Nhiều nghiên cứu đã cho thấy não bộ thai nhi hình thành từ rất sớm, ngay từ khi thai nhi được 8 tuần tuổi, kéo dài suốt thai kỳ cho đến lúc sinh. Chỉ số IQ trẻ không chỉphụ thuộcvào gen di truyền mà còn phụ thuộc rất nhiều vào chế độ dinh dưỡng. Các mẹ bầu nên chú ý đến cách ăn uống khi mang thai, bởi đây là giai đoạn quyết định sự phát triển não bộ của bé.
Trong công trình nghiên cứu sự phát triển của thai nhi về quá trình hình thành não bộ, các nhà khoa học thuộc trường đại học bang Ohio, Mỹ, đã kết luận rằng các tế bào thần kinh của thai nhi phát triển với tốc độ không ngừng nghỉ, tính bằng từng phút ngay từ những tuần thai đầu tiên. Sau đó, não không ngừng phát triển cho đến khi bé sinh ra và lớn lên, với tốc độ rất nhanh đến năm 2 tuổi. Từ 2-3 tuổi trở đi, não trẻ tiếp tục phát triển, nhưng chậm hơn cho đến khi trưởng thành.
Nắm được những cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển não bộ của thai nhi, mẹ bầu nên chú ý đến cách ăn uống khi mang thai, vì đây là thời gian quyết định chính tới sự thông minh của bé, tạo nền tảng cho quá trình tăng khả năng nhận thức, tư duy sau này cho con.
Dưới đây là những điều cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng của thai phụ trong từng giai đoạn phát triển của thai nhi.
1. Giai đoạn từ tuần thai 8 đến tuần thai 19, não bộ của bé bắt đầu phát triển
Theo Tiến sĩ Lynn Singer, Đại học Case Western Reserve, Cleveland, Ohio (Mỹ), bắt đầu từ tuần tuổi thứ 3, thứ 4, các cảm ứng thuộc ống thần kinh dẫn đến sự hình thành của não bộ và tuỷ sống của thai nhi bắt đầu diễn ra.
Đến khoảng tuần tuổi thứ 8, não bộ của bé bắt đầu phát triển, các tế bào thần kinh trong não được phân nhánh để kết nối với nhau, hình thành những “đường mòn” đầu tiên trên não. Ở thời điểm này, thai nhi đã có thể cảm nhận được nhịp đập của trái tim mẹ, những bước sóng âm thanh, xung truyền của cảm xúc sẽ kích thích lên não bộ của bé, giúp thai nhi cảm nhận được thông tin phát ra từ mẹ. Vì thế, mẹ nên dành thời gian trò chuyện, hát cho bé nghe ngay từ thời điểm này như một biện pháp hiệu quả hỗ trợ não bé phát triển.
Chế độ dinh dưỡng của mẹ
Thực phẩm giàu Omega 3: Omega 3 giữ vai trò quan trọng, giúp phát triển trí não cho bào thai nên các mẹ bầu có thể bổ sung vi chất quan trọng này để giúp con thông minh ngay từ trong bụng. Omega 3 có hai dạng quan trọng là DHA và EPA. DHA là một thành phần quan trọng của tế bào và màng tế bào, cần thiết cho sự phát triển của bé, đặc biệt với não và mắt. EPA giúp chuyển tải hài hòa những tín hiệu giữa thần kinh và não, có chức năng điều chỉnh tâm trạng. Dưới đây là 5 thực phẩm có chứa nhiều omega 3 nhất mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyên các mẹ bầu không thể bỏ qua để giúp con thông minh ở những tuần thai đầu.
Hạt bí ngô (bí đỏ)
Hạt bí ngô có thể là món ăn vặt bổ dưỡng lại ít kalo cho bà bầu. 30g hạt bí có xấp xỉ 100mg omega 3, cùng nhiều chất quan trọng khác như kẽm và sắt.
Đậu phụ
Món tưởng chừng như đơn giản này lại có công dụng thật tuyệt vời đấy. Trong 100g đậu phụ có thể chứa tới 400mg omega 3, đáp ứng một phần không nhỏ nhu cầu về chất béo đặc biệt này mỗi ngày. Với bà bầu và phụ nữ sau sinh, đậu phụ còn là nguồn protein và canxi tuyệt vời.
Cá tuyết
100g cá tuyết có tới 300mg omega3, không những thế cá tuyết còn chứa hàm lượng thủy ngân rất thấp. Vì vậy mẹ bầu không thể bỏ qua thực phẩm này trong thực đơn của mình. Mặc dù xứ nhiệt đới không phải là nới sinh trưởng của loại cá này nhưng các mẹ hoàn toàn có thể tìm mua trong siêu thị. Tuy nhiên, để an toàn phụ nữ mang thai và sau sinh chỉ nên ăn khoảng 100 – 120g cá tuyết mỗi tuần.
