Kiếm tiền nhiều cộng tới việc thích quậy, nhạc sĩ “Kiếp đỏ đen” như “chú ngựa hoang” ném tiền vào các thú tiêu khiển: bia, rượu mạnh, gái gú…và ma túy. Nhớ lại lối sống “dân chơi”, sa vào cám dỗ chết người của mình cách đây hơn chục năm, Duy Mạnh vẫn cảm thấy rùng mình, ớn sợ.
Duy Mạnh sinh năm 1975 tại Hải Phòng. Bố là người Nam, mẹ là người Hải Phòng nên anh có lối sống phóng khoáng và tự nhiên. Thích âm nhạc, anh chọn piano để học và từng học tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh khoa piano.
Những năm 1998- 1999, Duy Mạnh thường biểu diễn trong các phòng trà, bar, pub và sân khấu nhỏ ở Sài Gòn với nhiệm vụ chính là đệm piano cho các ca sĩ khác hát, nếu ca sĩ có bận đột xuất thì Duy Mạnh hát thay. Anh bắt đầu sáng tác với hai nhạc phẩm đầu tiên là “Tình yêu còn đâu” và “Giây phút chia xa”.
Thời gian sau đó, hàng loạt bản hit khác ra đời đem lại tiếng vang cho nhiều ca sĩ trẻ khiến Duy Mạnh được gọi là “người tạo hit”. Có chút vốn liếng, Duy Mạnh đã ra một album đầu tiên “Tình em là đại dương” với những tác phẩm mình sáng tác. Với chất giọng lạ và giai điệu dễ nghe, ngay lập tức album ấy tiêu thụ lên tới 20.000 bản, một kỷ lục “khủng” thời đó. Tên tuổi Duy Mạnh vụt sáng trên sân khấu Vpop.
Thời đi học, Duy Mạnh thường liệt vào top “dốt văn” của lớp. Thế nhưng không ai ngờ rằng, chỉ thời gian sau, Duy Mạnh lại là “cha đẻ” của hàng chục ca khúc ‘hot”: “Hãy về đây bên Anh”, “Kiếp đỏ đen”, “Ta đâu có say”, “Tình em là đại dương”, “Biết tìm đâu”, “Dĩ vãng cuộc tình”, “Lời xin lỗi của một dân chơi”…
Với những bài “hit”, đình đám ấy, anh nhận được lời biểu diễn khắp nơi, từ trong nước ra tới hải ngoại. Bay sô liên tục đồng nghĩa với việc Duy Mạnh kiếm tiền như rác. “Cát sê của tôi tăng 1000 lần. Khi có nhiều tiền làm con người mình thay đổi. Tôi ảo tưởng mình là ngôi sao thật sự và nghĩ mình phải hưởng thụ”, ca sĩ Duy Mạnh trải lòng.
Là người phóng khoáng, anh thường bao bạn bè ăn chơi mà không tiếc tiền, nướng vài chục nghìn đô một đêm. Trong năm 2006, Duy Mạnh tiêu hết số tiền gần 200 ngàn đô la khi bán đi một căn nhà để đốt vào ăn chơi.
Sau những cuộc xõa ấy rượu mạnh, gái gú, ma túy ấy, tiệc tàn, bạn bè về hết, một mình đối diện với chính mình trong bóng tối với nỗi cô đơn, chợt nhớ tới gia đình, anh thấy mình thật đáng trách.
“Lúc đi chơi thì chơi hết mình nên tôi chả nghĩ gì hết nhưng về nhà thì lại có cảm giác tội lỗi với vợ con, rất dằn vặt. Tôi nói thật là khi thử những cái đó vào tôi thấy mình không có gì vui mà càng buồn hơn. Tôi là người sống xa gia đình, phong lưu từ bé, cái gì cũng từng thử nghiệm nhưng rất may là không bị nghiện ngập bất cứ thứ gì.
Tuổi trẻ bao giờ cũng rất tò mò trải nghiệm và ai cũng có vấp ngã nhưng quan trọng mình phải biết đứng dậy. Muốn đi tiếp mình phải có gia đình- nguồn lực duy nhất. Có lẽ, âm nhạc và gia đình là thứ tôi nghiện nhất”- tác giả của “Lời xin lỗi của một dân chơi” trải lòng.
Trong khi các nhạc sĩ khác thường viết đề tài: tình yêu, tình bạn thì, “cha đẻ” của “Kiếp đỏ đen” lại đi ngã rẽ khác cho mình. Anh rất thích viết đề tài xã hội bởi anh muốn qua âm nhạc góp phần cảnh tỉnh những người lầm lạc, sa ngã quay về với gia đình, có lối sống trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.
Sở dĩ, các tác phẩm đề tài xã hội của Duy Mạnh lay động, lấy được nước mắt, thức tỉnh dân chơi, bởi ca từ rất thật, rất đời chứ không hô hào, dạy dỗ, sáo rỗng. Anh đã từng vào những chỗ hết sức “bình dân” như: trạm tù, trại cai nghiện, trại phục hồi nhân phẩm…để hát phục vụ mọi người. Khi nghe Duy Mạnh hát, lại hiểu quãng đời “dân chơi” của nhạc sĩ, nhiều người cải tạo đã ôm nhau khóc, tự hứa cải tạo tốt để mong sớm có ngày về đoàn tụ gia đình, làm lại cuộc đời.
