Đọc những dòng tâm sự này, liệu những ông bố đang ngày đêm say xỉn có hiểu được phần nào?
“Bố thân mến!
Mấy ngày nay lướt facebook con đọc được mấy bài. Nào là đồng nghiệp chém nhau vì nhậu say hay chồng say cứa cổ vợ ngất xỉu.
Bỗng dưng con thấy giật mình vì nhà mình cũng có một ông say. Đấy là bố!
Công việc của bố thường xuyên phải làm việc với đối tác, và với một “nền văn hoá” kí kết hợp đồng trên bàn nhậu như Việt Nam thì rõ ràng việc uống rượu với bố không thể tránh khỏi.
Dần dà bố thích các cuộc nhậu hơn là thích về nhà. Con lớn lên quen với việc 1 tuần thì đến 5-6 ngày bố say. Có ngày chỉ biêng biêng, có ngày say nhiều hơn. Và mỗi lần bố say bố biến thành con người khác.
Người ngoài nhận xét bố rất tốt. Yêu vợ, thương con, hoà đồng với mọi người. Bố cũng cực kỳ tuyệt vời, hay ngồi nghe tâm sự ỉ ôi của con. Thỉnh thoảng lén mẹ cho con thêm tiền tiêu vặt hoặc chẳng bao giờ từ chối khi con đòi mua vài bộ quần áo mới.
Thế nhưng chỉ cần chút rượu có thể thay đổi con người bố hoàn toàn.
Lúc con còn bé, mỗi lần bố say thì mặt con nhăn nhó, khó chịu. Mẹ cũng vậy bởi dăm ba bữa thì không sao, nhưng bố thì suốt ngày không tỉnh táo. Mỗi lần như thế nhà mình lại cãi nhau to.
Bố quát con, quát cả mẹ, thậm chí đập vỡ đồ đạc. Tủ ti vi, cửa nẻo rồi nhiều đồ vật lâu dần cứ thế hỏng hóc, không còn nguyên vẹn vì những cơn say của bố.
Con nhớ ngày học cấp 3, hôm sau là kì thi tốt nghiệp của con. Nhưng bố về nhà vẫn trong tình trạng không tỉnh táo và nồng nặc mùi rượu.
Bố tức tối chuyện ở ngoài, bố quát tháo, đập đồ đạc. Mẹ bất lực chỉ nức nở xin bố đi ngủ để cho con yên tĩnh học bài, nghỉ ngơi.
Còn con cố chốt cửa thật chặt, bịt tai để không nghe thấy những tiếng đổ vỡ, từ đồ đạc và từ cả trong tim con nữa. Lúc đấy con cảm thấy ghét bố kinh khủng và nghĩ rằng tại sao con lại sinh ra trong gia đình như thế.
May mắn sao ngày hôm sau con hoàn thành tốt bài thi. Mà kể cả con có không làm được bài thì có phải lỗi do con không bố?
Lớn lên một chút, con biết tránh né mỗi lần bố say. Con chạy thật nhanh lên phòng để không phải đối mặt với khuôn mặt đỏ gay và chất giọng lè nhè của bố. Chỉ còn mẹ…
Mẹ làm việc cả ngày nhưng đến đêm vẫn chong đèn chờ bố về, gánh chịu cả những câu chửi bới, dọn dẹp bãi nôn, quần áo bẩn của bố. Nhiều lúc con thấy mẹ khóc nhưng con hèn nhát cũng không dám ra an ủi mẹ, con chỉ biết chạy trốn mỗi lần thấy bố say.
Có lần nửa đêm không ý thức được hành động của mình, bố còn quay ra bóp cổ mẹ. Mẹ sợ hãi chạy sang phòng khác. Sáng dậy cũng không nói với bất kì ai, con lặng nhìn vết bầm trên cổ mẹ rồi quay mặt đi để giấu nước mắt.
Con sợ có một ngày nhà mình lại lên facebook, lên báo như những trường hợp trên kia chỉ vì bố say.
Không biết bao nhiêu lần bố mất tình cảm anh em chỉ vì vài lời nói đùa trên bàn nhậu. Đáng sợ nhất bố đã từng cầm dao doạ chém chú giữa nửa đêm.
Hàng xóm chê cười, anh em xích mích là tất cả những gì gia đình mình nhận được sau mỗi lần say của bố.
Lúc tỉnh dậy, bố lại hiền lành. Bố ý thức được việc mình đã làm tối qua. Bố nhắn tin xin lỗi mẹ và con.
Nhưng không đủ bởi bố vẫn thế. Mẹ và con đều lo lắng mỗi khi bố về muộn. Không ai biết bố ở đâu. Mẹ vẫn thường thở dài, khuyên nhủ mỗi lần người bố đầy vết xước vì ngã xe khi say.
Dù con có né tránh bố nhưng con vẫn sợ những trường hợp xấu nhất đến với bố. Chỉ có bố, có lẽ vẫn vô tư và hồn nhiên đắm chìm trong những cuộc nhậu mà không hiểu được suy nghĩ của mẹ và con.
Không ai nói trước được điều gì. Người đàn ông cứa cổ vợ khi bị bắt nói rằng anh ta rất thương vợ. Họ tỉnh dậy và không biết chuyện gì đã xảy ra.
Và bố ạ, con không mong mình phải rơi vào trường hợp như đứa bé gào khóc khi thấy mẹ lăn ra ngất.
Con mong bố và những ông bố khác có thể đọc được những dòng này của con để nhận thấy rượu đã thay đổi con người như thế nào.
Hãy biết dừng đúng lúc bố nhé! Con yêu bố dù thế nào đi chăng nữa.”