Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Tây rồi chuẩn bị Tết âm, đây là cái Tết thứ 6 của tôi từ khi cưới chồng. Đã 6 năm nay không năm nào tôi được đón giao thừa ở nhà. Năm nào cũng ở nhà nội đến tận mùng 2 mới được về nhà mình, về nhà ăn được với mẹ mấy bữa cơm, mùng 4 lại lót ta lót tót chạy lên thành phố để đi làm.
Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy mình là người may mắn, ít nhất thì năm nào chồng tôi cũng đèo hai mẹ con về thăm ngoại, chứ tôi thấy nhiều chị em than cưới chồng 3-4 năm nay mà chưa năm nào được về thăm mẹ. Nghe mà chua xót quá. Tôi cứ nghĩ cái cảnh đó đã hết cách đây chục năm rồi chứ, vậy mà đến giờ vẫn còn những gia đình gả con gái xong là mất con luôn như vậy sao? Ngẫm mà thương nhưng cũng giận lắm.
Tôi không hiểu sao mà phụ nữ thời nay cũng đi làm như chồng, kiếm tiền như chồng nhưng lại không dám đấu tranh để ngang hàng với chồng. Tại sao cứ giữ cái suy nghĩ nhà nội là nhất, nhà ngoại là phụ, rồi lại ngồi khóc thầm.
Tôi nghĩ may mắn chỉ là một phần, phần nhiều là do bản thân mình phải đấu tranh. Tôi quen 3 người trước khi cưới chồng. Với người nào tôi quen tôi cũng nói rõ những điều kiện của tôi: tôi không nấu đám, không làm dâu, được về ngoại ngày Tết… Nói chung là còn 1 lô 1 lốc điều kiện nữa cơ, chả phải tôi kiêu gì mà tôi thấy phụ nữ phải được bình đẳng với đàn ông. Ngay từ đầu cứ thỏa thuận cho chắc, ai thấy khó thì rút lui, sau này bớt đau khổ. Và tôi nghĩ mình đã làm đúng.
Bạn mình, cái Tết đầu tiên sau khi lấy chồng, mùng 1 Tết, nó nhắn tin cho mình nói: “Tao đang khóc.”
Bạn mình, không phải là loại con gái mau nước mắt. Cuộc sống thường ngày, có thể xem là người mạnh mẽ. Trước mọi chuyện, nó luôn tỉnh táo và có cách giải quyết rõ ràng, cụ thể. Không cảm tính giống như mình.
Thế mà, tết năm đó, mùng 1 Tết nó ngồi trong bếp khóc rưng rức. Vì quá mệt.
Năm đầu tiên đóng vai trò làm nàng dâu ngày Tết, gia đình chồng người Bắc. Mọi phong tục đón tết đều phải giữ đúng nguyên tắc thế này: Đàn bà con gái ở trong bếp nấu nướng sửa soạn, cơm bưng nước rót. Đàn ông ở ngoài đánh bài, ăn uống, nhậu rượu bia. Hết gì thì gọi một tiếng, phụ nữ trong nhà phải mang ra tận nơi như thế.
Tết đâu chỉ có 1, 2 người. Vì bố chồng là trưởng họ hay gì đó, mà họ hàng đằng nội đều đến nhà ăn tết. Thực ra, việc vào bếp luôn là hạnh phúc của người phụ nữ. Được tự tay chế biến những món ăn ngon cho người mình yêu thương và ngắm nhìn họ vui vẻ với thành quả của mình, là một cảm giác rất khó tả.
Nhưng, khi mọi thứ trở nên… quá tải, thì không thể không cảm thấy có chút gì đó mệt mỏi.
Ăn uống đâu phải có mỗi ngày mùng 1, Tết nên ăn uống từ 28,29,30… Lại phải chuẩn bị cho rất nhiều người…. Làm dâu năm đầu, chưa quen…Đến mùng 1 thì nó chịu hết nổi, chui vào một góc khóc rưng rức… Vì xin ngày mùng 2 về nhà mẹ đẻ, nhưng nhà chồng không cho, bảo khách khứa nhiều thế này, trốn việc đi đâu?
