Mấy hôm nay bà Dung cứ thao thức không ngủ được, chân bà tê cứng, cứ phải dậy giữa đêm để xoa bóp. Bà biết cứ mỗi lần bà bị như thế này thì kiểu gì mấy ngày sau cũng bị ốm. Bà Dung chỉ có duy nhất một đứa con trai đang sống ở thành phố, có mấy lần bà nói với con bà nhớ nó lắm, muốn được lên đó ở cùng để vừa đỡ đần công việc cho nhà con trai vừa được ở gần con nhưng vừa mới nói ra thì con trai của bà đã gạt đi. Đạt bảo rằng vì vợ anh là người không thích ồn ào, thích sạch sẽ, mẹ anh lại là người nhà quê, bạ đâu vứt đấy, nếu bà sống cùng kiểu gì cũng xảy ra mâu thuẫn, thế nên nếu muốn con cái hạnh phúc thì bà cứ an phận ở quê.
Nhưng bà Dung nhớ con, ở quê bà chỉ có con chó Vàng làm bạn, ban ngày hay ban đêm đều thế, nếu muốn có ai bầu bạn bà đều vẫy nó lại rồi ngồi bắt rận cho nó, vừa bắt vừa kể hết mọi chuyện cho nó nghe. Nào là việc ngày xưa Đạt yêu mẹ như thế nào, bà đã phải vất vả như thế nào để nuôi con sau khi chồng mất. Con chó Vàng thấy chủ cứ vuốt ve mình thì sung sướng lắm, lăn ra ngủ, để mặc bà thủ thỉ một mình.
Từ ngày con trai lên thành phố, bà Dung mới lên thăm con được 3 lần.
Lần thứ 3 bà lên, vì không muốn mẹ về nhà nên Đạt nói dối là vợ đi công tác cầm cả chìa khóa nhà đi rồi, anh dắt mẹ vào hàng phở gần đó gọi cho bà bát phở bò giá 50 ngàn rồi thuê nhà nghỉ cho mẹ ngủ lại một đêm, sáng hôm sau Đạt đưa mẹ ra bến xe về quê. Bà Dung trước giờ chưa được ăn bát phở nào ngon đến thế, bà húp hết sạch nước trong bát rồi tấm tắc khen ngon. Sau này cứ mỗi lần nhớ lại bát phở đó là bà cứ ao ước được lên thành phố.
Rồi sau mấy đêm không ngủ được, bà trở bệnh. Bà ho khù khụ, người nóng ran. Thường thì một tháng Đạt sẽ gọi về cho mẹ 1 lần ở nhà hàng xóm rồi bà Dung sẽ chạy sang nghe điện thoại của con nhưng 3 tháng nay rồi Đạt không gọi về cho mẹ, bà Dung ốm quặt quẹo không có ai chăm, phải tự ngồi dậy nấu cháo ăn. Nhưng nhà không có gì, bà chỉ bỏ nắm gạo vào nấu cháo rồi húp. Những lúc như thế khiến bà nhớ lại mùi hương quyến rũ của bát phở bò bà ăn với con trai đợt trước. Mùi hương đó cứ theo bà vào tận giấc ngủ, khiến bà thao thức. Mấy ngày sau đó cũng thế, bà cứ mơ thấy bát phở bò giá 50 ngàn. Sau khi khỏe lại, bà đến nhà cuối làng xin đi nhờ xe lên thành phố, đến nơi, bà đi bộ rồi hỏi đường đến nhà con trai bà.
Bà Dung giơ tay bấm chuông, lúc đi, bà chỉ cầm có 30 ngàn, vì đó là số tiền cuối cùng bà còn có ở trong nhà. Nghe tiếng chuông, Đạt chạy ra. Thấy mẹ, anh khựng lại một lúc rồi mở cổng ra. Vừa nhìn thấy mẹ Đạt đã giẫm chân đành đạch rồi rít lên:
– Ơ hay, mẹ lên đây làm gì?
– Mẹ lên thăm con, với cả mẹ mới ốm dậy, mẹ thèm ăn phở quá Đạt à. Con cho mẹ đến quán phở hôm nọ ăn đi, quán mà một bát 50 ngàn ấy.
– Trời ơi, mẹ cấm nói ra chuyện con cho mẹ ăn phở lần trước đấy nhé. Vợ con mà nghe thấy cô ấy xé xác con ra. Mà mẹ về đi, hôm nay vợ con có khách, mẹ mà vào kiểu gì cô ấy cũng bù lu bù loa lên cho mà xem.
– Nhưng mẹ mới lên, với cả giờ nhà bác Vinh cũng chưa có xe cho mẹ về.
– Thì mẹ ra ngoài bến xe ngồi đợi cũng được. Tuyệt đối không được ở nhà con hôm nay đâu mẹ ơi. Bạn vợ con toàn dân sành điệu, mẹ mà vào vợ con xấu hổ với bạn mất.
– Thế còn phở thì sao hả con? Có gần đây không? Hay mình đi ăn rồi mẹ về?
– Giờ này còn phở phiếc gì? Mẹ đi nhanh không vợ con ra đấy. Với cả con không có tiền đâu. Mẹ về nhanh đi, vợ con sắp dậy rồi.
Nói rồi Đạt đẩy mẹ ra ngoài, khóa cửa lại. Anh vừa đi vào vừa cúi người lạy mẹ. Bà Dung thẫn thờ nhìn theo bóng con. Bà không ngờ rằng con bà lại đối xử với mẹ như vậy sau khi bà vượt qua quãng đường dài 150km để lên thăm nó. Bà lầm lũi đi về, làn nước mắt chảy dài ướt đôi gò má…