Cô gái 22 tuổi người Anh, Beth Goodier, mắc hội chứng Kleine-Levin; một hội chứng với biểu hiện ngủ li bì ở những người gặp phải.
Đáng nhẽ ra, cô gái 22 tuổi Beth Goodier đã hoàn thành xong đại học và bắt đầu công việc của mình. Với bảng điểm đầy ấn tượng, sự tự tin, tính cách vui vẻ hòa đồng, cô xứng đáng có một tương lai rực rỡ với nhiều thành công trong cuộc sống.
Tuy nhiên, trước ngày sinh nhật 17 tuổi của mình vào tháng 11, 5 năm về trước, Beth rơi vào giấc ngủ – và không tỉnh dậy hoàn toàn cho tới 6 tháng sau. Trong 6 tháng ròng, cô gái trẻ này ngủ li bì 22 giờ/ngày và chỉ dậy lơ mơ để đi ăn uống, cũng như làm vệ sinh cá nhân.
Trong vòng 5 năm, mẹ của Beth, Jannie đã tính toán rằng thời gian ngủ của con gái mình phải chiếm tới 3/4 tổng thời gian. Beth giờ đây đã bước sang tuổi 22 và là một trong hơn 100 người tại Anh được chẩn đoán mắc hội chứng Kleine-Levin – hội chứng “người đẹp ngủ trong rừng”.
Tuy nhiên, cái tên đó có vẻ hơi xa vời từ thực tế khi cuộc sống của họ gặp nhiều trở ngại hơn những người bình thường. Thông thường, hội chứng này sẽ xuất hiện ở trẻ vị thành niên – thường là tuổi 16, và kéo dài trong vòng 13 năm.
Tại thời điểm này, Beth đã có giấc ngủ khoảng 2 tháng rưỡi. Không có điều gì, từ thuốc, tiếng ồn lớn hay lay dậy có thể đánh thức cô gái trẻ này. Phần lớn thời gian, Beth luôn sẵn sàng trong bộ pyjama, ngủ trên giường hay ghế sofa. Một lần khác, khi cô tới khám bác sĩ tại Stockport, Cheshire, Beth đã phải ngồi xe lăn trên đường về vì cô quá mệt để di chuyển.
“Giống như kiểu ngày và đêm vậy”, mẹ Beth chia sẻ. “Con bé có thể thức dậy vào sáng mai rồi lại chạy đua với thời gian để sống cuộc đời bình thường của nó. Nó nhanh chóng bắt kịp bạn bè, ăn uống, làm tóc… Không ai biết nó sẽ lại buồn ngủ vào lúc nào”.
“Điều tồi tệ nhất là việc con bé đôi khi không nhận thức được mọi thứ”, Jannie cho biết. “Khi nó tỉnh dậy khoảng vài tiếng một ngày, nó không rõ mình ở đâu và trở nên khủng hoảng”. Những người mắc hội chứng KL này không chỉ cảm thấy mông lung mà còn thay đổi tính cách khi cách biệt với xã hội bên ngoài một thời gian.
Giai đoạn khó khăn nhất với Beth là khi bạn bè tốt nghiệp phổ thông rồi lên đại học, còn Beth không hề hay biết gì. Điều đó đã khiến nó tổn thương. Thậm chí, Beth đã phải bỏ dở việc học của mình còn mẹ cô phải nghỉ việc để ở nhà trông con.
Hiện tại, các bác sĩ vẫn đang tìm ra giải pháp để dứt điểm hội chứng “người đẹp ngủ trong rừng” này.
Nguồn Kênh14
Xem thêm: Cô gái ngây ngô, đáng yêu nhất quả đất