Bực bội vì người tình nhất định không ly hôn để công khai với mình, cô bồ trẻ quyết tâm về nhà “ông xã hờ” ở quê một lần cho biết. Cô mong hiểu rõ nguyên nhân gì giúp người vợ “xưa như trái đất” ấy vẫn níu giữ được trái tim chồng.
Cho đến giờ, Hạnh vẫn thắc mắc vì sao sắc đẹp, tuổi trẻ và những mánh khóe lọc lõi của mình không làm đổ hẳn ông “sếp” giàu sang, khiến ông cắt đứt với bà vợ vừa già, vừa xấu ở quê.
Hạnh không cảm thấy xấu hổ khi bị người đời gọi là vợ bé. Mới 32 tuổi nhưng người phụ nữ này đã kinh qua đủ cay đắng, nhục nhã ở đời để biết rằng có nhiều thứ đáng sợ hơn là những lời ác miệng nói suông ấy.
Năm 6 tuổi, Hạnh mất mẹ, cô ở với bố và dì hai được 3 năm thì bỏ nhà đi bụi vì không chịu được cảnh đòn roi. Dì cô không phải người ác, nhưng cuộc sống túng quẫn và ông chồng vô tích sự, chỉ chè chén suốt ngày khiến bà dữ đòn hơn cọp. Lên thành phố lang thang kiếm sống, con bé Hạnh đã chịu đủ mọi nấc thang đau khổ, ê chề. 15 tuổi, Hạnh mang thai lần đầu với một thành viên trong nhóm đi bụi cùng. Hai đứa cùng cố gắng kiếm tiền nuôi con nhưng chỉ được 2 tháng sau sinh đã phải cho đi đứa con đầu lòng. Ngày trao con cho người ta, bà mẹ trẻ đã mất nửa phần hồn, tự hứa với lòng sẽ không bao giờ để bản thân lâm vào cảnh này thêm lần nữa.
Dùng số tiền người nhận nuôi con đưa cho, Hạnh trốn vào Nam lập nghiệp. Mới đầu cô gái trẻ cũng chỉ bán buôn nơi vỉa hè, đầu chợ, rồi mở mang dần. Cứ như thế, đến năm 24 tuổi, Hạnh đã có số vốn kha khá để mua mảnh đất dựng nhà. Ngờ đâu, mảnh đất hoang rìa xóm nghèo mấy năm sau lại được giá cao, cứ thế trao đi đổi lại, năm 29 tuổi, Hạnh có gia sản bằng nhiều người tích cóp cả đời. Thật ra, Hạnh giỏi xoay xở là một nhẽ, còn nhẽ khác, cô rất biết tận dụng nhan sắc trời cho để bòn rút, hút kiệt cả sức lực lẫn tiền bạc, chức vụ của mấy ông bụng phệ, danh giá và giàu có. Hàng xóm láng giềng gần nhà đồn đại, mỗi năm, người phụ nữ này lại thay một ông chồng mới. Người thì còn rất trẻ, kẻ thì đã loáng thoáng hoa râm.
Vào một mùa thu, Hạnh tình cờ gặp ông Tuấn trong khi ký kết làm ăn. Ngay lập tức, người đàn ông chững chạc, điềm tĩnh này làm cô thấy cuốn hút vô cùng. Ông không “háu gái” như đa phần các vị “sếp” đứng tuổi khác, mà tỏ ra thản nhiên trước nhan sắc mặn mòi của Hạnh. Trong khi nhóm bạn của sếp Tuấn bủa vây lấy người đàn bà mắt sắc như dao cau, miệng tươi như hoa đào thì mình ông gọi cô là cháu, xưng chú, vậy mà Hạnh lại chết mê chết mệt. Nhiều người thấy việc Hạnh quyết tâm có được ông Tuấn thật lạ lùng, nhưng nó cũng không có gì khó hiểu. Hơn ai hết, Hạnh hiểu sắc đẹp không phải là thứ níu giữ chân người đàn ông mãi mãi, vì sắc đẹp rồi sẽ tàn phai, chỉ có tâm hồn, sự đồng điệu và chia sẻ là ở lại. Vậy thì người cô chọn để bên mình hết cuộc đời phải là người như ông Tuấn.
