Bởi nếu cứ ngoan cố làm theo sở thích, thói quen… cơ thể bạn sẽ bị thiệt hại nhiều lắm đó!
Phát hiện sợi tóc bạc trên đầu, bạn phải nhổ ngay; móng tay thừa ra mẩu da nhỏ – nhất định bạn sẽ cắn để loại bỏ chúng ngay lập tức… Nhưng bạn có hay biết rằng, những thói quen tưởng chừng như vô hại này sẽ khiến bạn sức khỏe của bạn bị tổn hại nghiêm trọng không?
Hãy nhớ, tuyệt đối không được nhổ – cắt – cắn… những vùng này trên cơ thể!
1. Nhổ tóc bạc
Không ít người trẻ tuổi khi nhìn thấy vài sợi tóc bạc trên đầu đã hoảng sợ và tìm cách “triệt tiêu” chúng ngay bằng cách nhổ sạch chúng.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc làm này chỉ là biện pháp tạm thời và sự thật là những sợi tóc mọc lại sẽ vẫn có màu bạc.
Cần hiểu, khi một sợi tóc bị bạc nghĩa là melanin không được duy trì ở tế bào chân tóc, chúng có thể “đã ngỏm” hay hoạt động kém dần đi. Càng có ít melanin thì tóc bạn sẽ càng bạc đi nhanh và khi các tế bào sắc tố trong nang tóc đã chết thì dù bạn có nhổ hết tóc bạc thì tóc mọc mới cũng không thể đen trở lại.
Bên cạnh đó, việc kéo, giật mạnh các sợi tóc bạc sẽ gây tổn thương cho cả da đầu lẫn nang tóc; phá vỡ các dây thần kinh và các mạch máu nhỏ nối tới các nang tóc khiến bạn dễ bị hói, hoặc bị mụn nhọt ở da đầu.
2. Cắn, cắt móng tay quá sâu
Những phần da mỏng bao quánh móng tay có thể khiến nhiều người “ngứa mắt” và loại bỏ chúng ngay lập tức. Tuy nhiên, nhiều người thay vì dụng cụ bấm móng tay thì lại dùng “răng” để cắn hay loại bỏ chúng.
Điều này vô tình tạo ra vết thương nhỏ ở ngón tay. Các nhà khoa học từng phát hiện, một mẩu da, móng của móng tay có khoảng 4 tỷ vi khuẩn.
Khi bạn không cẩn thận làm rách da, những vi khuẩn ở móng tay có thể gây viêm da. Khi bạn cầm vật gì ăn, vi khuẩn ở móng tay cũng có thể xâm nhập cơ thể, gây hại cho sức khỏe bạn.
3. Nặn mụn đầu đen
Mụn đầu đen hình thành bởi sự tích tụ bã nhờn và chất sừng trong lỗ nang lông, gây nên tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông. Khi tiếp xúc với không khí, kết hợp với sự tác động ánh nắng Mặt trời gây nên hiện tượng oxy hóa và tăng sắc tố tạo thành mụn đầu đen.
Bàn tay tổn tại vô vàn vi khuẩn gây hại, do đó, việc nặn mụn đầu đen bằng tay sẽ khiến vi khuẩn có cơ hội tiếp xúc, tấn công trực tiếp vào ổ nang lông, gây tình trạng viêm nặng hơn, hình thành mụn mủ.
Chưa hết, nếu bạn dùng dụng cụ nặn mụn đầu đen là đã tạo một lực mạnh giúp lấy nhân mụn từ lỗ nang lông. Điều này vô tình làm tổn thương vùng da nặn mụn, tăng nguy cơ gây sẹo, lây lan mụn ra vùng da xung quanh.
4. Chọc thủng phần bị rộp
Vết phồng rộp ở chân thường xuất hiện do ma sát từ giày hoặc tất cọ xát vào da, có hình dạng như bong bóng nước. Hầu hết các vết phồng rộp này sẽ biến mất trong vòng một vài ngày.
Cách tốt nhất để chữa phồng rộp chân là ngâm chân vào nước muối loãng, sau đó rửa sạch và lau khô nhẹ nhàng. Không tự ý chọc thủng vết thương để tránh bị nhiễm trùng.
Trong trường hợp vết phồng rộp bị vỡ, bạn nhẹ nhàng rửa sạch vết phồng rộp, để nguyên lớp da trên vết rộp đó. Dùng bông sạch lau vết phồng rộp, sau đó thoa các loại thuốc mỡ kháng sinh, và băng lại.
Sau một vài ngày, vết thương sẽ lành hẳn. Lúc này bạn có thể sử dụng nhíp tiệt trùng và kéo cắt móng tay để cắt bỏ da chết.
5. Gãi vết muỗi đốt
Thông thường khi bị muỗi đốt, ngay lập tức phản ứng của chúng ta là đưa tay lên và… gãi.
Nhưng khi gãi vết ngứa có thể gây ra tình trạng xước da, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn trên tay, móng tay… xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng. Bởi vậy, dù có ngứa đến đâu thì chũng ta cũng nên kiềm chế việc gãi chỗ muỗi đốt.
Nếu không có thuốc bôi để hết ngứa, bạn có thể sử dụng một viên đá lạnh chườm vào vết muỗi đốt để giảm cảm giác ngứa ngáy phát điên này.
Nguồn Kênh 14