Cầm lá thư trên tay, tôi không kìm được nước mắt khi từng dòng chữ hiện ra. Tôi đâu ngờ rằng, người mẹ chồng ghê gớm bao năm tôi hiểu lầm qua lại là con người như vậy.
Chào độc giả mục tâm sự, khi viết những dòng này ra là lúc tôi đã vĩnh viễn mất đi người mẹ chồng tốt bụng mà lâu nay tôi hiểu lầm. Mẹ đã đi xa rồi, tôi cũng không còn cơ hội để sửa sai và sống tình cảm hơn với mẹ nữa, chính vì thế mà bây giờ tôi thấy cắn rứt vô cùng. Cứ lúc nào nhắm mắt là hình ảnh mẹ ùa về, nước mắt lại chảy ra. Tôi không biết phải làm sao để xua đi cảm xúc lúc này.
Tôi lấy chồng cách đây 5 năm. Tôi và anh ấy ở cùng quê nhưng khác xã. Trong thời gian yêu nhau, thỉnh thoảng anh dẫn tôi về nhà giới thiệu. Biết tôi làm ngân hàng, mẹ chồng tôi tỏ ý không thích vì cho rằng, làm ngân hàng sẽ không có thời gian chăm sóc con cái, gia đình.
Thời gian đầu, mẹ anh ấy phản ứng ra mặt, tôi cứ sang chơi là bà lại cau có, không cười nói, thậm chí còn quát mắng xối xả. Thế nhưng vì tình yêu đã quá sâu đậm mà tôi nhẫn nhịn hết và cuối cùng chúng tôi vẫn đến được với nhau.
Cưới về, ngay trong ngày đầu làm dâu tôi đã bị mẹ chồng quát mắng trước mặt anh em họ hàng nhà chồng vì tội, không biết mẹ để bình muối ở đâu và đi hỏi. Mẹ chồng bảo: “Về nhà này phải biết quan sát, làm chủ bếp núc thay mẹ rồi thì hãy chịu khó tìm tòi đi đã rồi hẵng hỏi”. Tôi im lặng vâng dạ khi mặt đỏ bừng vì xấu hổ, cô bác trong họ nhà chồng thì lắc đầu cười.
Rồi có lần, đó là vào ngày mùa đông, theo thói quen khi còn ở nhà mẹ đẻ, tôi mang máy tính và gói bim bim lên giường vừa ăn vừa làm. Bất ngờ, mẹ chồng đi vào rồi quát mắng: “Ăn ở một chỗ thế này có mà chết à? Mang cả máy tính, đồ ăn lên giường làm thế định đi vệ sinh trên đó luôn hả”. Nghe mẹ chồng quát mà tôi rát hết cả mặt, chẳng dám ho he cãi lại nửa lời. Sau đó là xị mặt dọn đồ xuống bàn làm việc.
Rồi có lần đi tắm, lại theo thói quen như ở nhà mẹ đẻ, tôi lấy cái vòi hoa sen xuống dội khắp người rồi quên đặt lại lên giá đỡ. Mẹ chồng tôi vào tắm sau thấy vậy quay ra quát ầm ĩ: “Con tắm là lấy cái vòi hoa sen xuống à? Sao lại để nguyên dưới cái gật gù mà không đặt lại giá? Sống bừa bãi như thế sau sinh con nó học theo thì làm sao thành người…” Tiếp đó là tôi đứng tê cả chân nghe mẹ chồng quát mắng một bài dài, chỉ đến khi bà quay đi tôi mới thấy nhẹ nhõm, buồn bã lên phòng.
Rồi có lần, mẹ chồng bận việc gọi điện bảo tôi thắp hương lên ban thờ vì hôm đó là ngày rằm. Tôi bối rối không biết làm như thế nào vì ban thờ nhà chồng có tận 5 bát hương. Ở nhà chưa bao giờ mẹ tôi sai việc này cả. Tôi cuống cuồng gọi điện cho chồng cầu cứu nhưng run rủi hôm đó chồng tôi lại không bắt máy.
Cuối cùng tôi đứng thắp 4 bát hương ở dưới, còn bát hương phía trên tôi không thắp vì nghĩ, ngày rằm chỉ cần cúng ông bà là được.
Mẹ chồng tôi đi về nhìn lên ban thờ thấy 4 que hương kia đang cháy nhưng một bát hương chưa được thắp liền nộ khí xung thiên: “Làm ăn vụng về, ngờ nghệch thế này thì có ngày các cụ về vật chết! Mau thắp thêm một que hương nữa. Ở nhà không ai bày dạy à?”.