Tôi đọc được câu chuyện này trên Facebook của Gào và cảm thấy đắng lòng quá. Tôi biết, còn rất nhiều người phụ nữ khổ như vậy. Chỉ vì yêu và cưới chồng xa mà đến ngày Tết cũng chẳng được gặp cha mẹ.
Khổ sở vất vả như vậy, thế nhưng lại chẳng được chồng và nhà chồng thông cảm. Họ mặc nhiên xem chuyện đó là bình thường, họ vui vẻ hạnh phúc trên sự khổ sở của vợ mà không cảm thấy chút áy náy nào. Có những cô gái, từ nhỏ đến lớn được cha mẹ nâng niu như hòn ngọc trên tay, lúc yêu cũng được cưng chìu như trứng. Rồi chỉ 1 cái Tết, mọi thứ dường như vỡ òa, người đàn ông họ yêu trở nên xa lạ. Nhiều mẹ chia sẻ: “Không sợ khổ, không sợ cực chỉ sợ sự vô tâm của chồng”. Đúng vậy, nhiều mẹ cho biết, chỉ cần chồng quan tâm, hỏi han, cùng nhau làm việc thì khổ sở nào cũng vượt qua được, đáng tiếc không phải mẹ nào cũng may mắn có được người chồng tâm lý.
Bạn Thủy Nguyễn tâm sự: Tết năm ngoái là 1 cái tết không bao giờ quên được với 1 người lần đầu tiên làm dâu như mình. Chồng mình, 1 người mình cứ ngỡ là sẽ là người bảo vệ che chở an ủi mình dù có chuyện gì xảy ra nhưng sự thực lại ko phải vậy, bỏ mình đó với 1 đống lo lắng buồn tủi, mệt mỏi và chán nản vì phải đón 1 cái tết lần đầu tiên xa bố mẹ ruột, với biết bao nhiêu cái đầu tiên, tàn nhẫn làm đau lòng mình. Suốt đời này mình sẽ không bao giờ quên cái thái độ đó. Cũng sắp đến một cái tết nữa rồi. Không biết những cảm xúc cô đơn buồn tủi có phải trải qua nữa không.
Chị Kim Trúc cũng chia sẻ: Tết đầu tiên với gia đình chồng ngày nào cũng ngồi khóc, nghĩ lại lúc còn ở với ba mẹ thì lười việc nhà mà bây giờ lấy chồng phải rửa chén ở nhà chồng suốt Tết. Tối giao thừa lại càng tủi thân hơn nữa, cả cái Tết mặt mũi ủ dột không vui nổi.
Lynk Yum… comment: Mình cũng là người Bắc mà cũng còn thấy ớn chứ đừng nói các bạn trong Nam làm dâu gia đình người miền Bắc. Làm dâu cũng 5, 6 năm rồi mà cứ đến tết là thấy sợ. Bố chồng mình cũng làm trưởng, tết nào cũng tụ tập ăn uống, bữa nào ít cũng 2 mâm cơm. Thực phẩm chuẩn bị cho ngày tết cũng phải chuẩn bị trước cả tháng. Ngày xưa còn bé thì mong tết thế, giờ cứ nghĩ tết là sợ rồi.
Đúng là Tết của những người phụ nữ có chồng con mệt mỏi nhiều hơn sung sướng. Đàn ông còn được nghỉ ngơi, vui chơi cùng gia đình chứ các mẹ thì đôi khi còn vất vả hơn bình thường bởi đủ các việc từ lớn đến nhỏ, rồi con cái, nội ngoại đến mệt, chưa kể còn phải lo chi phí, tiền bạc lì xì, biếu tặng… Ôi thôi, nhiều lúc chả mong đến Tết nữa.
Theo webtretho