Bên cạnh mâm cỗ chay cúng Phật, vào ngày rằm tháng Giêng, mỗi gia đình Việt thường làm một mâm cỗ mặn thịnh soạn với đủ 10 món truyền thống sau.
Theo quan niệm của nhiều người, rằm tháng Giêng là ngày rằm đầu tiên của năm mới và cũng là ngày rằm quan trọng nhất trong năm. Trong ngày này, gia đình Việt đều chuẩn bị mâm cỗ cúng thịnh soạn tại nhà với 2 mâm cỗ: mâm cỗ chay và mâm cỗ mặn.
Nếu như trong mâm cúng chay cần các món chay thanh đạm thì mâm cỗ mặn cúng gia tiên, mọi nhà cần phải chuẩn bị cầu kỳ hơn. Thông thường, mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng dâng lên gia tiên khá thịnh soạn và gồm những món ăn sau.
Một đĩa thịt gà
Trong mâm cỗ mặn ngày rằm tháng Giêng không thể thiếu được đĩa thịt gà ta tươi ngon nhất. Để có đĩa thịt gà ngon, bạn nên chọn những con gà ta, gà đồi thịt sẽ rắn chắc và ăn thơm ngon hơn. Ngoài sử dụng phần thịt gà, bạn có thể tận dụng nước luộc gà để nấu miến hoặc nấu canh.
Một đĩa giò hoặc chả
Nếu không tiện làm giò thủ cổ truyền, các gia đình thường cúng giò lụa hoặc một miếng chả thơm ngon nhất. Bởi theo họ, đây là mâm cỗ cúng tổ tiên ngày rằm nên phải thành kính dâng những món ngon, thuần Việt lên tổ tiên của mình.
Một đĩa nem thính
Trong ngày cúng gia tiên rằm đầu tiên của năm, nhiều gia đình Việt còn cầu kỳ làm món nem thính tại nhà. Hoặc có nhiều gia đình làm nem chua cho lạ miệng.
Nguyên liệu để làm nem thính chỉ cần chọn thịt lợn nạc mông, bì lợn, thính gạo và tỏi, ớt cùng các gia vị khác như muối, đường, hạt tiêu, nước mắm. Sau đó nem thính được gói bằng lá chuối xanh và ăn kèm cùng lá sung, lá đinh lăng.
Hiện việc làm món nem thính khá lích kích và mất nhiều thời gian nên các gia đình có thể thay bằng một đĩa xào hoặc đĩa dưa muối.
Một đĩa xôi gấc
Ngoài những món ăn trên, mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng không thể thiếu được đĩa xôi gấc. Thực tế, xôi gấc rất dễ nấu. Chỉ cần nguyên liệu là gấc chín và gạo nếp, đường là đủ. Sau khi nấu xôi, bạn có thể trang trí hình tròn, vuông, trái tim đều được.
Nhiều gia đình còn coi xôi gấc là món ăn ngon, đẹp mắt để cúng gia tiên vừa quan niệm ăn xôi gấc những ngày đầu năm để cả năm may mắn, tài lộc dồi dào.
Một đĩa bánh chưng
Ngoài đĩa xôi gấc màu đỏ đẹp mắt, cũng như mâm cỗ ngày Tết, mâm cúng rằm tháng Giêng không thể thiếu một đĩa bánh chưng dâng cúng tổ tiên. Bởi đây là món ăn truyền thống trong mâm cỗ người Việt.
Đặc biệt, bánh chưng xanh hình vuông còn tượng trưng cho đất. Và vào những ngày rằm quan trọng như thế này, gia đình nào cũng có tục cúng bánh chưng dâng lên tổ tiên, trời đất.
Một bát canh măng
Với hầu hết các gia đình, bát canh măng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Và trong ngày rằm tháng Giêng, món canh này vẫn phải được duy trì.
Nguyên liệu nấu canh măng chỉ cần sử dụng măng khô lưỡi lợn. Sau đó, ngâm măng thật kỹ với nước để măng nở và sử dụng măng khô đã ngâm này để ninh với móng giò hoặc sườn. Bên cạnh đó, bát canh măng không thể thiếu hành lá, mùi tàu và một ít rau mùi, miến.
Một bát canh bóng
Một bát canh bóng thập cẩm thơm ngát mùi thịt và rau củ quả cũng không thể thiếu được trong mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng.
Để nấu canh bóng, bạn chỉ cần chuẩn bị bóng bì, thịt nạc, xương lợn, chút thịt gà thái mỏng. Ngoài ra, không thể thiếu tôm nõn khô, súp lơ xanh, su hào và đậu hà lan, cà rốt. Nên chú ý nêm mì chính, hạt tiêu, muối, nước mắm, rau mùi vừa phải để canh bóng thanh đạm nhất.
Bát canh miến lòng mề gà đậm đà
Ngày rằm tháng Giêng, trong mâm cỗ mặn cũng không thể thiếu bát canh miến nấu từ nước luộc gà kết hợp cho thêm phần lòng mề gà để dâng cúng tổ tiên.
Canh miến được nhiều gia đình chuộng sử dụng vì dễ ăn. Chưa kể, món này ăn vừa dai của miến, vừa giòn của lòng mề gà, nước ngọt tự nhiên, thơm lừng.
Bát canh mọc nấm hương
Ngoài 3 món canh trên, mâm cỗ ngày rằm tháng Giêng, các gia đình cũng không quên chuẩn bị thêm bát canh mọc nấm hương nóng hổi. Canh mọc khá dễ làm và là một món canh tuyệt vời của người Hà Nội.
Để trổ tài nấu canh mọc, bạn chỉ cần nguyên liệu chủ yếu là nấm hương, giò sống, chút su hào, cà rốt và nước xương gà là đủ. Ngoài ra thêm chút gia vị gừng tươi, muối, hạt tiêu, rau mùi, hành lá.
Một bát nước chấm
Trong mâm cỗ có 9 món trên không thể thiếu bát nước chấm muối ớt ở giữa mâm. Đây là bát nước chấm để đem lại sự tròn vị cho các món ăn trong mâm cỗ.
Tuỳ theo mỗi gia đình mà có thể chuẩn bị những bát nước chấm khác nhau trong mâm cỗ. Chẳng hạn như, có thể dùng từ các loại mắm, tương nguyên chất; cũng có thể chưng lên hoặc pha chế, kết hợp với ớt, gừng, tỏi, đường, chanh… Ngoài ra, có thể dùng các nguyên liệu pha chế theo tỉ lệ khác nhau cũng tạo ra những loại nước chấm riêng biệt. Nhưng phổ thông nhất vẫn là nước chấm muối tiêu, chanh ớt.
Nguồn: Emdep