Tối hôm qua, khi đang ngồi xem phim thì nhỏ bạn gửi cho em bài này để đọc. Nó nói bài này đang hot và cảm động lắm, đọc đi, coi chừng tấm thân yếu đuối của mày rớt nước mắt luôn không chừng. Lúc đầu, em không tin nhưng sự thật là bài hay lắm, cộng với chuyện cùng tình cảnh là sống với bố dượng nên em đồng cảm với bạn này rất nhiều.
Chàng trai trong câu chuyện được chia sẻ không ngừng nhắc đến bố dượng của mình. Ông là người đã chăm sóc anh em anh từ khi bố đẻ mất, và cũng là người đã tình nguyện yêu thương vô điều kiện ba mẹ con. Thậm chí, đến khi người mẹ qua đời, ông cũng không từ bỏ anh em anh mà tận tình săn sóc không ngại cực khổ.
Rồi một ngày, khi anh tìm được hạnh phúc đời mình thì người cha ấy cũng là người hạnh phúc nhất. Ông vui mừng đi khoe xóm làng và tự hào về cô con dâu ngoan ngoãn, có học. Cô con dâu cũng hiểu và cũng nói sẽ chăm sóc và yêu thương bố anh. Vậy mà nỡ lòng nào, trong một lần anh vô tình đọc được tin nhắn của cô thì mới ngã ngửa vì đó chỉ là lời trót lưỡi đầu môi, sau lưng anh, cô nói: “’Ông ấy có đẻ ra anh H đâu mà tao phải chăm? Cưới rồi thì cứ để ông ấy ở quê với thằng em thôi…”
Nguyên văn toàn bộ chia sẻ của anh H:
“Em đã biến tôi trở thành người con bất hiếu.
Ngày cưới của tôi và em đã được ấn định, tôi đón chờ ngày 8/5/2016 sắp tới như một món quà của cuộc đời, cho em, cho tôi, và cho cả người cha già của tôi nữa. Vậy mà chỉ trong phút chốc, giấc mơ ấy tan tành, nó phá vỡ niềm tin của tôi, phá vỡ hạnh phúc của tôi nhưng đau hơn thế nó biến tôi thành một người con bất hiếu mà có nằm mơ, cả cuộc đời này tôi cũng không bao giờ dám nghĩ mình sẽ có ngày bất hiếu với cha…
Hơn ai hết, em là người biết rõ hoàn cảnh của tôi. Tôi mồ côi cha từ bé, mẹ tôi góa chồng năm mẹ 26 tuổi, lúc đó mẹ tôi có 2 đứa con trai, đứa lớn 5 tuổi, đứa bé mới vừa 1 tuổi. Trong làng ngoài xóm nói mẹ tôi số sát chồng, ông bà nội không nhìn nhận cháu. Mẹ tôi một mình nuôi 2 anh em tôi trong đau đớn và tủi nhục.
Trong làng có một người đàn ông tuổi đã ngoài 30 nhưng do bị di chứng của bệnh quai bị nên chẳng lấy vợ. Người đàn ông ấy bất chấp tất cả, xin được cưu mang 3 mẹ con tôi dù gia đình từ bỏ, làng xóm chê cười và bạn bè dè bỉu. Người đàn ông đó chính là bố tôi. Bố không sợ số phận, không sợ gì số sát phu của mẹ tôi mà đón nhận chúng tôi như chính các con do bố dứt ruột sinh thành…
3 năm sau ngày ba tôi lấy mẹ, mẹ tôi mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời. Chôn vùi nỗi tiếc thương vợ, bố vẫn nói với mọi người rằng 2 anh em tôi chính là món quà quý giá mà mẹ để lại. Từ ngày đó, nhà chỉ còn 3 bố con nhưng chúng tôi chưa 1 ngày nào phải nhịn đói, cũng chưa từng nghỉ học dù 1 buổi. Bố nhận tất cả công việc có thể (đóng gạch ba banh thuê, làm củ sứ điện, làm thợ phụ hồ) để nuôi chúng tôi tôi khôn lớn. Nhiều đêm thức giấc, hình ảnh bố ngồi bên bóng đèn khâu cặp sách cho anh em tôi mãi mãi không bao giờ tôi quên…
Có lần đoàn thợ nhận công trình lớn nhưng phải xa nhà 1 tháng, bố tôi muốn đi lắm để kiếm nhiều tiền nhưng lại lo anh em tôi ở nhà nên bố lại từ chối chỉ để được ở cạnh các con. Sau lần ấy, họ không nhận bố tôi làm thợ phụ nữa, bố lại chuyển sang nghề bốc vác thuê, cứ ai gọi là đi, bốc vác cả ngày lẫn đêm chỉ đủ tiền cho con đi học…
Từ lúc tôi nhận thức được, tôi chưa thấy bố tôi khóc bao giờ. Lần đầu tiên tôi thấy bố khóc là ngày tôi nhận giấy báo trúng tuyển ĐHKTQD (K46). Ngày hôm đó, bố tôi cầm tờ giấy trúng tuyển ĐH của tôi mà 2 bàn tay run rẩy, bố để lên bàn thờ mẹ mà thắp hương rồi cứ thế mà khóc. Tôi và em trai chỉ biết nhìn bố mà không cất lên lời.
