“Anh ấy đã hy sinh cả tuổi trẻ để tôi có được ngày hôm nay, tôi nợ anh Linh chữ nghĩa lớn lao lẫn chữ tình đầy dằn vặt”, Dương Triệu Vũ nói.
Ở clip trước của Đối Mặt, câu chuyện Linh – Hưng – Vũ còn nhiều điều bỏ ngỏ. Tuy nhiên, nói về món nợ ân tình với người anh trai, Vũ cắt nghĩa “nợ cả ân lẫn tình”, chúng ta có thể hiểu sâu hơn về câu chuyện và tôn trọng những điều riêng tư thầm kín trong lòng họ.
Bởi ở đời, ai cũng cần một mối tình để sống.
Riêng với Hoài Linh, trong lòng Dương Triệu Vũ, còn quá nhiều điều lớn lao để nói. Vũ nhớ về anh mình với các khoảnh khắc là chủ yếu.
Đó là khoảnh khắc Hoài Linh đội từng rổ trái cây đi bán dạo ở ga tàu khi còn ở Việt Nam, để có tiền nuôi nấng những đứa em thơ.
Và khoảnh khắc khi ở Mỹ, trong khi Vũ ngây thơ cười đùa, thì Hoài Linh nói với một người chị trong nhà: “Đời mình xem như là xong. Giờ làm trâu làm ngựa cũng được, để lo cho mấy đứa nhỏ” (tức là Vũ và một người chị khác).
Cùng một khoảnh khắc khác, mà Vũ muốn đào sâu chôn chặt. Câu nói khi ở Mỹ đã theo Vũ suốt gần 30 năm qua và mỗi lần nhắc lại là một lần Vũ chảy nước mắt.
Một quãng đời đặc biệt của gia đình Vũ được nhớ lại. Để tồn tại, bố mẹ Vũ phải xin giấy chứng nhận… tâm thần để được hưởng trợ cấp. Họ đi rửa bát thuê. Hoài Linh và một người chị khác ra chợ nhặt rau hàng ngày để kiếm sống.
Và họ đã vượt qua những tháng ngày đó như thế nào? Hoài Linh có phải là cứu cánh duy nhất giúp gia đình này vượt qua những cơn bĩ cực nơi đất khách quê người và để Dương Triệu Vũ có ngày hôm nay?
Bố mẹ phải xin bác sĩ giấy chứng nhận tâm thần
Bao nhiêu năm về Việt Nam, nhưng đến giờ nói Vũ là em trai của Hoài Linh vẫn ít ai tin?
Đến bây giờ nhiều khán giả gặp Vũ vẫn hỏi Vũ có phải là em ruột của anh Hoài Linh hay không. Câu hỏi này, Vũ đã nghe đi nghe lại cả trăm lần nên giờ thành thói quen, chỉ biết cười trừ. Sẵn đây, cho Vũ trả lời luôn, anh Hoài Linh chính là anh ruột của Vũ cùng cha cùng mẹ.
Dương Triệu Vũ là nghệ danh, tên thật của Vũ là Võ Nguyễn Tuấn Linh. Gia đình Vũ có 3 anh em trai, ai cũng tên Linh hết: Võ Nguyễn Hoài Linh, Võ Nguyễn Duy Linh và Võ Nguyễn Tuấn Linh là Vũ, em út trong gia đình.
Những người gặp anh Linh và Vũ nhiều lần rồi sẽ thấy, Vũ với anh Linh lúc cười, tướng đi và nhìn từ sau lưng thì sẽ nhận ra ngay là máu mủ ruột thịt. Còn những người nào nhìn thoáng qua thì sẽ nghĩ sao anh này đẹp trai còn anh kia xấu.
Một trong hai người anh mà Vũ vừa kể: Võ Nguyễn Duy Linh không theo nghệ thuật thì phải?
Anh Duy Linh đang làm cho một công ty chuyên làm kính áp tròng. Anh Duy Linh có 4 đứa con. 3 đứa con trai đều đạt giải Quán quân karate thế giới nên Vũ rất hãnh diện về người anh này.
