Có nhiều người hay chọn hướng về tâm linh để tìm chốn bình an khi gặp bế tắc trong cuộc sống và người vô sinh hiếm muộn cũng không phải ngoại lệ.
Có một số ngôi chùa mà những người muộn con thường ghé đến để cầu tự, mời bạn tham khảo.
Bài viết không nhằm mục đích cổ súy cho những hành động đi ngược lại với các tiến bộ khoa học trong việc chữa trị vô sinh, hiếm muộn mà chỉ cung cấp thông tin cho mọi người tham khảo. Nếu bạn đến chùa với đức tin, với tất cả lòng thành, bạn sẽ có một tinh thần lạc quan, một yếu tố quan trọng quyết định đến việc mang thai của bạn.
Chùa Ngọc Hoàng (Phước Tự)
Đây là ngôi chùa nổi tiếng cầu con bậc nhất ở TP. HCM với lời truyền miệng của nhiều người đã “xin con” thành công: “Chùa nổi tiếng lắm, cầu là có à”. Chùa còn có tên gọi khác là Phước Tự, nơi đây ngày thường cũng như ngày rằm lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp người ra vào cúng bái.
Tương truyền, những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn thường đến đây ngoài cúng bái, cầu xin… sẽ mua một cặp rùa và khắc tên mình lên đó. Nếu cặp rùa mang thai, nghĩa là lời cầu xin sẽ càng ứng nghiệm. Đến chùa, nhìn bể rùa đông đúc cũng đủ biết người đến đây đông như thế nào.
Chùa do một người Hoa xây dựng từ năm 1892. Địa chỉ: 73 Mai Thị Lựu, quận 1.
Chùa Từ Quang
Ở TP. HCM, ngoài chùa Ngọc Hoàng, một địa chỉ cầu con cũng rất linh nghiệm được nhiều người truyền miệng là chùa Từ Quang. Theo những người dân sống quanh chùa kể lại, lượng người vô sinh hiếm muộn đi chùa cầu con cũng rất đông, nhất là những dịp rằm, lễ lớn.
Lễ vật “cầu con” ở chùa cũng khá độc đáo, khi đến cầu con, bạn chỉ cần mang theo những món đồ, vật dụng dành cho trẻ em như: sữa, bánh ngọt, áo quần em bé (tùy theo nếu bạn muốn xin con trai, con gái), đồ chơi trẻ em…
Chùa được xây dựng từ rất lâu đời, hiện do hòa thượng Thích Nhất Hạnh làm trụ trì. Địa chỉ: Ven quốc lộ 1, đoạn đi qua xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP. HCM.
Đền Sinh, Hải Dương
Nếu ở phía Bắc, bạn có thể đến đền Sinh, Hải Dương để cầu con cũng rất linh nghiệm.
Chuyện kể rằng, xưa có hai vợ chồng Chu Thức và Hoàng Thị Ba hiếm muộn, đã bước sang tuổi ngũ, lục tuần mà vẫn chưa có con nối dõi. Một hôm, hai người hai người ngủ tại chùa thì mộng thấy một vị sứ giả đến ứng mộng nói rằng: “Ta là Sơn Thần, phụng sắc chỉ Ngọc Hoàng giáng trần báo cho vợ chồng ngươi biết là sau này sẽ có sao xuống đầu thai vào nhà ngươi để giúp dân, cứu nước!”. Quả thật sáng hôm sau, họ bước ra khỏi cửa chùa thì thấy một vết chân người rất lớn. Ông Chu ướm thử không vừa, bà Ba ướm vào thì tự nhiên vết chân biến mất, về nhà một thời gian sau, bà Ba có thai, sinh ra một cậu con trai khôi ngô tuấn tú, đặt tên Hiên, hiệu Phúc Uy. Lớn lên, người này làm được rất nhiều việc lớn, phò vua giúp nước… nên được lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn, gọi là Phi Bổng.
Nghi thức cầu tự tại đền Sinh bắt nguồn từ thế kỷ thứ VI và được lưu truyền đến tận ngày nay. Theo đó, trong đền có một phiến đá là Đức Thánh mẫu Thạch Bàn, đá cao chừng 3m, rộng khoảng 5m có hình dáng như người phụ nữ đang nằm ngửa lúc lâm bồn. Người vô sinh hiếm muộn đến đây cầu con đều sờ vào phiến đá với mong muốn xin được phước lành.
Đền Sinh thờ thần Phi Bồng là con của đôi vợ chồng trên vì những chiến công hiển hách. Đền tọa lạc trên sườn núi Ngũ Nhạc, xã Lê Lợi, huyện Chí Linh, Hải Dương.
Chùa Đô Mỹ, Thanh Hóa
Đây cũng là một trong những địa chỉ “mát tay” cầu con. Nhiều người hiếm muộn truyền tai nhau sau một thời gian đến đây thành tâm cầu khấn cuối cùng họ cũng đã sinh con như ý muốn.
Địa chỉ: Chùa Đô Mỹ, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.
Theo Webtretho