Không ít bà nội trợ đang phân vân lựa chọn đũa nào trong nhiều loại đũa hiện có để đảm bảo sức khỏe cho cả nhà.
Chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng, thậm chí vài chục nghìn, các bà nội trợ có thể dễ dàng mua được những đôi đũa với kiểu dáng, màu sắc và chất liệu ưng ý cho tủ bếp của mình. Nhưng để chọn được những đôi đũa an toàn cho sức khỏe gia đình thì không phải ai cũng biết. Bài viết này sẽ chia sẻ với bạn kinh nghiệm chọn mua đũa an toàn, tránh mua phải “đũa bẩn”.
Chọn loại đũa nào?
– Tránh xa các loại đũa có màu sắc trông không thật.
– Đũa dùng 1 lần: Đây là loại đũa có thời hạn bảo quản sau khi khử độc nhiều nhất là 4 tháng, nếu quá thời hạn, đũa sẽ bị nấm mốc. Ngoài ra, đũa dùng 1 lần còn ẩn chứa nhiều nguy hiểm vì chứa nhiều chất vượt chỉ tiêu cho phép.
– Đũa kim loại: Đũa kim loại sử dụng rất bền nhưng lại không tốt vì tính dẫn nhiệt của nó, dễ gây ra viêm nhiệt miệng lưỡi khi ăn thức ăn nóng. Ngoài ra, loại đũa này rất trơn, gây khó khăn khi gắp thức ăn.
– Đũa nhựa: Đũa nhựa có nhiều màu sắc bắt mắt, dễ gây chú ý với người mua. Nhưng khi quyết định mua đũa nhựa, bạn cũng cần cân nhắc vì đũa nhựa khi gặp nóng sẽ giải phóng ra các thành phần hóa học, gây hại cho sức khỏe, hơn nữa đũa nhựa rất dễ biến hình.
– Đũa gỗ: Nhà sản xuất đũa gỗ muốn sản phẩm của mình trông thật hấp dẫn nên thường sơn lớp sơn trên bề mặt đũa. Nhưng việc làm đó sẽ khiến bề mặt đũa tồn dư nhiều kim loại nặng và những chất gây độc.
– Đũa tự nhiên: Nên chọn lựa loại đũa có nguồn gốc tự nhiên (tre, trúc…). Tuy nhiên, loại này khó rửa sạch, dễ bị nấm mốc, cho nên sau bữa ăn nên chú ý rửa thật sạch sẽ, bảo quản nơi khô ráo, thoáng khí.
Dùng đũa đúng cách
– Trước khi sử dụng lần đầu tiên, nên rửa kĩ với nước rửa bát; dùng cồn để lau sạch lớp hóa chất bên ngoài rồi rửa lại với nước sạch hoặc luộc trong nước sôi.
– Với những loại đũa có chất lượng không cao, trung bình vòng đời sử dụng chỉ nên kéo dài từ 3- 6 tháng. Khi đũa bị đổi màu là dấu hiệu đầu tiên bạn nên thay mới.
– Cách bảo quản đũa tốt nhất là thường xuyên “luộc” đũa bằng cách đun sôi, đảo qua lại cho đến khi cảm thấy vi khuẩn và nấm mốc trên đũa đã chết.
– Nên phơi khô đũa dưới ánh nắng mặt trời hoặc máy sấy, đảm bảo việc khử trùng đũa trước khi bảo quản đũa vào tủ hoặc hộp gia dụng.
– Đũa khi bị dính dầu mỡ vừa khó rửa, vừa dễ bị ẩm mốc. Hãy ngâm các vật dụng này vào nước nóng vừa giúp khử trùng vừa đỡ mất thời gian chà rửa. Khi các vật dụng này bị mốc, nấu nước nóng (hoặc nước nóng pha chanh), cho chúng vào ngâm, làm như vậy khoảng 2, 3 lần các vết mốc sẽ không còn.
– Trước khi dùng đũa, nếu muốn lấy khăn ra lau thì phải dùng khăn khô và sạch. Dùng khăn ẩm lau thì bị chính vi khuẩn, nấm mốc phát triển ở khăn ướt, ẩm lan sang đũa.
Theo Bestie