Ai cũng trầm trồ khen em hạnh phúc vì lấy được anh chồng vừa đẹp zai vừa tử tế lại làm ra tiền. Nhưng nào có ai “được ăn cả” đâu.
Em có chồng mà cũng như không. Chồng em rất ít khi có mặt ở nhà vì bận kiếm tiền. Cũng may máy móc cả hai hoạt động tốt nên có cũng hai vạch như ai. Khi em sinh lần đầu cách đây 5 tháng, chồng em còn không có mặt vào giây phút con chào đời. Cảm giác đó tủi đến rơi nước mắt các mẹ ạ dù em được chồng đặt cho phòng VIP hẳn hòi.
Nằm một mình một phòng thoải mái, có cả máy lạnh và tivi, cả người chăm đẻ riêng… nói chung chẳng thiếu gì nhưng em vẫn thấy rất thiếu. Cũng may thằng con mới bé tí nhưng có nét giống bố lắm, em cứ suốt ngày ngắm con mà chẳng ngán.
Khi xuất viện, em về nhà thì mẹ ruột đã kịp thu xếp được công chuyện ngoài quê nên vào chăm đẻ cho ít hôm. Mặc dù vậy, chẳng hiểu sao vẫn thấy tủi. Nhiều lúc đút vú vào miệng con, nó nhè ra khóc như ai bẹo làm em phát điên lên được ấy. Có hôm thằng bé khóc quá, em quạu cọ rồi ném nó xuống nệm. Bà ngoại chạy lên, thấy thằng bé nằm đó khóc tím người còn em chẳng chịu chạy lại ôm dỗ mà bà phát hoảng:
– Con ơi là con, mày điên rồi à! Sao lại để thằng bé khóc nghiến thế kia? Chồng mày mà biết thì chết con ạ!
– Con cầu anh ta biết đấy!!! Mẹ gọi đi, gọi đi này! Điện thoại đây, gọi đi xem anh ta thấy số con rồi có bắt máy không!
Em thật sự đã gào lên vào mặt mẹ mà chẳng cần biết mình sai trái thế nào. Em điên thật rồi các mẹ ạ! Mẹ em thấy thế cũng phát hoảng nhưng bà không la mắng mà dịu giọng để dỗ cho em qua cơn. Sáng hôm sau, em gởi con cho mẹ rồi ra thẻ ATM, rút đúng 10 triệu. Cầm trong tay số tiền chẳng biết nhiều, chẳng biết ít, em rải khắp các shop, mua đủ thứ đồ từ quần jean, áo thun cho đến giày dép chỉ để cho khuây. Đi khoảng 3 tiếng, tới sập trưa hai tay xách nách nặng nề, trong túi chỉ còn vài trăm mà vẫn chưa thỏa. Lang thang một lúc, chán ngắt, em lại về nhà.
Nếu các mẹ đã từng phải “nằm ổ” trong một căn phòng trắng toát với 4 bức tường suốt cả tháng trời sẽ hiểu được vì sao em lại như vậy. Lúc nào em cũng thấy trong người như lửa đốt, rất khó chịu nhưng lại không biết là vì lý do gì. Nhiều lúc mẹ hỏi nhưng em cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu để nói.
Cứ như vậy mỗi lúc trong người bực dọc, không yên là em lại ra rút tiền đi mua sắm cho thỏa thích. Buồn buồn còn rủ thêm mấy đứa bạn nghiện shopping đi cùng dù trước đây không kết cho lắm. Những lúc đó được ra ngoài và cười đùa, em thấy mình thoải mái hơn hẳn. Nhờ vậy mà mỗi khi về nhà dù con có không chịu bú ti em cũng chịu khó dỗ dành. Thậm chí phải vạch áo lên, kéo áo xuống cả chục lần chỉ trong 5-10 phút em cũng không còn cáu gắt như trước.
Sau khi em ổn định được tâm lý, thích nghi với vai trò làm mẹ mới, cũng là lúc mẹ em phải về quê để chăm cho bố. Trước khi đi, mẹ dặn dò em:
– Con liệu mà tiêu xài chứ chồng con nó biết được thì không hay đâu!
