bị từ đêm trước, tự làm các việc vệ sinh cá nhân, tự giác xúc cơm ăn và … rất nhiều các việc khác.
Câu chuyện vốn không quá hiếm hoi này vẫn hàng ngày, hàng giờ diễn ra tại nhiều gia đình – nhất là các gia đình ở nhiều thành phố lớn trong cả nước. Để rồi bọn trẻ cứ lớn lên, biết đâu đến một ngày, nhiều em trong số đó lại được gia nhập vào đội quân “những chú gà công nghiệp” ngờ nghệch, ngơ ngác và ngại ngần – trong rất nhiều những công việc nào đó dù nhỏ hay dù lớn của cuộc đời mình.
Nhiều nàng dâu hàng đêm vẫn ấm ức khóc với chồng, mỗi sáng đến văn phòng lại chia sẻ những nỗi niềm ấy với đồng nghiệp. Rồi chuyện mẹ chồng, nàng dâu cứ thế, cứ thế mà không bao giờ đến hồi kết thúc.
Chân dung của những nàng dâu thời @ vì thế mà cũng sinh động hơn, đa dạng hơn với nhiều những tình huống khác nhau trong cuộc sống chung/riêng sau hôn nhân. Và theo một lẽ nào đó, hình ảnh mẹ chồng, cũng theo lý ấy mà trở nên sinh động, nhiều ví dụ.
Theo WTT
Xem thêm: Bắt quả tang chồng ngoại tình với bồ ở nhà nghỉ.