Hèn gì, mỗi khi ăn món khổ qua nhồi thịt của dì tôi luôn cảm nhận được vị ngòn ngọt, chứ không đắng ngắt ở cổ họng như trước giờ tôi từng làm.
Tôi về quê dự đám giỗ dượng Hai. Chiều hôm cáo giỗ, dì Hai đưa tôi cái rổ biểu ra vườn hái mấy trái khổ qua rừng để làm cái món khổ qua nhồi thịt mà ngày xưa dượng thích ăn. Tôi mon men theo con mương dài, ra sau liếp. Giàn khổ qua rừng mơn mởn, trái nào trái nấy xanh mướt, treo lủng lẳng trên cành. Tôi hái lấy hái để, một lát sau có ngay cả rổ.
Khổ qua tươi ngon đã được tôi rửa sạch, để ráo. Dì Hai kêu tôi xẻ một đường dọc theo trái khổ qua và moi ruột. Dì căn dặn: “Móc khéo khéo nghen con, kẻo phạm dao là trái khổ qua tét ra khi hầm không đẹp mắt”. Công nhận, cái vụ này coi dễ chứ thiệt ra không dễ tí nào bởi chỉ cần sơ suất một chút là dao sẽ phạm vào phần thịt bên dưới của trái khổ qua mà khi nhồi thịt vào khổ qua sẽ bị bung ra, trông rất xấu. Tôi loay hoay một hồi cuối cùng cũng “xử lý” xong rổ khổ qua. Dì Hai bắc nồi nước thật sôi, đem khổ qua ra chần sơ, rồi ngâm vào nước đá lạnh. Tôi thắc mắc sao phải làm vậy thì dì Hai cốc lên đầu tôi mấy cái nói: “Vậy mà cũng bày đặt có chồng, có con. Muốn khổ qua giữ được màu xanh bắt mắt, bớt đi vị đắng con phải trụng sơ qua nước sôi, rồi chần qua nước lạnh”.
Trong khi tôi vớt từng trái khổ qua đã chần qua nước lạnh để ra rổ cho ráo cũng là lúc dì Hai bưng tô thịt bằm quết cùng giò sống, nêm đầy đủ gia vị như hành, tiêu, nước mắm, bột nêm, đường… trong tủ lạnh ra đưa cho tôi. Dì cho biết phải để thịt vào tủ lạnh thì thịt mới dai, hầm lên nhân sẽ ngon. Tôi hì hục nhồi thịt vào khổ qua. Thấy tôi gắng sức, đè từng trái khổ qua cho thịt vào, dì Hai bảo: “Nhồi vừa thôi con, còn chừa chỗ cho thịt nở, nhồi nhiều quá khi hầm trái khổ qua bị vỡ ra, không đẹp”. Xong công đoạn nhồi thịt, tôi đem khổ qua đi hầm.
Trong lúc chờ nước sôi để thả mấy trái khổ qua vào, dì Hai cho vào nồi nước một ít bột ngọt. Tôi hỏi vì sao phải cho bột ngọt vào nồi trước khổ qua thì dì Hai giải thích: “Làm như vậy sẽ bớt đi vị đắng của khổ qua”. Nghe dì nói, tôi càng bất ngờ hơn vì cứ nghĩ cái món khổ qua nhồi thịt thật đơn giản nhưng hóa ra lại rất cầu kỳ trong cách chế biến. Sau khi thả khổ qua vào nồi, dì Hai bảo tôi canh lửa sao cho nồi nước sôi từ từ, chịu khó hớt bọt để nồi khổ qua thật trong, hầm đến khi khổ qua chín mềm thì tắt bếp. Khi ăn, dì cũng không quên rắc thêm hành, ngò và một chút tiêu.
Hèn gì, mỗi khi ăn món khổ qua nhồi thịt của dì tôi luôn cảm nhận được vị ngòn ngọt, chứ không đắng ngắt ở cổ họng như trước giờ tôi từng làm. Tôi cười thầm vì đã học được cái bí quyết hầm khổ qua của dì.
Một tuần sau, tôi đem bí quyết làm món khổ qua nhồi thịt mà dì Hai chỉ làm đãi cả gia đình. Lúc đầu, mấy đứa nhóc một mực không ăn vì sợ đắng. Tôi liền động viên: “Cứ thử đi, đắng má đền”. Nghe vậy, thằng nhóc nhỏ lấy cái muỗng, múc miếng nước nhấp thử. Nó khà một tiếng rõ to và nói với thằng anh: “Ngon lắm anh Hai, không đắng đâu!”. Vậy là lần đầu tiên, 2 đứa nhóc giành nhau lấy phần khổ qua thay vì trước đó chúng chỉ móc phần nhân ra ăn. Thấy các con ăn ngon lành, tôi nói đùa với ông xã: “Chắc em phải về quê, sang nhà dì Hai học làm bếp dài dài quá”.
Nguồn phunu.nld.com.vn