Có những đám cưới vừa rình rang hôm trước hôm sau đôi tân lang tân nương đã dẫn nhau ra tòa trong sự ngỡ ngàng của hai bên gia đình.
Đó là thực trạng yêu nhanh, cưới vội ly hôn sớm đang diễn ra ở không ít gia đình trẻ hiện nay. Với loạt bài “Ly hôn sớm”, chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn đọc những câu chuyện đầy bi hài này.
“Ly hôn xanh”
Theo lời kể của một cô gái trẻ có tên Ngọc Anh. Ngọc Anh sinh ra và lớn lên ở Tuyên Quang; cô xinh đẹp, yêu kiều, da trắng, môi đỏ và mắt đen láy long lanh đến ngỡ ngàng. Bất cứ người đàn ông nào gặp cô lần đầu cũng xao xuyến. Ngọc Anh thi đỗ và học ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Năm thứ 3 đại học, cô mới quyết định nhận lời yêu anh chàng kiến trúc sư hơn cô 6 tuổi.
Ra trường, đi làm, Ngọc Anh kết hôn sau 2 năm gắn bó, dù cô luôn nhận được sự quan tâm, săn đón của không ít người đàn ông thành đạt hơn người yêu cô. “Mọi người cứ khuyên em nghĩ cho kỹ, xinh đẹp cần kén chọn, dựa vào người thành đạt cho sướng nhưng em chỉ cần một mái ấm giản dị với người đã và đang ở bên em thôi”, Ngọc Anh nói. Cô gái trẻ không ngờ quyết định kết hôn ở tuổi 24 với mong ước đơn giản cũng không trở thành hiện thực.
Bước vào cuộc sống gia đình, chồng cô ở tuổi 30 nhưng vẫn ham chơi, không biết làm bất cứ công việc nhà nào để giúp vợ. Ngọc Anh có thai, ốm nghén vẫn phải vừa đi làm, chợ búa, cơm nước phục vụ chồng đến mệt lả.
Đau khổ nhất là khi cô mang thai tháng thứ 6 có nguy cơ sảy thai, những cơn đau bụng liên tục hành hạ khiến cô không thể nấu nướng phục vụ chồng. Ông chồng ham chơi trở về nhà muộn, không có cơm ăn nổi xung lên lao vào tát vợ tới tấp, miệng liên hồi đuổi cô ra khỏi nhà. Đau đớn, ê chề, nửa đêm Ngọc Anh gói ghém quần áo lê lết đến nhà nghỉ ở đầu ngõ. Cô cứu vãn cuộc hôn nhân bằng cách tham vấn bạn bè, gia đình hai bên.
Nhẫn nhịn trở về nhà, mẹ cô phải bỏ việc từ Tuyên Quang xuống Hà Nội chăm sóc con gái và cơm nước phục vụ con rể. Bất hạnh chưa dừng lại, dù Ngọc Anh và gia đình hai bên khuyên nhủ nhiều nhưng chồng cô vẫn chỉ là “đứa trẻ mới lớn” ham chơi. Sinh con được 1 tháng, Ngọc Anh quyết định về quê ngoại chăm con.
Thời gian vợ vắng nhà, chồng cô ở Hà Nội lên mạng lừa gái trẻ rằng anh ta chưa vợ. Anh ta đưa cô gái trẻ về chung sống như vợ chồng và chưa một lần về quê thăm hỏi hai mẹ con cô. Ngoại tình, dối trá chỉ là giọt nước tràn ly. Hết thời gian nghỉ đẻ, Ngọc Anh đơn phương nộp đơn xin li dị.
Cũng giống như Ngọc Anh, Nguyễn Thu Giang (29 tuổi) quê ở Nam Định, hiện là giảng viên chuyên ngành kinh tế một trường đại học ở Hà Nội. Ngoài giảng dạy, Giang còn làm thêm cho một công ty xuất nhập khẩu. Thu nhập của cô mỗi tháng vài nghìn USD nên Giang sớm có nhà riêng tại Hà Nội.
