Em sinh thường bác sĩ dặn về nhà thường xuyên tắm rửa, vệ sinh cơ thể, nhất là vùng kín. Nếu kiêng khem quá kỹ các vết thương vùng kín sẽ lâu lành, nguy cơ nhiễm trùng rất cao có thể nguy hiểm tính mạng.
Em lo là về nhà mẹ sẽ bắt em kiêng khem đủ kiểu. Vì có lần mẹ gọi điện nói là đang gọt gừng ngâm rượu để khi em sinh xong thoa lên người cho thơm tho trong những ngày ở cữ không tắm gội. Em phản đối nói thời buổi này ai còn kiêng khem kỹ vậy thì mẹ giận bảo nếu em không nghe thì mẹ thôi không vào nữa, vợ chồng tự chăm nhau.
Nói vậy thôi nhưng khi em sinh mẹ cũng vào và không quên xách theo chai rượu gừng to vật vã. Sau khi xuất viện, về nhà, chưa kịp truyền lại lời bác sĩ cho mẹ thì mẹ đã bảo em có thể tắm, gội đầu trong tháng. Tưởng mẹ giận em im re không dám nói tiếng nào thì mẹ bảo tiếp, hôm bữa mẹ xem tivi, thấy bác sĩ nói sau sinh người phụ nữ nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cơ thể như thế vết thương mới mau lành, tránh bị nhiễm trùng nhưng có điều đừng tắm lâu quá thôi, đừng kiêng khem quá mức như ngày xưa.
Nghe mẹ nói mà em mừng hơn bắt được vàng, định nhảy cẫng lên ôm mẹ ấy chứ vì mẹ tân tiến rồi nhưng cũng kịp nhớ mình vừa sinh xong. Nhưng mẹ cũng có điều kiện, đó là sau mỗi lần tắm xong em phải thoa rượu gừng. Hỏi công dụng thì mẹ nói rượu gừng rất tốt đối với phụ nữ sau sinh. Cụ thể:
– Giúp giữ ấm cơ thể, chống lạnh chân tay, tránh gió, phòng các bệnh hậu sản,nhức mỏi xương cốt sau này.
– Ngửi rượu gừng, thoa rượu lên thái dương, cổ, sau dái tai sẽ phòng tối đa bệnh cảm cúm (không giới hạn số lần).
– Ngâm chân với rượu gừng (pha với nước ấm) giúp lưu thông khí huyết, tránh đau đầu, nhức chân, giảm stress, ăn ngon miệng và dễ ngủ.
– Đặc biệt: thoa rượu gừng còn giúp đánh bay các vùng mỡ đáng ghét sau sinh như mỡ bụng, mỡ cánh tay, đùi… Vì gừng có tính nóng, kết hợp với rượu khi tiếp xúc với da sẽ tạo ra nhiệt lượng. Nhiệt lượng này sinh ra sẽ làm tăng quá trình phân huỷ mỡ, giúp cơ thể tiêu hao mỡ thừa thừa nhanh chóng. Lưu ý các mẹ không dùng rượu gừng thoa lên mặt để làm giảm mỡ nhé, vì da mặt rất mỏng thoa rượu lên dễ gây bỏng, rát đấy.
Nhờ chai rượu gừng của mẹ mà trong tháng em hầu như ngày nào cũng tắm, gội thì 3 ngày một lần mà giờ sau 5 năm sinh con vẫn thấy cơ thể như hồi con gái, không thấy lạnh khi trái gió trở trời hay đau nhức xương khớp, tê buốt tay chân nha các mẹ.
Thấy rượu gừng hay quá hữu ích quá nên em chia sẻ với các mẹ cách ngâm và sử dụng rượu gừng sau sinh sao cho hiệu quả:
Cách ngâm rượu gừng: Gừng ngâm càng lâu càng tốt, càng công hiệu
Chuẩn bị:
– 1kg củ gừng, cố gắng tìm củ gừng ta mà mua nhé;
– 1 lít rượu nguyên chất, với rượu cũng vậy các mẹ nhớ tìm mua rượu ở nhà người ta nấu để an toàn cho da.
Cách làm:
– Gừng rửa sạch, không cần phải gọt vỏ, xắt hoặc giã nhuyễn;
– Cho gừng vào chai hoặc hũ sạch sau đó cho rượu vào;
– Đậy nắp kín.
Cách sử dụng:
Làm ấm cơ thể, tránh đau nhức: Sau khi tắm xong, mẹ nhớ không tắm quá lâu nha, từ 5 – 10 phút thôi, các mẹ lau người cho thật khô. Rượu gừng đổ ra tay, sau đó thoa đều lên khắp vừa, vừa thoa vừa massage nhẹ cho rượu thấm vào người. Khi thoa vào các mẹ sẽ có cảm giác người nóng ran, nhưng liền sau đó sẽ hết ngay và cảm thấy rất dễ chịu, thơm nữa. Hoặc không các mẹ có thể pha rượu gừng với nước ấm để tắm cũng có tác dụng tương tự.
Làm tiêu mỡ thừa: Nếu muốn đánh bay mỡ thừa bằng rượu gừng ,các mẹ làm như sau: em đã thử với vùng mỡ thừa cánh tay, đùi và bụng (em sinh thường) thấy cũng khá hiệu quả.
Thoa rượu gừng vào các vùng mỡ thừa massage nhẹ nhàng khoảng 15 phút để đẩy nhanh quá trình đốt cháy mỡ thừa. Kiên trì sử dụng rượu gừng khoảng 1 tháng sẽ giúp các mẹ nhanh chóng đạt được mục tiêu. Hơn nữa gừng còn có công dụng làm săn chắc các cơ, giúp hầu hết các cơ trên cơ thể người phụ nữ sau khi sinh bị dãn nở sớm co lại như ban đầu.
Một số lưu ý cho các mẹ khi sử dụng rượu gừng
– Không thoa rượu gừng lên mặt vì da mặt rất mỏng thoa rượu lên dễ gây bỏng, rát;
– Không thoa rượu gừng lên bầu ngực và cho em bé bú vì có thể gây ngộ độc cho bé.
Chúc các mẹ thành công với cách của em nha. Em đã sinh con 5 năm rồi nhưng rất ít bệnh vặt đấy ạ, và đặc biệt là không thấy lạnh người hay tê buốt xương khớp, tay chân như nhiều mẹ khác.
Theo Webtretho