Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của phụ nữ. Ít ai biết mẹ ruột NSƯT Hoài Linh đã trải qua quãng đời cơ cực như thế nào để nuôi anh khôn lớn thành tài.
Có một chi tiết thú vị là trong ngày cúng Tổ diễn ra ở đền thờ Tổ của Hoài Linh, thân mẫu của anh đã cầm mic góp vui văn nghệ hai bài liền trước đông đảo bà con, nghệ sĩ và truyền thông. Trước khi hát, bà tự hào cho biết Hoài Linh có rất nhiều mẹ, nhưng bà mới chính là mẹ ruột – người đã sinh ra NSƯT Hoài Linh mà ai cũng yêu mến. Lời tuyên bố khiến mọi người cười ồ lên nhưng đong đầy trong đó là niềm vui, lòng tự hào và tình yêu thương của bà dành cho Hoài Linh.
Chấp nhận đức tin của con
– Gia đình cô theo Công giáo, riêng Hoài Linh lại theo đạo Mẫu. Cô và con trai đã điều hòa sự khác biệt này như thế nào?
– Tôi xác nhận gia đình tôi là Công giáo dòng, theo từ thời bà tổ của Hoài Linh chứ không phải mới thời của tôi. Sau đó thì Hoài Linh làm nghệ sĩ và theo đạo khác nhưng tôi không phản đối. Mỗi con người có một niềm tin, nếu Hoài Linh xác thực đó là một niềm tin thì tôi sẵn sàng cho con theo. Gia đình không phản đối, cấm cản nhưng cũng không ủng hộ; chỉ để yên cho Hoài Linh làm. Nếu Hoài Linh thấy đó là chính đáng cho đời con thì cứ thực hiện.
– Và cả đến lúc anh ấy nói rằng mình muốn xây đền thờ Tổ nghiệp?
– Trước khi Hoài Linh xây dựng cũng xin phép bố mẹ, chứ không phải tự làm đâu. Cũng hỏi xem bố mẹ có đồng ý cho làm không. Gia đình không ai phản đối, bố mẹ cũng không phản đối, nên con cứ làm. Qua 16 năm mơ ước xây nên một nhà Tổ nghiệp. Tôi có nói với con là mẹ thì nghèo, không có vật chất gì hết nhưng mẹ ủng hộ con về tinh thần, con cứ làm theo mong muốn của con.
Dòng giống gia đình tôi không có ai là nghệ sĩ, và chỉ mới bắt đầu từ Hoài Linh thôi. Sau đến em nó là Dương Triệu Vũ, Phương Trang, Phương Trâm, Phương Trinh mới bắt đầu thế hệ của tụi nó. Còn tôi biết hát biết đàn nhưng không phải nghệ sĩ, cho nên tôi rất là đồng ý cho Hoài Linh làm. Ví dụ nó xây thì thỉnh thoảng tôi chạy xuống cho tiền mấy người thợ để họ vui vẻ mà làm.
– Vậy hiện tại khi nhà thờ Tổ đã khánh thành rồi, cô có cảm nghĩ gì?
– Về cảm nghĩ thì không phải tới ngày hôm nay tôi mới vui. Mà khi Hoài Linh gợi ý là con sẽ xây đền, chúng tôi đã luôn luôn đồng ý và hỗ trợ con. Cho đến ngày hôm nay hoàn thành như vậy là quá tưởng tượng của tôi. Bao nhiêu thăng trầm mới có ngày hôm nay.
Khi xây dựng Hoài Linh đã làm sai, vì cái này phải xin phép nhưng con cứ nghĩ là mình cứ làm. Nhưng mà sau này tôi nói con là mình làm sai, mình phải xin phép. Đất thổ cư thì mình được xây dựng, còn đất mà họ canh tác thì con không được xây dựng. Nếu muốn xây dựng mình phải xin phép, đó là nguyên tắc và luật của Nhà nước.
Nên tôi rất mừng khi thấy ngày hôm nay. Hôm qua con có phát biểu một câu mà tôi rất là vừa ý. Rằng Hoài Linh xây được cái đền thờ này không phải do Hoài Linh giàu mà xây nên, mà khán giả đã cho tiền để Hoài Linh xây. Đó là phát biểu làm tôi rất ấm lòng. Bởi đúng là bố mẹ đâu có cho tiền, anh em cũng không có tiền. Chính khán giả mua vé đi xem Hoài Linh diễn, ái mộ Hoài Linh thì nó mới có tiền làm.