Tài giỏi, thông minh, thu nhập cao nên người yêu bằng tuổi cô chăm sóc tận tình, chu đáo. Hết giờ làm, lúc nào người yêu cũng chờ trước cổng cơ quan đón rước, đưa đi ăn, sau đó họ về nhà Giang ngủ nghỉ. Tất nhiên, mọi chi phí ăn uống Giang trả hết.
Sau gần 3 năm yêu, Giang mang bầu và quyết định dẫn người yêu về Nam Định ra mắt gia đình và chuẩn bị cưới. Họ cũng đã đăng ký kết hôn, quyết định tổ chức cưới tại hai gia đình. Trước ngày đón dâu, Giang mệt nhoài lui vào phòng ngủ. Thấy chồng vẫn hý hoáy nhắn tin đến khuya không đi ngủ, cô chỉ nghĩ anh lo việc lễ cưới bên nhà trai. Vì ngủ sớm nên 3h sáng cô chợt tỉnh giấc khi thấy điện thoại của chồng rung lên báo có tin nhắn.
Thấy chồng ngủ bên cạnh, cô liếc vội sang chiếc điện thoại và giật mình với nội dung tin nhắn từ số máy lạ: “Anh ngủ đi nhé, xong việc ở quê lên với em. Nhớ anh nhiều”, kèm một biểu tượng (icon) nụ hôn phía cuối tin nhắn. Không ngăn nổi tò mò, Giang quyết định mở điện thoại của chồng và choáng váng. Người cô vừa hạ bút ký kết hôn tuần trước dành hết những lời ngọt ngào, âu yếm cho một cô gái tên Yến. Đó là những mỹ từ “cục cưng”, “thiên thần bé nhỏ của anh”… Giang chưa bao giờ được nghe khiến tim cô đau thắt. Còn những gì anh ta dành cho cô thật phũ phàng: “Em yêu, đừng xa anh. Anh mắc nợ với nó nên phải cưới nó thôi. Đợi nó sinh con xong, đăng ký khai sinh cho con có bố thì anh bỏ nó, lấy em. Hãy tin anh. Anh đang làm mọi thứ vì hạnh phúc của chúng mình!”…
Không kiềm chế nổi cơn điên đang bốc hỏa, Giang dựng gã “Sở Khanh” dậy tát đến bỏng rát tay trong khi hắn còn đang lơ mơ ngủ. Cô hét lên: “Cút ra khỏi nhà tôi! Thế là hết, không cưới xin gì nữa”. Sáng hôm đó đáng lẽ là ngày vui nhất đời cô và gia đình bỗng trở thành ngày đau buồn, hổ thẹn nhất. Cả làng quê xôn xao trước thông tin chú rể mất tích mà gia đình Giang đưa ra khi cỗ bàn đã đặt, khách khứa đến chung vui. Con gái Giang năm nay 2 tuổi, bé chưa bao giờ biết mặt bố đẻ.
Cứ 3 cặp kết hôn là có 1 cặp ra tòa
Vấn đề ly hôn ở các gia đình trẻ Việt Nam đang ở mức đáng báo động. Số lượng các vụ ly hôn tăng nhanh qua các năm. Ông Phan Quang Thịnh, Trưởng dự án Khảo sát đời sống hôn nhân gia đình đô thị tại Việt Nam cho biết, chỉ có 25% các gia đình được khảo sát cảm thấy cuộc sống hôn nhân gia đình mình rất hạnh phúc. Trong khi đó, ý kiến cảm thấy cuộc sống gia đình bình thường, không có gì đặc biệt chiếm tới 32%. Kết quả khảo sát của dự án cũng chỉ ra rằng, sự trục trặc lớn nhất trong tình yêu hôn nhân gia đình được đánh dấu ở giai đoạn có con đầu lòng. Với những gia đình nào biết cách vượt qua được sẽ hạnh phúc, ngược lại dễ dẫn đến ly hôn. Đáng chú ý, các yếu tố thường gây bất đồng trong hôn nhân là quan hệ bạn bè, tài chính, sinh hoạt hằng ngày và đối xử hai bên nội ngoại.
