Đã từng có thời điểm, Hàn Quốc được xem là một trong những quốc gia lùn nhất thế giới. Còn nay thì sao nào? Toàn chân dài cả thôi!
Một thống kê mới đây từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra số liệu đáng báo động về chiều cao của thanh niên Việt Nam.
Cụ thể, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13cm so với chuẩn của WHO. Chiều cao trung bình của nữ thanh niên Việt Nam là 153cm, thấp hơn 10,7cm.
Với chiều cao này, Việt Nam đang nằm trong nhóm những nước có chiều cao thấp trên thế giới, và điều đó không khỏi khiến cho nhiều người phải lo lắng. Việc hạn chế chiều cao sẽ đem lại nhiều bất lợi cho giới trẻ, đặc biệt là đối với các cơ hội phát triển đến tầm cỡ quốc tế.
Nhiều người cho rằng sẽ chẳng thể thay đổi được điều gì, bởi vì bản chất gene của người châu Á là vậy, không cao to được như người phương Tây. Nhưng trên thực tế, chưa có nghiên cứu nào đủ cơ sở để chứng minh được vấn đề chiều cao hoàn toàn là do gen quy định.
Hơn nữa, hãy nhìn vào Hàn Quốc, Nhật Bản xem. Trước năm 1950, chiều cao trung bình của 2 quốc gia này chỉ xấp xỉ Việt Nam thời bấy giờ. Vậy mà nay, Nhật Bản và Hàn Quốc lại sở hữu chiều cao rất đáng nể. Cùng là người châu Á, vậy lý do là ở đâu?
Nhật Bản, Hàn Quốc cũng từng rất lùn
Cụ thể, theo số liệu thống kê từ Nytimes thì trước năm 1950, chiều cao của Việt Nam so với 2 quốc gia này như sau:
Việt Nam : Nam: 154cm, Nữ: 151cm
Nhật Bản : Nam: 150cm, Nữ: 149cm
Hàn Quốc (hoặc Triều Tiên, vì trước năm 1950 chưa chia tách): Nam: 162cm, Nữ: 154cm
Thậm chí trước năm 1900, Hàn Quốc còn bị xem là quốc gia có chiều cao thấp nhất thế giới, khi chiều cao nữ giới thời kỳ đó chỉ có… 142cm.
Nhưng sau hơn nửa thế kỷ, chiều cao trung bình của nam giới Nhật Bản đã vượt lên trên 170cm, còn nữ là 158cm. Đối với Hàn Quốc, nam giới cao trung bình 173cm, nữ là 162cm. Tuy vẫn còn thua thông số trung bình từ WHO, nhưng rõ ràng đó là một sự tiến bộ vượt bậc.
Lý do đến từ đâu?
Câu trả lời là chế độ ăn uống. Sau Thế chiến II, chiều cao trung bình của người Nhật sụt giảm trông thấy.
Trước bối cảnh đó, chính phủ Nhật Bản buộc phải nghĩ ra những phương án cải thiện chiều cao cấp tốc cho người dân. Một trong số đó là “bắt” người dân phải tăng cường uống sữa.
Các chuyên gia của Mỹ và Nhật đã xác định được trong sữa có chứa tới 50 hormone bổ sung tăng trưởng. Kể từ đó, chính phủ Nhật kết hợp cùng các doanh nghiệp đã tích cực quảng cáo sữa, khiến hình ảnh sữa ngập tràn đường phố. Các văn phòng công ty, và đặc biệt là trường học, bệnh viện đều có bán sữa. Ngay cả nhà ga cũng có sữa bên trong máy bán hàng tự động.
Chưa kể, chính phủ còn ra sắc lệnh miễn phí 1 ly sữa trong mỗi bữa ăn của học sinh để phát triển chế độ dinh dưỡng.
Nhưng tất cả sẽ không có tác dụng, nếu người dân không tự ý thức được bản thân cần làm gì. Sau Thế chiến II, người Nhật chìm trong cảnh đói khát, chỉ mong đủ ăn. Nhưng rồi sau này khi kinh tế phát triển, họ bắt đầu có những chế độ ăn khoa học hơn, chứa nhiều đạm, chất xơ, và hạn chế ăn tinh bột.
Điều này không những góp phần cải thiện chiều cao, mà giúp cho sức khỏe của người dân ngày càng tốt lên. Dành cho những ai chưa biết, Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia… thọ nhất thế giới (tuổi thọ trung bình là 83,2 tuổi).
Tương tự như vậy với người Hàn Quốc. Sở hữu nền kinh tế mạnh, người dân của họ cũng theo chế độ ăn khoa học của phương Tây: chứa nhiều sữa và các sản phẩm khác từ sữa, nhiều đạm và rau xanh.
Chưa kể, cả 2 quốc gia này đều rất chú trọng vào phát triển thể thao. Học sinh được tham gia hoạt động thể chất ngay từ thời tiểu học, cùng cơ sở vật chất cực kỳ tốt.
Việt Nam thấp, nhưng chưa hết hy vọng
Nêu vậy để thấy rằng, Việt Nam chúng ta chưa hề hết hy vọng. Vấn đề nằm chính trong bản thân bạn, tôi, và chúng ta.
Chúng ta đang ăn rất thiếu khoa học. Theo báo cáo của Viện dinh dưỡng quốc gia, khẩu phần ăn của người Việt trong vài chục năm đều theo đúng mô-tip: nhiều thịt, cá, nhưng ít rau xanh, lại quá nhiều muối.
Khẩu phần canxi của người Việt cũng chỉ đạt 500-540 mg/người/ngày, rơi vào 50% – 60% khẩu phần khuyến nghị của thế giới. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chiều cao tối đa khi trưởng thành của chúng ta.
Chưa kể, có một thực tế là người Việt đang rất… lười vận động. Thử quan sát nhanh tại các địa điểm như bờ hồ, công viên… thì đa phần là các cụ già, còn thanh niên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thay vào đó, thanh niên còn bận ngủ nướng, dành thời gian rảnh để lướt Facebook, chơi game và những thú vui mang tính chất “ngồi cố định một chỗ” khác.
Chính thói quen này đã khiến cho chiều cao của chúng ta không đạt được mức tăng trưởng cần thiết. Hơn nữa, nếu lười vận động, bạn làm gì cũng sẽ mau mệt, nhanh chán, dễ bỏ cuộc. Mà như vậy thì kể cả có cao đi chăng nữa, bạn sẽ chẳng có cơ hội phát triển hơn nếu so với bè bạn quốc tế đâu.
Đọc đến đây, chắc bạn cũng hiểu mình phải làm gì rồi chứ? Hãy ăn uống khoa học hơn, nhiều đạm, nhiều rau xanh, tăng cường các chế phẩm từ sữa, và đặc biệt hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh – những thực phẩm chứa chất béo bão hòa, cực kỳ không tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, hãy chăm tập thể thao hơn. Theo đúng lý thuyết, con người ta chỉ dừng cao khi hết 25 tuổi. Vậy nên nếu cố gắng, bạn vẫn có thể nhích thêm được vài phân nữa.
Còn đối với những người đã… hết hy vọng, hãy dành điều đó cho thế hệ sau của mình. Con bạn cần được ăn uống đầy đủ, nhưng phải khoa học, và có chế độ luyện tập thật hợp lý.