Dù lớn lên ở nước ngoài nhưng con của anh Duy Linh rất biết trước biết sau, rất lễ phép. Mỗi lần gặp là chào chú Bảy. Có lần Vũ và anh Hoài Linh cho các cháu về Việt Nam chơi thì các cháu rất thích các món ăn lề đường và không khí Việt Nam.
Sau mùa hè đó, đứa nào cũng bắt đầu yêu nhạc Việt Nam hơn, nói tiếng Việt Nam giỏi hơn. Vũ nghĩ là phải cho các cháu về thường xuyên hơn để các cháu hiểu văn hoá của người Việt nhiều hơn.
Tại sao các cháu phải về Việt Nam thì mới yêu Việt Nam hơn trong khi “ông chú” hát nhạc Việt Nam bao năm ở bên Mỹ?
Gia đình Vũ rất yêu âm nhạc nhưng không cuồng hoá con cái mình. Bố mẹ Vũ có hai đứa con cũng được coi là khá nổi tiếng nhưng lại rất ít khi đi xem show của Vũ và anh Hoài Linh. Vũ cũng không hiểu tại sao. Nhưng khi nói về con của mình thì bố mẹ rất hãnh diện.
Mẹ Vũ đàn violin rất hay nên không thể nói không yêu âm nhạc, nhưng nhiều lúc con cái mời đi xem show cũng không đi.
Gia đình qua Mỹ năm Vũ bao nhiêu tuổi?Vũ có nhớ khoảnh khắc lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ?
Gia đình qua Mỹ năm 1993, lúc đó Vũ vừa bước sang tuổi thứ 9. Cả gia đình đi hết chỉ có chị 2 ở Việt Nam vì chị có gia đình và con nhỏ.
Lúc gia đình đặt chân đến Mỹ là đúng mùa Noel. Vũ nhớ rất rõ vì lúc đó khắp nơi treo hình mừng Noel. Hình ảnh đó nó còn đọng mãi trong đầu Vũ tới bây giờ.
Vừa xuống sân bay, ra ngoài là thấy cây Noel rất lớn. Cả gia đình còn chụp ảnh với cây thông Noel đó, giờ Vũ vẫn còn giữ tấm hình đó. Vũ phóng to và treo trong nhà.
Đó là bước ngoặt thay đổi cả gia đình Vũ. Vì khi ở Việt Nam mọi thứ rất khó khăn cả về tài chính và cuộc sống nhưng đến Mỹ đã cho gia đình Vũ một cơ hội mới, học hỏi được nhiều thứ khác. Đến giờ Vũ có thể an tâm về khả năng đối chọi và cách sống của mình.
Nhưng chẳng phải thời điểm gia đình Vũ mới qua Mỹ cũng rất khó khăn, bơ vơ lạc lõng đó sao. Không biết Vũ có nhớ hình ảnh đó?
Bố mẹ Vũ không cần biết gia đình giàu hay nghèo nhưng họ là những người có tự trọng, yêu công việc. Bố mẹ nghĩ rằng đi làm để con cái có cuộc sống tốt đẹp hơn nên việc gì cũng làm.
Mẹ có lần kể là lúc mới qua Mỹ, tiếng Anh không biết cũng không có kinh nghiệm làm ở bất cứ công việc hay lĩnh vực nào.
Những công việc ở Việt Nam đã từng làm thì không xin vào được đâu nên bố mẹ phải tới gặp bác sĩ tâm lý xin làm cái đơn mình bị tâm thần, dù bố mẹ đều là người bình thường.
Thậm chí ở Việt Nam mẹ Vũ là bác sĩ, có bệnh viện hộ sinh riêng. Còn bố là một cuốn từ điển bách khoa di động, bất cứ điều gì cũng biết.
Đó là một cách để những người Việt Nam mới qua Mỹ định cư tìm được một công việc tạm thời xây dựng kinh nghiệm rồi chờ kiếm việc khác. Bên Mỹ họ rất ưu đãi những người có bệnh tật về tâm lý.