Đáng lý ra tôi không có tiền, nếu ích kỷ tôi đã kêu con làm cho mẹ cái biệt thự, cái khách sạn để cho mẹ hưởng. Ai cũng nghĩ tôi sẽ cần những thứ này, mà ai lại không cần? Nhưng mà tôi cũng không đòi hỏi gì hết, vì thấy con mình làm chuyện chính đáng. Bởi theo niềm tin của con, nó nghĩ trong đời nghệ sĩ chỉ có Tổ nghiệp ủng hộ cho nó. Tại sao có biết bao nghệ sĩ mà khán giả thương Hoài Linh nhiều hơn? Thì Hoài Linh tin tưởng vào tổ nghiệp thì mới làm cái này.
Thuở cơ hàn: làm trăm nghề, ở chuồng heo
– Cô và gia đình đã vượt qua bao nhiêu thăng trầm để có được như hôm nay?
– Quãng đời của tôi rất khổ, khi mà dượng (cha của nghệ sĩ Hoài Linh – PV) đi cải tạo. Ngày xưa ông đi cải tạo vì từng là một sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hoà, đi hết 6, 7 năm. Tôi ở nhà một mình nuôi 5 đứa con với hai mẹ già, là mẹ ông và mẹ tôi. Không có nhà ở. Tại hồi xưa ở Cam Ranh, tới năm 1975 mới chạy vào ở Dầu Giây. Tôi cơ cực đến nỗi phải ở chuồng heo mà người ta mới xây xong (nhưng chưa nuôi heo), tôi bèn lợp lên để ở.
Trong khoảng thời gian đó tôi tham gia công tác ở địa phương. Nhà nước họ cũng không phân biệt tôi là vợ sĩ quan gì. Họ rất cần tôi vì tôi xông xáo, lăn xả vào công tác địa phương, công tác xã hội. Tôi làm hội phó Hội phụ huynh học sinh, hội phó Hội phụ nữ. Mà tôi rất nhiệt tình, nếu bạn muốn biết có thể đến địa phương đó để hỏi về tôi.
Họ rất thương mến tôi, còn cho tôi xách xe Honda ra đi làm. Tôi có nghề hộ sinh, y tá. Thời bao cấp đó nếu mà họ không thương thì ai cho tôi đi chích thuốc, đỡ đẻ. Tôi phải đi khắp trong hang đầm ngõ hẻm ở trong kinh tế mới để đỡ đẻ cho người ta. Lúc ấy Hoài Linh 6 tuổi, đứa lớn nhất cũng vừa 9 tuổi. Phương Trang thì chỉ mới 6 tháng. Dương Triệu Vũ đến lúc bố nó đi cải tạo về, đến năm 1984 tôi mới sinh. Đó là quãng đời cơ cực của tôi mà không ai thấy.
Tôi buồn, tôi khổ nhưng con tôi cũng không thấy. Vì lúc nào tôi cũng hát. Đi buôn, đi bán, làm ruộng hay ở nhà chăm con gì tôi cũng hát, không để cho chồng con biết. Trong xã cần hợp đồng đánh máy là tôi đánh máy, cần chích thuốc, đỡ đẻ, đi cấy đi cày gì tôi làm hết. Đi buôn thì phải bốc lên, bốc xuống, có bữa đi về còn có chiếc dép. Chồng tôi có một trăm cái cực, tôi ôm của ông hết. Vậy mà lúc nào về tôi cũng vui cười.
Tôi vẫn làm ăn bình thường. Cho đến khi ông đi cải tạo về thì tôi đã có nhà, có ruộng. Con cái tôi cho vào trường hết, đứa nào vào lớp đó. Cấp nào tôi cũng làm hội phó Hội phụ huynh, đến cấp 3 luôn. Ai cũng thương mến, tin tưởng tôi.
Các con tôi bị người ta gọi là con không cha. Tôi nói với con là sống phải lễ phép, đường hoàng và lo học. Các con có cha nhưng cha đi tù chứ không phải không có. Cha con đi tù không phải vì ăn cướp, ăn trộm gì hết. Các con tôi lớn lên học rất giỏi, hiếu thảo và dễ dạy, lễ phép với mọi người, biết vâng lời bố mẹ. Chúng nó rất yêu thương nhau.