Lý giải về nguyên dẫn đến xói mòn tình cảm trong hôn nhân, nhất là các gia đình trẻ, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bích Hồng, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, đó là sự xem thường các giá trị đạo đức, con người quá mải mê với tiền bạc, danh vọng, quan hệ xã hội, lơ là quan tâm người thân. Bên cạnh đó, sự thiếu liên kết, gắn bó thường xuyên giữa các cặp vợ chồng; thiếu kỹ năng tổ chức cuộc sống cũng như ứng xử giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa hai bên nội ngoại… cũng dễ đẩy các cuộc hôn nhân đến bờ vực thẳm.
Trong một tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về phòng tránh xói mòn trong hôn nhân, tâm sự của những người trong cuộc bày tỏ, bất đồng, khác biệt là đương nhiên. Hãy đối thoại để hiểu nhau, biết chấp nhận “hiện trạng” của người bạn đời để có điều kiện gần gũi, giúp bạn đời thay đổi những thói quen chưa tốt.
Giữ “lửa” hạnh phúc cho gia đình không ở đâu xa, mà nó bắt đầu bằng những hành động yêu thương tưởng chừng rất nhỏ như san sẻ việc gia đình, thường xuyên quan tâm và dành thời gian để hiểu tâm sinh lý của người bạn đời; nhường nhịn, nói lời yêu thương nhau, quan tâm đến đời sống hai bên nội ngoại, chọn cho mình lối sống giản dị… Chứ không thể đòi hỏi một sự chu toàn, hay gượng ép người bạn đời phải như thế này, như thế kia, hoặc so sánh với người khác.
Ngược lại, trong gia đình mà càng ít thể hiện sự yêu thương, thiếu sự thông cảm và không hiểu nhau, nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc càng cao. Theo tiến sĩ Hồng, sự hòa hợp vợ chồng, tin tưởng và thông cảm cho nhau… là các yếu tố nền tảng cần phải có trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Do đó, cần trang bị cho thanh niên kiến thức tiền hôn nhân, kỹ năng tổ chức cuộc sống cân bằng, điều chỉnh bản thân hài hòa với các mối quan hệ xã hội và gia đình, nâng cao nhận thức về vai trò của giới trong gia đình.
Các cặp vợ chồng trẻ cũng nên trang bị kiến thức và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho giai đoạn có con đầu lòng, gạt bỏ đi cái tôi quá lớn để vun đắp cho hạnh phúc của tổ ấm. Giáo sư tiến sĩ Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa – Du lịch chia sẻ, không có gia đình nào là hoàn hảo, gia đình nào cũng có giá trị và truyền thống tốt đẹp. Vì thế, các thế hệ kế tiếp phải biết kế thừa và duy trì nếp sống của gia đình lớn để làm nền tảng xây dựng hạnh phúc gia đình sau này.
Trong đó, duy trì thường xuyên bữa cơm gia đình là chiếc “chìa khóa” làm lành những mâu thuẫn, trục trặc dẫn đến xói mòn tình cảm vợ chồng. Hệ lụy từ ly hôn nhãn tiền chính là những đứa con. Thiếu bàn tay chăm sóc của cha hoặc mẹ khiến các em phát triển không toàn diện. Dù cố gắng bù đắp thì sự chia tay của cha mẹ cũng ảnh hưởng nhiều đến tinh thần và sự phát triển nhân cách của trẻ. Vì vậy, mỗi người làm cha, làm mẹ hãy nghĩ đến điều đó khi quyết định bất cứ một điều gì liên quan đến cuộc sống gia đình, hãy một lần nghĩ cho con của mình.