Thai nhi sẽ bị dây rốn quấn cổ nếu bà bầu bước qua võng, đeo trang sức quấn nhiều vòng… là những quan niệm dân gian khiến không ít người tin.
Dây rốn quấn cổ là tình trạng khá phổ biến trong thai kỳ. Việc này nếu xảy ra sẽ cản trở vận chuyển máu và các chất dinh dưỡng từ mẹ đến nuôi thai nhi. Thông thường, thai nhi sẽ tự thả vòng quấn cổ ra mà không cần bất cứ can thiệp gì từ bên ngoài. Tuy nhiên cũng có trường hợp thai nhi không thể tự tháo gỡ được dẫn đến bị suy dinh dưỡng, thiếu máu… Trường hợp thai nhi bị quấn cổ trong lúc chuyển dạ có thể bị tổn thương não, suy não, suy hô hấp, thậm chí chết ngay trong lúc chuyển dạ.
Do đó, để đề phòng những nguy cơ có thể gặp phải trong thai kỳ, các bà bầu thường được khuyên đi khám thai thường xuyên để nắm rõ tình hình sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi. Bên cạnh đó, để phòng tránh nguy cơ này trong dân gian cũng có rất nhiều kiêng kỵ đối với bà bầu như: không nên bước qua dây hoặc võng, không đeo trang sức quấn nhiều vòng… Tuy nhiên khi được hỏi vì sao thì hầu hết mọi người đều không thổ lộ lý do. Vậy thực sự những điều kiêng kỵ đó là đúng hay nó còn ẩn chứa những điều khác? Thử giải mã nhé!
1. Giải mã các quan niệm
– Không bước qua dây hoặc võng: Theo quan niệm dân gian, bà bầu nếu bước qua dây hoặc võng sẽ bị tràng hoa quấn cổ. Thực chất đến nay vẫn chưa có một lý giải thỏa đáng nào cho việc này cũng như không ai có thể tìm ra mối liên quan nào giữa các sự việc trên ngoài hiểu ngầm quan niệm này là “bảo vệ” mẹ bầu trước các nguy cơ vấp, té ngã nếu không cẩn thận trong việc đi đứng. Còn giới y khoa khẳng định chắc nịch, việc thai nhi bịdây rốn quấn cổ là do nhiều nguyên nhân khác, việc bà bầu bước qua vật gì đó hay sợi dây chẳng có bất cứ sự liên quan nào.
– Không đeo trang sức quấn nhiều vòng: Việc mẹ bầu đeo trang sức quấn nhiều vòng cũng dễ khiến liên tưởng đến các tràng hoa quấn thành nhiều vòng trên cổ thai nhi. Theo đó, trong thai kỳ nếu mẹ thích sử dụng những trang sức dạng này có thể được xem như “điềm báo” trước về việc thai nhi bị tràng hoa quấn cổ. Tuy nhiên điều này chỉ là phỏng đoán và hoàn toàn không có căn cứ. Cách lý giải hợp lý nhất cho vấn đề này không gì khác ngoài việc nhắc nhở bà bầu nên cẩn thận khi đeo trang sức đắt tiền để tránh những nguy hiểm rình rập như cướp giật chẳng hạn.
2. Làm gì khi thai nhi bị tràng hoa quấn cổ?
Như đã nói ở trên, việc thai nhi bị dây rốn quấn cổ là do rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến. Dây rốn quấn càng nhiều vòng thì sự nguy hiểm của thai nhi sẽ càng cao. Bạn sẽ được biết điều này trong các đợt khám thai định kỳ, qua siêu âm bác sĩ sẽ thông báo với bạn, nếu có. Hoặc bạn cũng có thể tự nhận biết thông qua việc theo dõi thai máy, trường hợp bị quấn cổ nặng thai nhi sẽ đạp nhiều, bất thường để thể hiện sự khó chịu của mình hay ngược lại bé mệt ít đạp, ít cử động.
Nhưng không phải trường hợp dây rốn quấn cổ nào cũng gây nguy hiểm, hầu hết thai nhi sẽ tự nhả vòng quấn cổ ra mà không cần bất cứ can thiệp nào. Thai nhi vẫn có thể sinh hoạt và phát triển bình thường cho đến lúc chuyển dạ.
Thông thường, dây rốn quấn cổ bắt đầu xảy ra ở 3 tháng thai kỳ do lúc này thai nhi đã lớn, cử động xoay chuyển nhiều hơn trong khi bụng mẹ lại quá chật chội. Một số trường hợp khác xảy ra vào tháng thứ 5 – 6 của thai kỳ.
Theo đó, để phòng tránh những nguy cơ xấu nhất có thể xảy đến với thai nhi, mẹ cần:
– Tuân thủ lịch khám thai định kỳ
– Theo dõi cử động thai thường xuyên, nhất là vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu phát hiện bất cứ bất thường nào cần đi khám ngay không nhất thiết phải chờ đến lịch khám. Thai nhi bị tràng hoa quấn cổ bác sĩ sẽ tìm ra biện pháp can thiệp kịp thời để đảm bảo an toàn cho trẻ.
– Tuyệt đối không dùng cách chữa mẹo như bò xung quanh giường theo chiều kim đồng hồ để dây rốn tự tuột ra hoặc xoa bụng thật nhiều để kích thích thai nhi tự tháo tràng hoa ra khỏi cổ… thực chất những việc làm này không mang lại tác dụng nào, ngược lại sẽ khiến tử cung co bóp nhiều hơn, tăng bất lợi cho thai nhi.
Xem thêm video đàn ông cố gắng 1, phụ nữ cố gắng 10