Cân nhắc rất kỹ càng, tính tới rồi tính lui, bàn bạc không biết bao nhiêu lần với bố, với ông bà nội ông bà ngoại, mẹ mới quyết định sẽ nghỉ việc ở nhà chăm con. Từng là kế toán trưởng, từng có thu nhập khá cao, từng ra dáng một người phụ nữ của công việc, nhưng mẹ vẫn nhập vai bà nội trợ đảm đang, người mẹ tháo vát của con một cách ngọt xớt. Dù vẫn rất hài lòng với vai trò mới của mình, vẫn nhiều lúc mẹ cảm thấy tủi thân vô cùng.
Đó là khi, mẹ nghe loáng thoáng “đồ ăn bám” từ người thân gia đình, từ mấy người hàng xóm. Phụ nữ vất vả thế đó con ạ, lo làm việc thì bảo giống đàn ông, không đi làm thì mang danh ăn bám.
Đó là khi, người bạn thân của mẹ bảo “Có cho tiền tớ cũng chẳng bao giờ chịu ở nhà chăm con đâu. Lương dù không đủ mua quần áo nhưng vẫn phải đi làm”. Đúng, trước đây mẹ đã từng nghĩ thế. Đã cho rằng người phụ nữ được công nhận giá trị khi ra ngoài xã hội sẽ luôn được tôn trọng trong gia đình. Nhưng khi nhìn con bé bỏng, lại chẳng yên tâm những dịch vụ trông trẻ bên ngoài, mẹ không nỡ lòng nào bỏ mặc con để đi làm trở lại.
Đó là khi, một người mẹ khác nói rằng, chỉ làm việc nhà và chăm con không thôi thì chán lắm. Đúng rồi, ai cũng muốn học tập, rèn luyện kỹ năng, phát triển sự nghiệp của riêng mình. Khi ở nhà chăm con, mẹ đã học cách làm một người mẹ tốt, rèn những kỹ năng chăm con, dạy con, phát triển thể chất – tinh thần cho con, sự nghiệp của mẹ chỉ đơn giản là gia đình hạnh phúc, là con lớn lên khỏe mạnh. Công việc thường ngày chẳng có tên mỹ miều để gọi, và có lắm phiền nhiễu đáng yêu vẫn làm mẹ hạnh phúc, chỉ là khó tránh được một nỗi tủi thân cứ chực ùa lên trong cổ họng.
Đó là khi, một người có vẻ tốt dặn dò mẹ rằng, cứ ru rú ở nhà suốt thế kia, chồng làm gì bên ngoài làm sao mà biết. Như mọi người phụ nữ bình thường khác, tim mẹ thắt lại. Có lẽ là phản ứng tự nhiên thôi, chứ mẹ rất tin bố con. Thật ra, khi mẹ còn đi làm, mẹ cũng chỉ suốt ngày ở công ty, bố cũng vậy, công việc đã mệt mỏi, làm sao đủ sức quản lý người kia. Hơn nữa, nếu không tin làm sao mà sống tốt nổi. Mẹ giấu tất cả vào trong, để mỗi chiều đi làm về, bố vui vẻ ôm con rồi cả nhà cùng ăn cơm, nói chuyện. Mẹ đi làm thì thôi, chứ mẹ có ở nhà, thì ngôi nhà mình phải là tổ ấm, để bố luôn hạnh phúc mỗi khi trở về.
Đó là khi, người phụ nữ khác tỏ ra ghen tỵ với mẹ, rằng, “nhà chị thật may mắn khi chồng kiếm được nhiều tiền, chứ nhà tôi thì tôi phải đi làm nữa mới đủ chi tiêu”. Không, không phải thế đâu! Quyết định này với gia đình tôi không hề dễ dàng. Gánh nặng của chồng sẽ nặng thêm một chút, trong khi vợ cũng sẽ vất vả hơn nhiều, kinh tế cũng chỉ vừa đủ. Nhưng cả hai cùng nai lưng ra kiếm tiền để xây nhà lầu, mua xe hơi để làm gì, khi con để người khác chăm, khi khóc chẳng được mẹ dỗ dành, chỉ cảm nhận được hơi ấm của mẹ chưa đến 10 giờ đồng hồ một ngày? Chúng tôi đã thắt chặt chi tiêu suốt cả năm trước khi đón con, để con được chăm sóc đủ đầy nhất có thể, cả về vật chất lẫn tình thương.
Đó là khi, có người tỏ ra thương xót cho sự nghiệp của mẹ. Có lẽ họ nghĩ, mẹ đã thành người mẹ bỉm sữa rồi, lôi thôi nhếch nhác, thậm chí là bốc mùi, đồng thời cũng trở nên một kẻ quê kệch, mù tịt thông tin và chẳng bao giờ bước ra thế giới bên ngoài. Tại sao người ta lại đánh giá thấp phụ nữ đến thế nhỉ? Khi mà TV có cả trăm kênh, internet nối tận nhà… thì lạc hậu là có lỗi với bản thân mình. Chỉ tủi thân chút thôi nhưng mẹ vẫn chăm lo cho bản thân tốt con à.
Đó là khi, có người hỏi rằng, có phải mẹ đã đánh mất chính mình rồi không? Ồ, họ không nhận ra ư? Mẹ vẫn là chính mình đây, chẳng qua mẹ còn là một người mẹ nữa. Mẹ vẫn tập thể dục mỗi ngày, vẫn đọc sách, vẫn vừa nghe nhạc vừa lắc lư người (cho dù đang nấu ăn hay làm gì đi nữa). Giá trị bản thân mẹ vẫn không thay đổi, và còn có thêm nhiều giá trị khác nữa mà mẹ đã có được từ khi có con. Mẹ tự hào về chính mình, và biết rằng, sau này, con cũng sẽ tự hào về mẹ như thế.
Theo WTT
Xem thêm: Cận cảnh màn bắt vợ khiến thiếu nữ gào khóc trên đèo Mã Pí Lèng