Tôi với bố chúng nó 50 năm rồi chưa một lần gây lộn, chưa từng nói hỗn, giận hờn nhau. Vì tôi nghĩ đó là nền tảng gia đình, cũng là gương tốt cho con. Nền tảng gia đình rất quan trọng. Những chuyện như đánh lộn, giành của giành tiền, kể cả hồi nhỏ giành đồ chơi thì con tôi cũng không có. Chúng nó rất yêu thương, nhường nhịn nhau. Hoài Linh có tiền là lo cho bố mẹ, giúp các anh em nuôi con cái.
Quỳ khóc khi thấy tâm nguyện của con đã thành
– Vậy đến bây giờ đã ‘khổ tận cam lai’ chưa, thưa cô?
– Rồi bạn ạ! Từ khi tôi qua định cư ở Mỹ, tôi làm thêm 12 năm nữa rồi mới về hưu ấy chứ. Tôi xác nhận với bạn là qua Mỹ vợ chồng tôi đi rửa chén thuê. Sau thấy họ thấy làm tốt nên cho chúng tôi làm leader.
– Liệu còn điểm gì cô chưa hài lòng về Hoài Linh không?
– Không, tôi rất hài lòng về Hoài Linh. Cả 6 đứa con tôi đều hài lòng. Nhất là Hoài Linh bởi vì nó sống cho xã hội, cho nhân quần, sống cho gia đình, cho các em. Tất cả mọi thứ nó đều hy sinh cho gia đình. Em nó bao giờ cũng kính trọng người anh này. Mà tôi cũng vậy, có một đứa con đầu đàn (Hoài Linh là trưởng nam – PV) gương mẫu như vậy. Không chỉ em nó, mà tất cả em bà con chú bác xa đều thương Hoài Linh vì tấm lòng của nó.
Bạn có nghe câu chuyện lúc Hoài Linh đi diễn ở Đà Nẵng vừa rồi không? Lúc nó ở trên sân khấu, một bà mẹ có hai người con bị chất độc da cam gửi cho nó một lá thư. Tôi mở mạng đọc thấy như vậy, thường người ta nghĩ tôi sẽ giận khi thấy con mình ôm một người lở lói hay bị tật, nhưng không, tôi rất vui mừng. Bởi vì tôi trước giờ vẫn làm như vậy và bây giờ con tôi cũng làm được điều đó, khiến tôi rất thích. Và tôi khóc…
– Lúc gặp khó khăn trong quá trình xây đền, gia đình cô và Hoài Linh đã trải qua như thế nào?
– Bữa rồi ngày đầu tiên làm lễ khánh thành, tôi quỳ lạy mà bật khóc sung sướng cho con mình. Có những lúc tôi còn sợ bị phá nữa. Bạn biết không, làm được bao nhiêu tháng thì bị cấm. Thiên hạ người ta nói này nói nọ làm Hoài Linh ốm đau ghê lắm. Nó không tỏ ra suy sụp nhưng tôi cảm nhận rằng nó có suy sụp. Tôi hỏi con có buồn không. Nó nói kệ, mọi sự đều do Thượng đế, Tổ nghiệp cho mới có như vậy.
Nhưng cũng có những may mắn xảy ra. Qua cơn suy sụp đó thì tự nhiên nó thấy chính quyền địa phương giúp đỡ, rồi người ta lo cho nó giấy tờ… đến khi cho xây dựng lại. Gần hai tháng sau, nó đi diễn xong về thì phải mổ cổ, phải bắn tia laser để cắt amidan. Cắt xong rồi nó bảo mẹ ơi con nghỉ hai tuần. Thì đúng hai tuần đó nó xuống đây (đền thờ Tổ) để làm. Bạn bè nó cũng xuống đây phụ giúp.
Tôi kết luận với bạn, Hoài Linh có được ngày hôm nay là nhờ tình yêu thương. Mọi người ai cũng thương nó hết. Gia đình, xã hội, anh em trong nghệ thuật, những người cùng cảnh ngộ… ai cũng thương Hoài Linh, để công việc Hoài Linh thành công như ngày hôm nay. Tôi thành thực cảm ơn mọi người.