Chắc ai cũng từng vài lần trong đời không nhớ nổi xe mình đỗ chỗ nào, tiền mình tiêu đi đâu, mình cần gọi điện cho ai vì việc gì hoặc chữ nghĩa học đến đâu trôi tuột đi đến đấy…
Đãng trí là căn bệnh trầm kha của con người nhưng ít khi chúng ta nghĩ đó là bệnh, mà chỉ xem đó là tính cách, chẳng hạn bạn hay nói: “Mình có tính hay quên”. Dù là gì thì bạn cũng không nên để tình trạng này kéo dài mãi, hãy cùng tìm hiểu hiểu xem 2 “siêu nhân” này đã rèn luyện trí nhớ của họ như thế nào nhé.
Nhớ vanh vách các con số
Từng 3 lần giành chức vô địch các cuộc thi ghi nhớ toàn nước Mỹ, Nelson Dellis có thể đọc thuộc lòng nhiều bài thơ sau khi xem lướt qua chúng chỉ một lần duy nhất, nhắc lại chuẩn xác một dãy gồm 1.500 chữ số và ghi nhớ 193 cái tên trong 15 phút. Thành tích phi thường khiến Dellis được nhiều người xem là “siêu nhân”.
Tuy nhiên, chàng trai 30 tuổi đến từ thành phố Miami, bang Florida, Mỹ tuyên bố, bất kỳ ai cũng có thể luyện tập để có trí nhớ tốt như anh. “Bất kỳ ai cũng có thể đạt được khả năng ghi nhớ đáng kinh ngạc. Về cơ bản, tất cả chúng ta đều có “phần cứng” như nhau, nên việc nâng cấp “phần mềm” một cách đơn giản có thể tạo ra mọi khác biệt trên thế giới này”, anh Dellis nói.
Khi nhắc đến “nâng cấp phần mềm”, anh Dellis muốn ám chỉ đến việc luyện trí não hàng ngày. Bản thân anh luôn luyện tập hằng ngày, bao gồm ghi nhớ 7 cỗ bài, nhắc lại các danh sách dài gồm những từ, tên và số ngẫu nhiên, cũng như đọc thuộc lòng vô số câu thơ. Mặc dù việc ghi nhớ một cỗ bài hoặc nhắc lại các số trong hằng số Pi trông có vẻ không mang lại lợi ích thấy rõ đối với chúng ta, nhưng các mẹo ghi nhớ của Dellis thực tế có thể giúp ích rất nhiều cho cuộc sống hàng ngày của mỗi người.
Chẳng hạn như, chúng ta có thể loại bỏ được sự ngượng nghịu khi không nhớ tên của đồng nghiệp, mua đầy đủ mọi thứ mình cần tại siêu thị mà không cần lên danh sách, nhớ tất cả các khoản tiền mình đã chi tiêu, thuộc tất cả các nội dung thầy cô giảng trên lớp, nhớ mọi thông tin trong buổi họp, những kiến thức bổ ích đọc được trên mạng, danh bạ điện thoại, nội dung tin nhắn, email…
Quan trọng hơn, theo Dellis, tất cả chúng ta cần phải cải thiện trí nhớ để làm chậm lại hoặc ngăn cản sự tấn công của chứng mất trí. Anh cũng rèn luyện thể chất, kể cả leo núi, để giữ cho mình khỏe mạnh và theo đuổi một chế độ dinh dưỡng giàu thực phẩm chứa Omega-3 như cá dầu hoặc các loại hạt, vì Omega-3 tăng cường sức mạnh trí não.
Đối với Dellis, một trong các bí quyết để có trí nhớ tốt là “biến những thứ cần ghi nhớ thành thứ không thể quên, biến chúng thành thứ gì đó kỳ lạ, hài hước hoặc có liên quan gần gũi”. Ví dụ:
– Để nhớ tên thì khi gặp một người tên Giang, bạn có thể liên hệ với hình ảnh dòng sông. Vậy là mỗi khi có chuyện đề cập đến người ấy, hình ảnh dòng sông sẽ hiện lên trước mắt và bạn sẽ nhớ ra cái tên Giang. Hoặc bạn có thể liên tưởng đến người trùng tên. Chẳng hạn, khi được giới thiệu với anh Hải, bạn có thể liên hệ với ca sĩ Lý Hải…
– Nếu hôm nay đi siêu thị bạn phải mua thịt bò, sữa, khăn ướt trẻ em và chocolate, thì xãy xây dựng một câu chuyện để xâu chuỗi các món hàng này. Chẳng hạn, bạn nghĩ đến một con bò được vắt sữa, lấy sữa hòa với chocolate cho em bé uống, rồi lau sạch miệng cho em bé bằng khăn ướt.
Những câu chuyện càng kì lạ, hài hước sẽ càng khiến bạn dễ nhớ hơn.
Nhớ từng chữ trong truyện Harry Potter
Trường hợp của Rebecca Sharrock (26 tuổi) thì lại khác. Cô có thể nhớ từng chi tiết nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày và kể không sót một chữ bộ truyện “Harry Potter” của nữ nhà văn J.K. Rowling.
Theo Daily Mail, cô gái đến từ Queensland (Australia) chỉ là 1 trong số 80 người trên thế giới mắc hội chứng trí nhớ siêu phàm – HSAM. Trong chương trình 60 phút, MC yêu cầu Rebecca tái hiện nội dung chương 17 trong phần 1 của “Harry Potter và Hòn đá phù thủy”. 9X khiến người xem ngỡ ngàng khi cô kể lại trôi chảy, trọn vẹn từng chữ trong truyện, chỉ sau vài giây sắp xếp. Trí nhớ siêu phàm thậm chí giúp Rebecca chỉ ra những điểm khác biệt nhỏ trong lời thoại giữa phim và truyện.
Năng lực đặc biệt đối với cô gái 26 tuổi giống như món quà “trớ trêu” của tạo hóa. Khi còn nhỏ, Rebecca được chẩn đoán mắc bệnh tự kỉ và rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Để bộ não không được ngừng nghỉ, cô đã bắt đầu đọc Harry Potter. Mẹ của cô cho hay: “Ngày nhỏ, mỗi lần Rebecca gặp ác mộng, để trấn tĩnh con bé, chúng tôi bắt đầu đọc từ những trang đầu tiên của bộ truyện”.
9X chỉ có thể ngủ ngon trong ánh đèn dịu và bật đài. Nếu quá tối hoặc quá yên tĩnh, những ký ức lại ùa về khiến cô không thể chợp mắt. Hội chứng của Rebecca tình cờ được phát hiện vào năm 2011, khi mẹ cô xem một chương trình nghiên cứu về những người có biểu hiện tương tự. Sau thời gian tìm hiểu về HSAM, Rebecca đã có trải nghiệm tích cực. Khi biết bản thân sở hữu trí nhớ phi thường, 9X không còn mặc cảm mà trở nên vui vẻ, tự lập, sống và làm việc tốt hơn.