Khi thấy bố mẹ làm vậy, Vũ nhận ra cuộc sống này không quan trọng là mình làm công việc gì mà quan trọng là có sự tự trọng và biết mục tiêu của việc làm đó. Mục tiêu của bố mẹ là để gia đình có thể đứng vững ở nơi xứ lạ như thế, để có công việc ổn định, có thu nhập nuôi các con của mình.
Bố mẹ đi rửa chén, anh Hoài Linh lặt rau mướn ở chợ
Gia đình Vũ phải đi rửa chén trong bao nhiêu năm?
2, 3 năm gì đó. Nhưng công việc rửa chén, khuân vác hay bất cứ công việc gì đối với Vũ rất đáng quý trọng. Vũ chưa bao giờ xem thường một người làm công việc chân tay. Đó là lý do khi về Việt Nam gặp mấy cô làm lao công trong khu nhà Vũ sống, Vũ vẫn chào một cách kính trọng.
Cho dù cô ấy có làm một công việc gì đi nữa thì cô ấy cũng lớn tuổi hơn mình, cũng nuôi gia đình. Mỗi người một số phận riêng và chúng ta bắt buộc phải chấp nhận số phận nhưng không có nghĩa là mất đi chính mình.
Thời điểm đó anh Hoài Linh cũng đi rửa chén phải không?
Anh Hoài Linh không đi rửa chén mà đi lặt rau. Bố mẹ có một người bạn mà khi ở Việt Nam, mẹ đỡ đẻ cả 5 người con cho bác nên họ rất thân nhau.
Bác bán hàng trong khu chợ dành cho người Á Đông nên cho mấy anh chị của Vũ vô chợ giúp lặt rau, đánh giá hàng… Không chỉ riêng anh chị em Vũ mà ngay cả con bác, chủ tiệm cũng làm công việc đó.
Anh Hoài Linh làm 1, 2 tháng thì có đoàn ca nhạc từ Cali qua biểu diễn, trong đó có chị Trizzie Phương Trinh và nhiều người khác nữa. Những người này thấy tài năng của anh Linh. Họ thuyết phục anh qua Cali để phát triển theo nghề.
Vũ từng nói một chuyện rất cảm động. Trong một lần lặt rau trên đất Mỹ, anh Linh nói với các anh chị em “rồi chúng ta sẽ sống như thế nào, chúng ta làm gì để sống đây”. Câu chuyện đó thực ra là như thế nào?
Vũ không muốn nhắc tới vì mỗi lần nhắc tới Vũ đều rất xúc động. Vì người anh này đã hi sinh quá nhiều cho Vũ và gia đình. Vũ có hai anh chị lớn, chị Ba và anh Tư là Hoài Linh thì hai người đó khi qua Mỹ đều đã quá tuổi để hoà nhập được như Vũ.
Hai anh chị ngồi nói với nhau rằng: “Thôi, mày với tao coi như xong rồi. Bây giờ mình có di cày cũng được, cố gắng làm cho con Trang với thằng Linh có một cuộc sống tốt hơn”.
Câu nói đó làm cho Vũ phải cố gắng nhiều hơn.
Sau 2 tháng lặt rau ngoài chợ, anh Linh có cơ hội đến với nghệ thuật lần nữa. Và cơ duyên đó đã mang tới những gì thì công chúng đều nhìn nhận thấy. Nhưng việc anh Linh theo nghệ thuật có chứng minh cho điều anh nói là đi cày cũng được miễn là lo được cho các em?
Đến tận bây giờ, bố mẹ Vũ đã về Việt Nam và ở nhà anh Linh. Ngoài việc lo cho mấy đứa em và lo cho rất nhiều người khác nữa thì Vũ rất may mắn có được người anh gương mẫu và tuyệt vời như vậy.
Anh Linh không hoàn hảo, rất xa sự hoàn hảo nhưng anh Linh là người có tình người và lòng yêu thương những người khác. Đó là điều Vũ học được cũng như là sự tôn trọng dành cho khán giả và những người xung quanh mình.
Lẽ ra một người trẻ như Vũ phải hiếu thắng, phải kiêu căng nhưng vì có người anh người chị, người bố người mẹ của Vũ khiến Vũ không có tính đó.
Cám ơn Vũ đã chia sẻ!
Theo Trí Thức Trẻ