Súp lơ trắng
Một bữa ăn súp lơ trắng sẽ cung cấp cho mẹ bầu khoảng 200mg omega3. Ngoài ra, thành phần dinh dưỡng của súp lơ gồm có protein 3,5%; gluxit 4,9%; xenllulo 0,9%, và nhiều khoáng chất, vitamin như: canxi (26mg%); photpho (51mg%); sắt (1,4mg%); natri (20mg%); kali (349mg%), Betacaroten (40mg%); vitamin B1 (0,11mg%), vitamin C (70mg%).
Bắp cải
Cải bắp tốt cho bà bầu và cả phụ nữ sau sinh vì giàu chất xơ, vitamin A, C, đặc biệt là omega 3. Bắp cải là thực phẩm phổ biến, dễ kiếm, dễ chế biến, vì vậy các mẹ đừng quên thêm bắp cải vào thực đơn hàng ngày.
Thực phẩm giàu chất sắt: Ngoài 5 thực phẩm trên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên các mẹ bầu nên ăn thêm các thực phẩm giàu chất sắt. Nhiều nghiên cứu kết luận, có mối liên quan giữa sự thiếu hụt chất sắt trong cơ thể người mẹ và suy giảm chức năng não ở bé. Các thực phẩm giàu chất sắt là các loại rau: rau ngót, rau muống, rau cải xoong, cải xanh; các loại thịt: thịt bò, thịt lợn, thịt cừu; lòng đỏ trứng; cá biển (các loại cá béo); động vật thân mềm (sò, trai…); các loại ngũ cốc, đặc biệt là lúa mạch và yến mạch; các loại đậu, đặc biệt là đậu Hà Lan; một số loại hạt như hạt vừng, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân, hạt bồ đào…
2. Giai đoạn từ tuần thai 20 đến tuần thai 27, các giác quan phát triển bùng nổ và đạt tới đỉnh điểm
Đây là thời điểm các giác quan của thai nhi phát triển bùng nổ và đạt tới đỉnh điểm. Các tế bào thần kinh đã được chuyên biệt hóa cho 5 giác quan: vị giác, khứu giác, thính giác, thị giác và xúc giác. Não bộ của bé phát triển tăng tốc vào giai đoạn này, chiều dài vòng đầu tăng gấp 25 lần và thể tích tăng gấp 60 lần so với tuần thứ 14. Từ thời điểm này đến cuối thai kỳ, não tăng gấp 6 lần cả về kích thước và khối lượng, nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng cho não chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu năng lượng của cơ thể.
Chế độ dinh dưỡng của mẹ
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý vào thời điểm này sẽ cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết hỗ trợ não bé phát triển toàn diện. Cụ thể:
Cá hồi
Không chỉ chứa vitamin D, canxi, cá hồi còn là một trong những nguồn cung cấp DHA dồi dào. Cũng như cá tuyết, muốn con thông minh ngay từ khi chưa sinh ra, mẹ không được bỏ lỡ món này trong thực đơn của mình nhé.
Sữa và các chế phẩm từ sữa
Sữa chua và phô mai chứa vitamin D, canxi và một số lợi khuẩn giúp hệ tiêu hóa mẹ bầu hoạt động tốt hơn bình thường. Ngoài ra, những thực phẩm lên men như sữa chua có thể giúp cơ thể hấp thu các chất dinh dưỡng từ thực phẩm tốt hơn.
Trứng gà
Không chỉ chứa nhiều sắt, lòng đỏ trứng gà là một trong số ít những nguồn cung cấp vitamin D từ thực phẩm tự nhiên, lòng đỏ trứng gà còn chứa cholin, một trong những chất quan trọng đối với sự phát triển trí não trẻ.
Hạt hạnh nhân, hạt dẻ, hạt óc chó
Các loại hạt như hạt hạnh nhân, hạt dẻ, hạt óc chó đều chứa nhiều omega 3, là món ăn vặt vui miệng nhưng đầy lợi ích cho mẹ bầu. Các mẹ cũng có thể tìm mua những loại hạt này trong siêu thị nhé.
Quả bơ
Không chỉ được biết đến là một loại trái cây giảm nghén hiệu quả, trái bơ còn là một thực phẩm rất tốt cho sự phát triển của thai nhi. Bơ chứa một lượng lớn omega 3, vitamin K, folate, vitamin C, kali và vitamin B6.
