Khoa học đã lý giải được em bé sẽ thế nào nếu người mẹ thường xuyên khóc lóc, căng thẳng trong thai kỳ.
Chúng ta đều biết rằng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé trong bụng. Vậy còn tâm trạng của người mẹ, có tác động nhiều đến thai nhi hay không?
Nghiên cứu từ Hiệp hội Khoa học tâm lý chỉ ra rằng thai nhi 6 tháng tuổi đã có thể cảm nhận và chịu ảnh hưởng từ cảm xúc của người mẹ. Những cảm xúc vui buồn, tức giận, hạnh phúc không chỉ ảnh hưởng nhất thời đến thai nhi, mà nó còn hình thành thái độ sống sau này của trẻ.
Việc người mẹ buồn rầu, dẫn đến tình trạng thường xuyên khóc trong thai kỳ, sẽ tác động thế nào đến em bé. Những thông tin sau sẽ giúp mẹ hiểu thêm về điều này và tránh được những cảm xúc tiêu cực, không tốt cho sự phát triển của thai nhi.
Trường hợp mẹ thường xuyên bị stress
Thi thoảng lo lắng, căng thẳng hay stress không ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài, dẫn đến trầm cảm kinh niên thì nhiều khả năng thai nhi không phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Cụ thể, mẹ hay bị stress trong thai kỳ, sẽ tăng nguy cơ con bị đau bụng và mắc các rối loạn tiêu hóa sau này.
Khi người mẹ căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh ra loại hormone căng thẳng tương ứng. Hormone này đi qua nhau thai và tác động trực tiếp đến em bé. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, mẹ hay stress thì con sau này cũng hay bị stress và tâm lý không được ổn định.
Trường hợp mẹ bị trầm cảm
Trầm cảm khi mang thai là căn bệnh phổ biến tương tự như trầm cảm sau sinh. Trẻ được sinh ra từ những bà mẹ bị trầm cảm có nhiều khả năng bị trầm cảm khi 18 tuổi gấp 1,5 lần so với những trẻ khác. Những trẻ này cũng có tâm lý bất ổn và hung hãn hơn.
Riêng trường hợp trầm cảm ảnh hưởng đến thai nhi, người ta nhắc nhiều đến sự biến đổi đột ngột trong tâm lý người mẹ.
Theo nghiên cứu, nếu mẹ bị trầm cảm khi mang thai và vẫn bị trầm cảm sau khi sinh, em bé cũng bị ảnh hưởng nhưng đỡ hơn so với trường hợp mẹ đang bình thường, mà sau sinh lại đột ngột bị trầm cảm và ngược lại.
Trường hợp mẹ miễn cưỡng mang thai
Những trường hợp mang thai ngoài ý muốn, tâm lý chưa muốn có con cũng ảnh hưởng nhất định đến em bé. Các bà mẹ này thường không tìm thấy sự gắn bó, mối liên hệ với em bé và do đó tâm trạng bé cũng bất ổn theo đó.
Trường hợp mẹ thỉnh thoảng buồn và khóc
Trường hợp này không ảnh hưởng nhiều và cũng không có bất kỳ tác động lâu dài đến sức khỏe cũng như tinh thần bé.
Nói chung không chỉ việc ăn uống, sinh hoạt, mà tâm trạng mẹ cũng có ý nghĩa rất lớn đến sự phát triển toàn diện của thai nhi. Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, nói chuyện với nhiều người, tập yoga, đi bộ là những cách giúp mẹ tránh căng thẳng, trầm cảm trong thai kỳ. Thời gian mang thai là thời gian mẹ được nuông chiều bản thân. Hãy tận hưởng khoảng thời gian quý giá này, trước khi bước vào “cuộc chiến” nuôi con nhỏ thực sự.
Theo WTT
Xem thêm: Xem cảnh này bố mẹ nào cũng đau xót và phẫn nộ.