Khi đã chinh phục được người đàn ông quanh năm xa vợ con, Hạnh nhận thấy rằng dù yêu cô, ông Tuấn cũng vẫn hướng về gia đình ngoài Bắc. Thỉnh thoảng, nghe người tình kể về vợ, về con với thái độ trìu mến vô cùng, Hạnh lại ngấm ngầm tức giận, hờn ghen. Ngay cả khi đã tận dụng mọi chiêu bài từng khiến cô thành công với những người đàn ông khác, thì ông Tuấn vẫn một mực nói không thể bỏ vợ bỏ con. Từ sâu thẳm, Hạnh biết người tình vẫn yêu vợ rất nhiều, ông ta chỉ đến với cô vì thiếu thốn chuyện thể xác thông thường. Trước mặt ông thì cô giữ ý, tự coi mình giống “phòng nhì”, nhưng sau lưng ông, Hạnh lại ấp ủ âm mưu phải trở thành “phòng nhất”. Cuối cùng, nhân đợt ông chồng hờ đi nước ngoài hơn một tháng, cô bồ nhí đặt vé máy bay ra Hà Nội, rồi từ đó về quê “thăm” gia đình ông ở một tỉnh cách đó gần 100 cây số. Cô muốn mắt thấy tai nghe người vợ được ông Tuấn tôn sùng, kính trọng hơn hết thảy, cô cần biết mình thua chị ta ở điểm gì?
Hỏi thăm được đến nhà người tình khi đã quá khuya, Hạnh hơi lo lắng, nếu vợ ông không tin vào kịch bản “em gái nuôi anh Tuấn” của cô thì sao? Nhưng đến khi gặp được chị ta thì cô ngay lập tức tin rằng mình sẽ không bị quẳng ra ngoài đường. Từ ánh mắt, nụ cười đến cái nắm tay nhè nhẹ của người phụ nữ này cũng thể hiện một nét hồn hậu chân phương và gây thiện cảm, dù nhan sắc chị cũng chỉ vào loại trung bình. Chị mỉm cười đưa Hạnh vào nhà, rồi sắp xếp chỗ ở cho “em gái nuôi” của chồng. Chị còn nói đã nghe ông Tuấn kể về cô em gái gốc Bắc này nhiều lần, chị bảo Hạnh cứ tự nhiên như ở nhà mình. Tối đó, dù mệt mỏi với chuyến đi dài, nhưng Hạnh thao thức không sao ngủ được. Từ lâu cô đã không còn bị “lạ nhà” khi ở một nơi xa lạ, nhưng cảnh này, sự gần gũi, thân thiết này khiến trái tim vốn chai sạn của cô mềm ra, thổn thức. Đã mấy chục năm rồi cô chưa được về nhà.
Sáng hôm sau, Hạnh dậy khá sớm nhưng khi ra ngoài quanh quẩn cô đã thấy căn bếp của chị Thường – vợ ông Tuấn – đã đỏ lửa từ lúc nào. Khẽ khàng bước lại gần, cô ngạc nhiên khi không cần quay lại chị cũng biết đó là mình. Chị vui vẻ nói:
– Em cứ lên nhà nghỉ thêm đi cho đỡ mệt, để chị nấu nồi cháo gà ăn sáng. Gà nhà nuôi đấy em ạ, chỉ toàn ăn thóc thôi. Anh Tuấn không bao giờ ăn loại gà vẫn mua ở chợ đâu.
Mắt Hạnh cay cay, có lẽ là vì khói củi. Cô khẽ hỏi:
– Sao chị không dùng bếp ga cho đỡ vất vả, đun củi thế này vừa mệt vừa nẻ cả da….
Chị Thường chỉ cười:
– Đun ga tiện nhưng không ngon bằng đun củi em ạ, lửa ga to chỉ thích hợp khi làm các món xào thôi, còn om kĩ, ninh nhừ cứ phải dùng củi gộc.