3. Giai đoạn từ tuần thai 27 đến tuần thai 40, não bộ của trẻ phát triển nhanh nhất
Não bộ của bé phát triển nhanh nhất trong giai đoạn từ 3 tháng cuối thai kỳ đến khi tròn 2 tuổi. Khi 2 tuổi, não bộ của bé đã đạt khoảng 80% trọng lượng bộ não khi trưởng thành. Thông thường, ở tuần tuổi thứ 28, trên bề mặt não bé xuất hiện vài nếp gấp, dần dần thành những nếp cuộn và các rãnh sâu vào cuối thai kỳ. Lúc chào đời, não của bé sẽ có đủ 100 tỷ tế bào thần kinh. Các tế bào thần kinh liên kết chặt chẽ với nhau giúp thông tin được truyền tải nhanh chóng, nhờ vậy, trẻ tập trung, ghi nhớ và xử lý tính huống tốt hơn. Việc phát triển các tế bào thần kinh giai doạn này cũng có mối liên quan mật thiết đến sự phát triển chung của thai nhi.
Chế độ dinh dưỡng của mẹ
*Thực phẩm giàu đạm giúp thai nhi hình thành đầy đủ các cơ quan và cứng cáp hơn
Các amino axit có trong chất đạm là thành phần quan trọng để giúp hình thành và nuôi dưỡng cơ thể em bé thêm cứng cáp. Mỗi ngày, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên thai phụ dung nạp khoảng 60gram protein từ các nguồn thực phẩm như: 1 quả trứng, từ 28 đến 57 gram thịt nấu chín, 227 gram sữa tách kem, 1 cốc sữa chua, 28 gram phô mai cứng, 2 muỗng canh bơ đậu phộng, nửa tách đậu khô nấu chín.
*Thực phẩm giàu Carbohydrates giúp ngừa táo bón cho mẹ bầu và bổ sung năng lượng cho bé
Carbohydrates phức hợp có trong ngũ cốc nguyên hạt, rau quả sẽ cung cấp cho các mẹ bầu nguồn năng lượng lâu bền và chất xơ giúp ngừa táo bón. Mẹ bầu có thể chia nhỏ bữa ăn ra đến 9 lần 1 ngày. Bổ sung carbohydrates với 1 lát bánh mì, nửa chén cơm hoặc mì ống, 1 củ khoai tây cỡ vừa hay nửa chén bột bắp.
*Thực phẩm giàu chất béo giúp cơ thể tổng hợp các vitamin A, D, E, K
Chất béo là nguồn năng lượng quan trọng và giúp tổng hợp Vitamin A, D, E và K. Mặc dù vậy, chất béo cung cấp nhiều calories nên cần phải giới hạn hàm lượng không quá 1/3 khẩu phần hàng ngày của bạn. Bạn có thể chia nhỏ chất béo ra thành 4 bữa ăn 1 ngày, gồm: 58 gram phô mai, 2 muỗng bơ đậu phộng, ¾ chén salad cá ngừ, 2 muỗng phô mai, 1 muỗng sốt mayonnaise, từ 85 đến 113 gram thịt nạc, 1 quả trứng, nửa quả bơ nhỏ, 1 muỗng đậu phộng. Trong chế biến món ăn, hãy chọn những loại chất béo chưa bão hòa như: dầu olive, dầu đậu phộng, dầu hạt cải.
Tránh những loại chất béo bão hòa có trong thịt, dầu cọ, dầu dừa…
*Thực phẩm giàu canxi giúp thai nhi hình thành hệ thống xương và răng
Calcium là thành phần thiết yếu để hình thành răng và xương của thai nhi. Nếu mẹ bầu không bổ sung đủ calcium trong thai kỳ, bé con của bạn bắt buộc phải “mượn” calcium từ chính cơ thể mẹ nên dễ gây ra tình trạng xương của mẹ yếu do thiếu hụt calcium khi mang thai và sau sinh. Mẹ bầu cần bổ sung 1,200 milligrams calcium trong 1 ngày, vì thế nên chia nhỏ ra thành 4 bữa ăn. Bạn cần bổ sung 227 gram sữa tách béo, 1 chén rau màu xanh đậm như: bông cải xanh, xà lách, rau bina, cải xoăn; 85 đến 113 gram cá hồi hoặc cá mòi đóng hộp, ¾ chén phô mai, 1 ly sữa chua, 28 gram phô mai đông.