Nghe mẹ chồng quát, tôi đứng tim, run như cầy sấy thầm mong chồng về sơm sớm để cứu giúp. Tối đến tôi đem chuyện kể với chồng thì chồng tôi điềm nhiên bảo: “Ôi dào, tính mẹ thế rồi, cứ nói chứ chẳng nghĩ ngợi gì đâu. Anh quen rồi. Em nghĩ làm gì cho mệt người”. Nghĩ rằng chồng bênh vực cho mẹ nên tôi càng chán nản chẳng mong đợi trút được nỗi niềm vào ai nữa.
Từ đó tôi luôn sống dè chừng với mẹ chồng. Lúc nào cũng cảm giác sợ hãi dù đã về làm dâu gần năm trời. Đôi lúc cố tìm cách gần gũi, mua cái này cái kia để bắt chuyện với mẹ chồng nhưng chưa kịp làm đã được ăn mắng lên bờ xuống ruộng rồi nên chẳng còn dũng khí xây dựng mối quan hệ nữa.
Rồi tôi mang bầu, mẹ chồng tỏ ra vui vẻ và quan tâm hơn. Ngày nào đi làm về, mẹ chồng tôi cũng mua bao nhiêu đồ ăn, từ đồ biển đến hoa quả sạch của mấy cô bên trường. Mẹ chồng tôi bảo, ăn đồ biển để sau sinh ra con cứng cáp, còn ăn hoa quả là để da dẻ con trắng trẻo, xinh xắn. Lúc nào mẹ cũng bảo tôi cố gắng ăn uống vào để sau chăm con cho khỏe. Tôi mừng lắm cứ nghĩ mẹ sẽ thay đổi khi có cháu.
Ai dè, một lần vào phòng của hai vợ chồng, thấy cửa đóng kín mít, mẹ chồng tôi lại quát: “Đóng kín mít thế này thì làm sao mà thở được. Cứ như thế sau sinh ra con ốm quặt quẹo tha hồ mà chăm nhé”. Tôi lại ỉu xìu vì “ăn dưa bở” mất mấy ngày.
Rồi một lần, tôi xin phép sang nhà ngoại lấy ít đồ. Thấy con dâu ăn mặc phong phanh, mẹ chồng tôi lại quát: “Đi mấy cây số mà ăn mặc phong phanh thế kia, có biết ngoài trời lạnh lắm không hả?”. Chưa dứt lời thì đã thấy mẹ dúi vào tay nào cái ao phao nào khăn quàng, nào găng tay. Lần đầu tiên từ ngày về làm dâu, tôi đi đường mà thấy ấm áp đến như thế.
Rồi một ngày cuối tuần, khi tôi đang lúi húi nấu nướng, dọn rửa dưới bếp, chồng tôi cầm cái điện thoại lướt mạng, mẹ chồng tôi đi ra đi vào thấy thế quát ầm lên: “Thằng này, ai dạy mày vợ bầu mà để nó làm một mình dưới bếp thế hả. Có cất ngay cái điện thoại xuống mà giúp nó không?” Tôi nghe xong mà cười tủm tỉm. Từ lúc về làm dâu đến giờ, tôi lại thấy tiếng quát của mẹ chồng nghe đáng yêu đến thế cơ chứ. Chẳng còn sợ hãi như trước mà lại thấy vui vô cùng.
Rồi sau khi sinh con, tôi lại thấy mẹ chồng vừa tất bật làm đủ việc nhà vừa quát mắng xối xả mọi người mà thương vô cùng. Có lẽ, khác với những mối quan hệ nàng dâu-mẹ chồng khác, tôi và mẹ chồng từ những ngày đó trở nên gần gũi và hòa hợp hơn. Dẫu rằng, sau đó tôi không thể tránh những lần bị mẹ quát mắng.
Rồi một ngày đầu tháng 6, mẹ tôi bị đột quỵ qua đời. Bao tiếc thương không thể nói hết thành lời.
Rồi vào dọn dẹp lại phòng mẹ, bất chợt tôi tìm thấy một bức thư rơi ra từ dưới gối mẹ hay nằm. Mẹ gửi cho tôi, con dâu của mẹ mà không phải hai người con trai mẹ yêu thương từ bé.
“Mẹ biết, con không quen những lời mẹ quát mắng. Thế nhưng tính mẹ nó vậy con à, biết rằng con về đây sống là quá thiệt thòi khi không được đủ đầy như nhà ba mẹ con. Bây giờ, con về làm dâu, mẹ chỉ mong con trưởng thành hơn và có thể thay mẹ quán xuyến mọi việc trong nhà…”
Đọc từng dòng thư, tôi không kìm được nước mắt. Khi tôi hiểu được lòng mẹ thì đã quá muộn. Cứ nằm xuống nhằm mắt ngủ là hình ảnh mẹ lại hiện lên. Tôi thấy nhớ lắm những tiếng quát tháo, dạy bảo các con, nhớ lắm dáng mẹ tảo tần việc nhà, chăm con chăm cháu. Nhớ lắm và thương lắm…