Suốt những năm ĐH, bố chưa bao giờ chậm gửi tiền đóng học cho tôi dù 1 ngày. Mặc tôi nói tôi đi làm thêm, mặc tôi có học bổng, bố vẫn gửi đều đặn cho tôi và căn dặn con ăn uống đầy đủ, đừng làm thêm nữa, mình bố làm là được rồi. Năm 2 ĐH, tôi bị tai nạn nặng và phải nhập viện gần 1 tháng. Cả tháng đó, bố mang em trai lên HN chăm tôi, tôi bảo sao bố không để em ở nhà cho nó đi học, bố bảo đi đâu bố cũng phải mang các con theo vì bố không yên tâm giao các con cho bất cứ ai. Gần 1 tháng đó, ngày bố ra cầu Long Biên chờ người gọi việc bốc vác là làm, tối lại chăm chút tôi trong viện. Những ngày tháng đó, cả đời tôi không bao giờ quên…
Tôi ra trường, đi làm cũng chưa mua được gì cho bố ngoài vài bộ quần áo mà mỗi lần mua bố lại dỗi lên dỗi xuống kêu tốn tiền. Tôi cũng mới sửa được cái nhà, cũng nuôi em trai học ĐH. Bố vẫn luôn thế, vẫn bắt tôi để dành tiền để cưới vợ, mua nhà trên này, bố bảo bố vẫn làm được nên con đừng lo.
Hôm nhà tôi sang nói chuyện người lớn với nhà em, tôi dẫn bố đi mua 1 bộ vest. Bố bảo mua đắt lắm mà bố chỉ mặc có 3 ngày (ngày dạm ngõ, ăn hỏi và cưới), con thuê hay mượn cho bố cũng được, tiền đó để lo cỗ bàn. Tôi ứa nước mắt ép mãi bố mới chịu thử áo.
Hôm nay, tôi và em đi thử áo cưới, em vẫn đang ướm đồ. Điện thoại em có tin nhắn zalo của người bạn thân em. Tôi nghĩ cô ấy nhắn tin chúc mừng chúng tôi nên mở ra trả lời. Tôi như không tin vào mắt mình khi nhìn đoạn tin nhắn em chat với bạn em. Em nói sao? Em bảo rằng dù lấy tôi em cũng không không muốn ở với bố tôi. Em bảo bạn rằng em không muốn chăm bố chồng hờ. Em bảo bạn rằng: ‘Ông ấy có đẻ ra anh H đâu mà tao phải chăm? Cưới rồi thì cứ để ông ấy ở quê với thằng em thôi…’ còn nhiều và nhiều nữa, tôi không dám đọc vì nước mắt cứ nhòe đi….
Em từng nói sẽ chăm bố tôi, yêu thương bố tôi khi chúng ta là vợ chồng. Vậy bây giờ tôi nên tin lời em nói với tôi hay lời em nhắn với bạn? Em có thể yêu tôi ít cũng được nhưng xin em hãy yêu bố tôi nhiều được không? Người bố đã mang tôi đến trong cuộc đời này, cho em 1 người chồng mà em vẫn ngày ngày nói yêu thương…
Ngày cưới đã định, bố tôi vui mừng đi mời xóm làng, tự hào về em – người con dâu có học. Còn tôi, tôi ngồi đây trăn trở, khổ đau. Liệu tôi có thể thay đổi được em không? Liệu em có sẵn sàng thay đổi để thương yêu bố tôi không?
Tôi sợ lắm một tình yêu ích kỉ chỉ nghĩ cho bản thân, tôi vốn chỉ quen với một tình yêu cho đi mà không bao giờ nhận lại của bố tôi mà thôi.”
Đọc xong câu chuyện mà em không cầm được nước mắt. Cô con dâu đó thật sự cũng rất ngộ. Cha nào cũng là cha, tại sao phải so đo tới cái chuyện máu mủ? Nếu không có ông thì làm gì cô có được người chồng tương lai như bây giờ.
Đành rằng cô sẽ không chăm sóc ông cũng được, nhưng chính cô cũng phải có được sự tôn trọng cha chồng của mình. Không trọng tình thì cũng nên trong cái nghĩa. Cha đẻ cũng là cha, cha dượng cũng là cha, chỉ cần họ không xấu xa và yêu thương ta thì chuyện trả ơn cũng là lẽ thường tình. “Uống nước nhớ nguồn” muôn đời như thế, chẳng phải ông bà ta đã từng dạy câu nói đó hay sao?
Nguồn: WTH