*Thực phẩm giàu sắt giúp tạo máu cho cả mẹ bầu và thai nhi
Chất sắt giúp tạo hemoglobin, thành phần tế bào màu đỏ đảm nhiệm chức năng dẫn lưu oxygen đi qua máu. Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu sẽ cần nhiều hemoglobin để cung cấp oxy cho thai nhi. Và bào thai cũng sẽ tự động dùng chất sắt để hình thành nguồn cung cấp máu cho chính mình. Mẹ bầu cần đến gấp đôi lượng chất sắt, vào khoảng 30 miligrams/ngày khi mang thai. Bên cạnh việc bổ sung sắt bằng viên uống theo sự chỉ dẫn của bác sỹ, các mẹ bầu cũng cần ăn thêm một số loại thực phẩm giúp bổ sung vi chất thiết yếu này như: các loại trái cây khô, thịt đỏ, đậu khô, mì ống, bánh mì, ngũ cốc khác, rau có lá màu xanh đậm…
*Thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng sức đề kháng cho mẹ bầu và tham gia vào quá trình hình thành thai nhi
Vitamin C giúp sản xuất collagen, một loại protein giúp xây dựng cấu trúc xương, sụn, cơ, mạch máu của em bé. Vitamin C cũng là chất chống lão hóa, ngăn ngừa bệnh tật. Cơ thể của chúng ta không thể dự trữ vitamin C, vì thế, mẹ bầu cần bổ sung mỗi ngày khoảng 65 miligrams. Có thể nạp vào bằng cách mỗi ngày ăn/uống từ 2 đến 3 lần những loại sau: nửa tách nước ép cam, quýt hoặc bưởi, ½ tách nước ép nho, ½ tách nước ép dưa màu đỏ, ½ chén bắp cải xắt nhỏ hoặc xà lách trộn, 2/3 chén bông cải xanh nấu chín, ¾ chén bông cải trắng nấu chín hay 1 trái cà chua lớn.
*Thực phẩm giàu vitamin D giúp thai nhi hấp thụ tốt canxi và phốt pho – những chất tạo xương và răng
Vitamin D giúp hình thành xương, mô và răng của bé và giúp cơ thể hấp thụ tốt calcium và phosphorus. Mẹ bầu cần 4 lần uống sữa mỗi ngày, mỗi lần khoảng 227 gram sữa tách béo. Các thực phẩm nên bổ sung khác là lòng đỏ trứng, cá mòi, cái hồi đóng hộp. Hoặc đơn giản hơn, bạn hãy phơi nắng sớm mỗi ngày để vitamin D được hấp thụ qua da.
*Thực phẩm giàu kẽm giúp thai nhi phát triển tốt
Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy, kẽm cần có trong khẩu phần ăn của các thai phụ vì chất này giúp hỗ trợ sự tăng trưởng của thai nhi. Mẹ bầu được khuyến khích cần 20 miligram kẽm/ngày và có thể tìm thấy trong ngũ cốc nguyên hạt, thịt, sữa, hàu, sò, ốc và các loại hải sản khác.
*Thực phẩm giàu vitamin A giúp phát triển nội tạng và làm đẹp da cho thai nhi
Vitamin A là nguồn dưỡng chất giúp bé có làn da, xương và đôi mắt khỏe mạnh, đồng thời còn giúp phát triển các tế bào tạo ra cơ quan nội tạng của thai nhi. Mẹ bầu cần đến 800 mg với 4 bữa hàng ngày gồm các loại thực phẩm sau: rau màu xanh xẫm, trái cây, nước ép trái cây, các loại sữa… Tuy nhiên, các mẹ bầu cũng cần lưu ý nếu bổ sung quá 10,000IU Vitamin A một ngày vì sẽ gây hại cho cả mẹ lẫn con.
*Nước và thức ăn lỏng
Nước và thức ăn lỏng cần thiết cho bà bầu để giảm phù nề, táo bón, tiểu đường và và nguy cơ nhiễm trùng. Bà bầu nên ăn hoặc huống ít nhất 8 ly chất lỏng mỗi ngày, bao gồm cả canh, sữa, nước ép trái cây và nước lọc.
Gen di truyền, chế độ dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt của mẹ bầu trong thai kỳ đều là những yếu tố đóng vai trò quyết định đến sự phát triển trí não của thai nhi. Do đó, một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, đủ dưỡng chất, đúng thời điểm kết hợp với những phương pháp thai giáo hợp lý là điều kiện cần để hỗ trợ cho sự tăng trưởng tế bào thần kinh và các liên kết thần kinh của thai nhi giúp bé thông minh, các giác quan phát triển, tăng khả năng học hỏi, ghi nhớ về sau.