Một “barie” ngăn mình lầm lạc
Tuy là tác giả của nhiều ca khúc đầy sự đau khổ, dằn vặt và chia ly, nhưng Duy Mạnh lại sở hữu một tình yêu đẹp cùng một gia đình hạnh phúc song hành với anh suốt hơn 10 năm qua. Trong mỗi câu chuyện, tâm sự của mình, Duy Mạnh luôn nhắc tới vợ như sự hàm ơn.
Nam ca sĩ kiêm nhạc sĩ tự hào về bà xã xinh đẹp: “Vợ tôi là cô gái tuyệt vời, tôi chỉ có thể nói được vậy thôi. Tính tôi ham chơi nhưng vợ chưa bao giờ rầy la hay trách móc. Cô ấy có bí quyết giúp tôi không bị quá đà trong mọi việc. Thế nên, chúng tôi mới có thể ở bên nhau hơn 10 năm qua”.
Vợ anh- Huyền Cầm là người phụ nữ sống theo cách truyền thống và khép kín nên không muốn mọi người biết mình là vợ của một ca sĩ nổi tiếng. “Vợ tôi thương con, thương chồng, cái gì cũng dành hết cho chồng. Lấy nhau từ lúc bàn tay trắng đến bây giờ, Huyền Cầm luôn sống giản dị, chắt chiu, vun đắp hạnh phúc gia đình. Cuộc sống bây giờ, có nhiều phụ nữ bị xã hội hiện đại hóa nhưng vợ tôi vẫn giữ được nét cổ điển”.
Duy Mạnh bộc bạch: “Có nhiều người phụ nữ cũng yêu chồng nhưng cách xử sự của họ là không cam chịu, không tế nhị đâm ra tan vỡ hạnh phúc gia đình. Tôi cảm thấy vợ tôi thực sự là người phụ nữ bản lĩnh, cho mọi thứ ở ngoài tai, về nhà nói với chồng chứ không bao giờ làm gì ầm ĩ”.
Đã có lúc, gia đình anh như con thuyền chao đảo bởi những cơn sóng sóng dữ khi dư luận đàm tếu. Nhưng với bản lĩnh, sự khéo léo của Huyền Cầm đã chèo lái con thuyền xuôi bến. Tính nhẫn nhịn, khéo léo của người phụ nữ ấy khiến nhạc sĩ “Kiếp đỏ đen” phải nể, phải sợ, phải nghĩ lại và tự tạo cho mình một “barie” ngăn mình khỏi ngập sâu trong những cuộc chơi bời, ngả ngốn. “Chính vì thế tôi hết mực yêu thương cô ấy”- Duy Mạnh thật lòng.
Giờ đây, đã bước sang tuổi tứ tuần, đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, từng bị trầm cảm vài năm, hơn ai hết Duy Mạnh hiểu giá trị của hạnh phúc gia đình. Còn gì hạnh phúc hơn khi bên cạnh anh có người vợ xinh đẹp, hiền hậu, cô con gái đang tuổi thiếu nữ duyên dáng và cậu con trai tinh nhanh.
Nhạc sĩ “Dĩ vãng cuộc tình” giờ là một người đàn ông điềm đạm, chừng mực. Đã lâu lắm rồi, anh lánh xa ánh hào quang giả tạo của showbiz. Với anh, nghệ thuật và showbiz là hai con đường khác nhau. Người làm nghệ thuật có vẻ đẹp, niềm đam mê, lòng tự trọng và sự cống hiến.
Còn showbiz dường như chỉ quan tâm đến bề nổi danh vọng. Có lẽ vì lý do đó, anh thường từ chối các lời mời tham gia vào gameshow, truyền hình thực tế. Anh bảo, những gameshow ấy không hợp với anh, anh đang muốn có khoảng lặng để sáng tác.
“Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình để đến ngày mình về già được nhìn thấy con cái thành đạt. Tôi hạnh phúc nhất là được lấy người mình yêu, được sống trong thế giới âm nhạc, được thăng hoa với cảm xúc, tâm hồn”.
Muốn cống hiến nghệ thuật, Duy Mạnh ấp ủ thực hiện một đêm nhạc với những ca khúc mình sáng tác. Ở đó, nhạc sĩ “Hãy về đây bên anh” sẽ đàn để các ca sĩ hát…. Anh ước ao mở lớp học nhạc, truyền kiến thức âm nhạc cho các em thiếu nhi nghèo. Duy Mạnh còn muốn đi tới nhiều nơi vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn để hòa mình và giúp đỡ mọi người. Anh đang dành dụm thời gian và vất chất để sớm thực hiện hóa ước mơ đó.
Nguồn Báo Pháp luật