Sau nhiều lần thụ tinh ống nghiệm không thành, bà mẹ người Anh đã áp dụng một phương pháp mới bằng cách làm xước màng tử cung và đã may mắn thụ thai.
Laura Washington, một thợ cắt tóc (sinh sống tại Cannock, Staffordshire, Anh) và chồng kết hôn năm 2005 và cố gắng có con ngày sau đó.
Tuy nhiên, đến mùa xuân năm 2008, khi vẫn không thể thụ thai, cô đã đến gặp bác sĩ và được chẩn đoán bị buồng trứng đa nang, nghĩa là quá nhiều testosterone dẫn đến quá trình rụng trứng bị đảo lộn. Cô cũng đã từng bị mổ ruột khi còn bé nên hai ống dẫn trứng bị xê dịch đi một chút. Bác sĩ kết luận vì tất cả những lý do này nên khả năng mang thai tự nhiên của cô rất thấp đồng thời khuyên hai vợ chồng nên thụ tinh trong ống nghiệm.
Tuy nhiên chặng đường lên chức bố mẹ của cặp đôi không hề dễ dàng. Sau hai lần tiến hành IVF thất bại, Laura tiếp tục đi xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Kết quả siêu âm cho thấy cô bị tích dịch vòi tử cung, tức vòi trứng bị ứ dịch độc nên phôi thai không thể phát triển. Bác sĩ đã tiến hành hút chất dịch này ra.
Vào cuối năm 2014, bà mẹ này lại quyết định thử làm IVF lần nữa nhưng một chuyên gia sản khoa đề nghị cô thực hiện một phương pháp mới là làm xước màng dạ con, có nghĩa là dùng ống thông đường tiểu bằng nhựa làm xước thành tử cung để phôi thai có thể bám dính tốt hơn. Việc này được thực hiện trước khi chọc lấy trứng 5 tuần.
Vài tuần sau khi đặt phôi, Laura bỗng có cảm giác bị mệt mỏi, ốm nghén và kết quả thử thai cho thấy cô đã thụ thai thành công. Mặc dù hành trình mang thai với nhiều lo lắng rằng có thể sẽ bị sảy thai nhưng cuối cùng mong ước làm mẹ của cô đã trở thành sự thật. Em bé chào đời vào tuần 39 thai kỳ và nặng 3,3kg vào ngày 27/8 năm ngoái.
Theo thống kê, mỗi năm tại Anh có khoảng 52.000 phụ nữ thực hiện quá trình thụ tinh trong ống nghiệm để sinh con. Tuy nhiên không phải bà mẹ nào cũng may mắn thụ thai ngay. Có rất nhiều lý do khiến IVF không mang lại kết quả, trong đó có nguyên nhân do gien di truyền và điều kiện miễn dịch của người mẹ tự đào thải phôi thai như đào thải một vật thể lạ. Thường thì bác sĩ sẽ không giải thích về nguyên nhân thụ tinh ống nghiệm thất bại.
Trong 3 năm qua, một kỹ thuật mới khá đơn giản đang được thử nghiệm và cho thấy mang lại tỷ lệ thành công cao khi thụ tinh trong ống nghiệm đó là cào xước thành tử cung. Giả thuyết về sự thành công của phương pháp mới này là khi thành tử cung bị cào xước, cơ thể lập tức có phản ứng “sửa chữa” bằng cách sản sinh ra những thành phần tăng trưởng cũng như tế bào gốc trong tử cung, nhờ vậy phôi thai có thể bám dính và phát triển.
Một vài nghiên cứu khác cho rằng chính việc cào xước thành tử cung đã kích hoạt những gien giúp phôi thai bám dính. Phương pháp mới này có tỉ lệ thành công khá cao mặc dù vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.