Dưới đây là những thay đổi cụ thể của thai nhi và cơ thể mẹ trong tuần này:
Sự phát triển của thai nhi
Thai nhi hiện đã dài khoảng 42 cm tính từ đầu tới gót chân với cân nặng xấp xỉ 1,6 kg. Hiện tại thì các cơ quan chính gần như đã hoàn thiện các chức năng của mình, nhưng sự tăng trưởng của bé trong tuần này sẽ tiếp tục tập trung vào việc tăng dự trữ chất béo và cơ bắp. Các giác quan cũng đang được cải thiện dần, bây giờ đôi mắt đã mở hoàn toàn nên có thể phản ứng lại ánh sáng và bóng tối bằng cách giãn nở hay co lại đồng tử. Tuy nhiên đôi mắt bé vẫn chưa có khả năng tập trung tốt vào một điểm nào đó, trừ khi vật đó – ví dụ bàn tay bé, ở ngay gần trước mắt. Hãy bật nhạc lên cho bé nghe và nếu con bạn thích điều đó (một số nghiên cứu cho rằng có thể phát triển sở thích âm nhạc nhất định cho em bé từ bây giờ), bé có thể di chuyển theo nhịp điệu bản nhạc. Em bé không chỉ có thể nhận ra giọng bố mẹ mình, mà còn có thể nhận ra cả giọng người nào đó khác nếu họ dành nhiều thời gian với bé.
Mẹ có thể nhận ra rằng con mình đang chuyển động ngày càng tích cực trong vài tuần qua, nhưng gần đây bé có dấu hiệu chững lại. Đừng lo lắng: vẫn còn nhiều chỗ trống trong bụng cho thai nhi.
Những thay đổi bên trong cơ thể mẹ
Sự phát triển của vòng hai và gia tăng của cân nặng có thể khiến bạn trở nên chậm chạp hơn. Hãy lắng nghe cơ thể bạn: nếu bạn cảm thấy cần phải nghỉ ngơi, đừng gắng sức. Nếu bạn cố gắng để giữ dáng trong quá trình mang thai, hãy tập các bài thể dục nhẹ nhàng như bơi lội hoặc đi bộ. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc hô hấp (bởi em bé di chuyển lên phía lồng ngực), tập thể dục nhẹ nhàng là ổn, miễn nó không làm cho bạn cảm thấy hụt hơi.
Nếu trước đây bạn chưa từng gặp phải thì bây giờ thỉnh thoảng bạn sẽ cảm thấy những cơn co thắt với tên gọi Braxton-Hicks kéo dài khoảng 30 giây. Miễn là nó không xảy ra thường xuyên, bạn sẽ yên tâm không bị chuyển dạ sớm.
Trong quý thứ ba của thai kỳ, khoảng 50 đến 80 % các bà mẹ tương lai sẽ bị sưng mắt cá chân và bàn chân (hay còn gọi là phù nề). Điều này xảy ra do áp lực của em bé và tử cung lên các mạch máu, đặc biệt là các tĩnh mạch chủ dưới – một tĩnh mạch lớn phía bên phải của bạn giúp vận chuyển máu ra khỏi đôi chân. Nếu máu bị kẹt ở chân, nước sẽ bị đẩy ra khỏi máu, vào các mô của bàn chân và mắt cá chân, gây sưng. Việc sưng tấy thường xảy ra nặng hơn vào cuối ngày, nhưng sau khi bạn ngủ dậy, chúng sẽ thuyên giảm. Chứng phù nề này có thể ảnh hưởng đến tay của bạn ở giai đoạn sau của thai kỳ, dẫn đến ngứa ran và tê ở bàn tay.
Những lưu ý cần thiết cho mẹ
Nếu đây là lần đầu tiên mang thai của bạn, bạn cần phải có một cuộc hẹn khám thai tuần này, trong đó nữ hộ sinh hoặc bác sĩ đo kích thước của tử cung của bạn, đo huyết áp và kiểm tra nồng độ protein trong nước tiểu. Kết quả từ các cuộc xét nghiệm trước cũng cần được đưa ra để thảo luận. Đây là một cơ hội hoàn hảo để bạn có thể hỏi bất cứ điều gì về việc mang thai của mình.
Nếu bạn gặp chứng phù nề khi mang thai, hãy giơ chân lên bất cứ khi nào có thể, không đứng quá lâu, tập thể dục thường xuyên bằng cách đi bộ hoặc bơi lội và mặc quần bằng chất liệu dệt kim.
Nếu bạn đã được tham gia lớp học tiền sản, chắc chắn rằng bạn thực hành các kỹ thuật thở và thư giãn.
Một số cặp vợ chồng vội vàng ngay lập tức để sơn phòng ngủ và chuẩn bị cho sự xuất hiện con mình trong khi những người khác đợi đến phút cuối cùng. Màu sắc của các bức tường sẽ không tạo ra nhiều khác biệt cho em bé của bạn, nhưng có một số yếu tố cần thiết mà bạn cần cho trẻ sơ sinh:
– Quần áo: Khoảng 5 bộ liền (che được cả các ngón chân), 5 áo gi-lê mỏng hoặc bộ đồ ngắn tay (có thể mặc riêng hoặc mặc bên trong bộ đồ liền vào mùa đông), 2 chiếc áo khoác len và 1 mũ (loại phụ thuộc vào việc bạn sinh bé vào mùa hè hay đông) hoặc nhiều hơn nếu bạn không thể giặt giũ thường xuyên.
– Tã lót: Trẻ sơ sinh dùng 10-12 tã mỗi ngày nếu dùng một lần nhưng chỉ cần 15 tã nếu có thể tái sử dụng. Đối với tã tái sử dụng, bạn cũng sẽ cần lót tã, một cái xô và khử trùng. Đối với tã dùng một lần, bạn cần có chiếc thùng rác vứt tã lót và chuẩn bị sẵn tã mới để thay thế. Bạn cũng cần một chiếc bàn hoặc chiếu để thay tã.
– Thiết bị cho ăn: Chuẩn bị áo lót dành cho bà bầu và miếng dán vú nếu bạn cho con bú và khoảng chục chai cùng núm vú, bàn chải và thiết bị khử trùng nếu bé bú bình. Miếng khăn mỏng không chỉ giúp bảo vệ quần áo khỏi bẩn nếu bé bị trớ hoặc rớt sữa khi ăn mà còn để lau nước dãi, che nắng cho bé và chơi ú oà,.v.v..
– Phục vụ nhu cầu ngủ: một giỏ Moses hoặc cũi trẻ em, nệm, 2-3 bộ khăn trải giường và 2-3 chiếc chăn cùng với tấm lót và túi ngủ trẻ em.
– Vệ sinh: 1 bồn tắm em bé hoặc thiết bị hỗ trợ tắm cho trẻ sơ sinh, sữa rửa mặt em bé hoặc sữa tắm làm mềm nhẹ cộng với một chiếc khăn em bé hoặc khăn tắm nhỏ.
– Ngoài trời: 1 xe bốn bánh, xe nôi hoặc xe đẩy dành cho trẻ sơ sinh có mái che mưa cho mùa hè và vào mùa đông có tấm chăn lót. Nếu em bé của bạn sẽ được đi du lịch trong một chiếc xe, bạn sẽ cần một chỗ ngồi xe phía sau thích hợp cho trẻ sơ sinh. Bạn cần chuẩn bị một chiếc túi đựng đồ để mang tã, quần áo, chiếu hay các đồ cần thiết khác khi ra khỏi nhà.