Nghe mẹ nói bỗng dưng thấy sờ sợ vì từ khi bầu bì, sinh nở, em bỏ việc sống dựa vào lương chồng. Chẳng biết chồng về mà biết em tiêu cỡ này có phát hoảng không đây. Để chừa cho mình đường sống, khi anh ấy về, em làm cho bữa cơm ngon rồi thú nhận mọi chuyện trong bữa tráng miệng và sẵn sàng rửa tai để nghe chửi. Chẳng ngờ, chồng lại kéo ghế lại gần, ôm em thật chặt rồi nói:
– Không, anh mới là người phải xin lỗi! May mà em mẹ tròn con vuông chứ nếu không anh chẳng biết phải tha thứ cho mình cách nào.
Chồng đã làm em khóc rất nhiều trong buổi tối hôm đó. Em chẳng ngờ được tại sao khi bầu bì và sinh nở em lại nhạy cảm đến mức luôn nghĩ chồng chán ghét mình và tìm thú vui khác bên ngoài. Để rồi cứ bị những suy nghĩ đó dằn vặt và ảnh hưởng đến tâm lý sau sinh cơ!
Bởi vậy, em kể chuyện của em cho các mẹ chỉ để mong các ông chồng hãy quan tâm nhiều hơn đến các mẹ bầu và cả sau khi các mẹ sinh nở nhé! Có rất nhiều biến động tâm lý trong thời kỳ này liên quan đến các anh đấy ạ!
Riêng mẹ bầu, hãy hiểu nhiều hơn nữa đến những rối loạn tâm lý sau sinh vốn là tiền đề cho các triệu chứng trầm cảm nhé! Để phòng ngừa, mẹ cần nhớ:
Vai trò của người thân vô cùng quan trọng
Đây là giai đoạn nhạy cảm của người mẹ nên rất cần sự có mặt của người chồng. Rất nhiều người nghĩ chỉ cho vật chất là các bà vợ đủ sung sướng. Nhưng thực chất, điều người phụ nữ thật sự cần lại chính là sự quan tâm, chăm sóc, sẻ chia bằng những lời nói và hành động cụ thể. Có như vậy, mẹ sẽ được kéo ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực vốn xuất phát từ những rối loạn tâm lý và là tiền đề cho nguy cơ trầm cảm. Dù những người thân khác có thể cho mẹ rất nhiều sự quan tâm nhưng nó vẫn thiếu nếu không có vai trò của người chồng. Đó là lý do vì sao các ông chồng trước khi muốn có con phải ngồi lại với vợ để hiểu rõ những vấn đề tâm lý rất quan trọng này. Các anh cần biết sau sinh vợ mình có thể bị tắt tia sữa, con không chịu bú như những đứa trẻ khác, đau đớn do vết mổ, bất hòa với người chăm sóc… Tất cả những điều này nếu được hiểu và cảm thông, mẹ chẳng những có thêm sức mạnh để học cách thích nghi với những thay đổi mới mà còn cảm thấy mình được yêu thương nhiều hơn.
Bản thân người mẹ phải sẵn sàng đón nhận tất cả khó khăn
- Dù biết giấc ngủ trong thời gian chăm sóc trẻ sơ sinh rất khó khăn nhưng mẹ phải cố gắng để tập cho mình thói quen nằm đâu ngủ đó. Bởi lẽ giấc ngủ sẽ giúp tinh thần mẹ ổn định trở lại, tránh được căng thẳng và tái tạo thêm năng lượng mới.
- Nếu phải thức đêm cho con bú, hãy sắp xếp thời gian để được ngủ sớm hơn.
- Khi thấy mình quá sức chịu đựng với những khó chịu đang gặp phải, mẹ nên tìm người để nói chuyện. Không tìm cách để giấu tất cả đi vì nó sẽ hướng mẹ đến những dự định nguy hiểm, chẳng hạn tìm cách hại con hay tự vẫn.
- Trước khi bước vào cuộc sống sau sinh, mẹ nên hiểu đó không phải là một cuộc sống toàn màu hồng. Hãy tìm những người bạn vừa sinh hoặc đã sinh nở để hỏi cặn kẽ những gì thật nhất. Có như vậy, bạn sẽ không sốc tâm lý khi đối diện với cuộc sống thật. Sống tích cực, nghĩ lạc quan và không để mình buồn chán. Hãy nhớ rằng mọi phụ nữ đều có bản năng làm mẹ và nó sẽ giúp bạn làm được tất cả.