Út Em chào các mẹ, Siêu âm 4D hiện đang là công nghệ siêu âm mới nhất trong ngành y và cũng là cách quan sát, lưu giữ rõ nét nhất những hình ảnh của con yêu trong bụng nên được rất nhiều mẹ lưu tâm thực hiện. Công nghệ này thường được dùng để hỗ trợ phát hiện chính xác dị tật thai và nhiều vấn đề xung quanh nữa.
Sự khác nhau giữa siêu âm 2D, Doppler, 3D và 4D?
Nếu các mẹ mới đi khám thai, có thể các mẹ vừa trải qua một cuộc siêu âm hai chiều 2D. Trong trường hợp này, bộ dò siêu âm được đặt lên bụng hoặc vùng âm đạo để truyền sóng siêu âm vào cơ thể của người mẹ. Loại sóng này sẽ trả thông tin về những cơ quan bên trong cơ thể, tình trạng nước ối và máy tính sẽ quét những tín hiệu này thành hình ảnh 2 chiều (hoặc hình ảnh mặt cắt) của tử cung lên màn hình.
Với siêu âm thai Doppler, bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị siêu âm cầm tay cùng với sự hỗ trợ của dịch nhờn trên bụng để khuếch đại âm thanh của nhịp tim thai nhi. Cả siêu âm 2D và Doppler đều sẽ mang lại những khoảnh khắc thú vị và tuyệt vời cho các mẹ đó.
Công nghệ siêu âm mới hơn – 3D với nhiều hình ảnh hai chiều được chụp ở nhiều góc độ khác nhau rồi ghép lại với nhau để tạo thành hình ảnh ba chiều. Ví dụ, thay vì chỉ nhìn được mặt của bé từ một phía thì siêu âm 3D sẽ giúp các mẹ nhìn thấy toàn bộ khuôn mặt của thai nhi (nó giống như một bức ảnh bình thường).
Siêu âm 4D cũng tương tự như vậy nhưng hình ảnh còn cho thấy sự chuyển động hay còn gọi là giống như làm video và các mẹ có thể nhìn thấy những hành động của bé như thật, ví dụ việc nhắm mắt mở mắt của bé hay mút tay…
Tại sao cần thực hiện siêu âm khi mang thai?
Phần lớn các bác sĩ chỉ sử dụng siêu âm 2D và Doppler thường xuyên trong thai kỳ của các mẹ để kiểm tra tử cung, mức nước ối và tìm kiếm dị tật thai nhi giữa những thủ thuật khám thai khác.
Việc siêu âm 3D và đặc biệt là 4D sẽ không bắt buộc trừ khi có yêu cầu đặc biệt nào khác. Siêu âm 3D, 4D được thực hiện trong khi mang thai chỉ là để biết thêm chi tiết khi kiểm tra những vấn đề bất thường về thai nhi mà đang nghi ngờ, ví dụ như sứt môi, các vấn đề về cột sống hoặc theo dõi một vấn đề khác cụ thể.
Siêu âm 3D, 4D không phải là một phần trong lịch trình khám trước khi sinh nhưng nhiều bác sĩ có thể tặng các mẹ hình ảnh siêu âm 3D để mang về nhà mà không tốn bất kỳ phí nào nếu thai nhi hiện ra rõ nét trong ảnh.
Thời gian tốt nhất để siêu âm 4D?
Siêu âm 4D chỉ là sự lựa chọn từ phía các mẹ và không bắt buộc cần phải thực hiện. Mỗi lần siêu âm 4D cũng khá tốn kém, mất thời gian và không phải cơ sở y tế nào cũng đáp ứng được. Chính vì vậy, các mẹ không cần thiết phải siêu âm 4D khi mang thai.
Tuy nhiên, nếu phải thực hiện việc siêu âm 4D, các mẹ nên chọn khoảng thời gian từ tuần 26 đến tuần 30 của thai kỳ. Bởi vì trước 26 tuần, trẻ chưa phát triển đầy đủ các bộ phận bên trong cơ thể, có thể nói là chỉ toàn xương nên sẽ chỉ có xương hiện sau lớp da mỏng và khuôn mặt chưa rõ nét. Còn khi ngoài 30 tuần, thai nhi có thể di chuyển xuống dưới khung chậu, mặt bị lấp sau khung chậu của mẹ nên rất khó để nhìn thấy.
Nếu định siêu âm 4D mẹ nên hỏi bác sĩ xem cần tránh điều gì không, chẳng hạn nên để bụng nó hay đói, uống ít nước hay nhiều nước…Vì những điều này có thể ảnh hưởng đến độ rõ nét của hình ảnh. Bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ thông tin chính xác.
Siêu âm 3D, 4D có an toàn khi mang thai không?
Thật là tuyệt vời nếu các mẹ nghe được nhịp tim và thấy được những chuyển động của thai nhi. Thực hiện Doppler, siêu âm 3D, 4D cũng chỉ được khuyến cáo khi cần thiết. Đó là bởi vì nhiều nghiên cứu về độ an toàn của công nghệ siêu âm bao gồm siêu âm 4D đều cho thấy một kết quả chưa chắc chắn và những nguy cơ tiềm ẩm của việc siêu âm cũng không rõ ràng.
Trong thời gian này, ở trường đại học Sản – Phụ khoa Mỹ (ACOG) cho rằng không có một bằng chứng khoa học nào cho thấy siêu âm có hại cho sự phát triển của thai nhi nhưng cũng không thể biết được có ảnh hưởng xấu nào sẽ được khám phá ra trong tương lai hay không.
Theo Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA), khi siêu âm nói chung và siêu âm 4D nói riêng, sóng siêu âm đi vào cơ thể có thể làm nóng nhẹ các mô bên trong mà điều này có thể tạo ra một số túi khí nhỏ trong dung dịch hoặc mô của cơ thể và ảnh hưởng lâu dài của điều này vẫn chưa được biết đến. Vì vậy với những kiến thức biết được cho tới hiện tại, việc siêu âm mà được khuyến nghị thực hiện bởi những chuyên gia y tế có kinh nghiệm vẫn khá an toàn với sức khoẻ của thai nhi.
Tuy nhiên, ACOG và FDA không khuyến khích các mẹ dùng việc siêu âm chỉ để ghi lại kỷ niệm với con. Ngoài việc ưu tiên sức khoẻ của thai nhi, những kỹ thuật viên thực hiện việc siêu âm có thể không đủ trình độ để phát hiện được bất kỳ vấn đề gì trong sự phát triển của thai nhi nên có thể gây tốn kém về thời gian và tiền bạc cho các mẹ.
Ngay cả việc có máy Dopple mini tại nhà giúp tiết kiệm chi phí khám thì cũng không đủ nhạy để phát hiện nhịp tim thai nhi cho đến tận khi đã được 5 tháng và hiện nay FDA cho rằng cần có liệu trình sử dụng. Vì vậy, nếu các mẹ muốn áp dụng bất cứ hoạt động gì ngoài lịch trình của bác sĩ thì phải trao đổi trước với người có chuyên môn về vấn đề đó.
Các mẹ cần nhớ rằng mình sẽ có nhiều cơ hội để ghi lại kỷ niệm với con yêu khi bé được sinh ra. Còn trong thời gian mang thai, chỉ nên giữ số lần siêu âm 4D ở mức tối thiểu và chờ đợi bé chào đời an toàn.