Luộc thịt không phải là công việc quá phức tạp. Tuy nhiên, nếu không sơ chế đúng cách và căn chuẩn thời gian thì món thịt luộc của bạn sẽ không đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh.
1. Thịt gà
+ Chọn gà
Nếu mua gà sống, bạn nên chọn những con gà khoẻ mạnh, nguyên vẹn, mắt tinh, mỏ không bị chảy nhớt. Với gà mái, bạn nên chọn những con đã đẻ một lứa, thịt sẽ chắc hơn.
Với gà làm sẵn, bạn nên chọn những con da màu vàng tự nhiên, không bị thâm, nổi nốt, không bị sôi, sờ thấy chắc thịt.
+ Sơ chế gà
Sau khi đã làm lông, bạn cần rửa gà thật sạch, có thể dùng giấm để vệ sinh gà. Với gà đông lạnh, bạn cần chú ý rã đông đúng cách trước.
+ Luộc gà
Khi luộc gà, bạn cần cho gà vào nồi trước rồi mới đổ nước ngập gà. Không nên đun sôi nước rồi mới cho gà vào luộc. Luộc gà ở lửa nhỏ trong khoảng 45-60 phút. Trong khi luộc, bạn có thể cho thêm một củ hành tây để nước luộc gà ngọt và thơm hơn.
Sau khi gà chín, để nguyên gà trong nồi. Không nên vớt gà ra ngay hoặc ngâm gà vào nước lạnh bởi thịt sẽ bị xỉn màu và khô.
2. Thịt lợn
+ Chọn thịt
Chọn miếng thịt có màu hồng tươi, không có mùi lạ, thịt có độ đàn hồi; nếu thịt còn ấm thì là thịt mới.
+ Sơ chế thịt
Thịt heo rửa sạch rồi luộc sơ với một chút muối. Khi nước sôi và có bọt thì cần thay nước ngay. Chú ý không rửa lại thịt với nước lạnh vì thịt sẽ bị mất dinh dưỡng và bị khô.
+ Luộc thịt
Ở lần luộc thịt chính, bạn đổ nước ngập thịt, thêm 2-3 củ hành tím và một chút giấm để thịt ngọt, trắng và đậm đà hơn.
Luộc thịt trong 15-17 phút rồi tắt bếp. Để nguyên thịt trong nồi; khi nào ăn mới vớt thịt ra thái để thịt mềm và có vị ngọt tự nhiên.
3. Thịt bò
+ Chọn thịt
Tương tự như thịt lợn, bạn nên chọn miếng thịt bò có màu đỏ tươi, còn ấm, có độ đàn hồi, thịt chắc, không bị bở.
+ Sơ chế thịt
Rửa thịt thật kĩ với nước muối loãng, không luộc sơ thịt để tránh thịt mất chất và giảm hương vị.
+ Luộc thịt
Để thịt mềm, khi luộc, cho vào nồi một chút muối và một ít rượu trắng hoặc đập dập một cây sả và vài củ hành tím. Luộc trong khoảng 7-10 phút rồi vớt thịt ra ngay. Nếu ăn nóng, bạn thái thịt ngay sau khi vớt. Nếu muốn thịt dễ thái mỏng, bạn cho thịt vào ngăn đá trong 10-15 phút. Khi lấy ra, thịt đã hơi rắn lại, khi thái, miếng thịt sẽ mỏng và đẹp hơn.
Với các phần thịt dai như gân, bắp đùi hay xương sườn, bạn cần ninh ở lửa nhỏ trong 2-3 tiếng. Nếu bạn không có nhiều thời gian nấu nướng, bạn có thể cho một miếng dứa, một viên đá hoặc một chiếc thìa nhôm vào nồi. Như vậy thịt sẽ nhanh mềm hơn.
4. Thịt vịt
+ Chọn vịt
Khi chọn vịt, bạn nên chọn những con vịt già, béo, ức tròn, phần da cổ và da bụng dày, mọc đủ lông. Khác với gà, thịt vịt đực thường ngon hơn thịt vịt cái.
+ Sơ chế vịt
Vịt nếu không sơ chế cẩn thận sẽ dễ bị hôi và dai. Sau khi làm lông và mổ vịt, bạn xát một chút muối, gừng và rượu trắng lên mình vịt rồi rửa lại và để ráo nước.
+ Luộc vịt
Khi luộc vịt, đun sôi nước trước rồi mới cho vịt vào. Luộc vịt ở lửa nhỏ, để sôi lăn tăn trong khoảng 25-30 phút. Trong khi luộc, cho một mẩu gừng đập dập hoặc hành khô nướng (hành đã bóc vỏ) vào nồi luộc cùng vịt. Cách làm này sẽ giúp khử sạch mùi hôi ở thịt vịt, giúp thịt thơm, mềm và hấp dẫn hơn. Chú ý, không luộc quá lâu, thịt sẽ bị bã và bớt ngọt.
Sau khi vịt chín, nếu ăn ngay, bạn tắt bếp rồi chặt vịt ngay khi còn nóng. Nếu chưa ăn ngay, bạn tắt bếp nhưng vẫn để vịt trong nồi đến khi vịt nguội để thịt mềm, không bị dai.
5. Thịt ngan
+ Sơ chế ngan
Ngan làm sạch, xát một chút muối, gừng và rượu trắng cả trong và ngoài để khử mùi hôi rồi rửa lại, để ráo nước.
+ Luộc ngan
Để ngan luộc không bị thâm và hôi, khi luộc, bạn cho ngan vào nồi trước rồi đổ nước ngập ngan. Thêm một mẩu gừng đập dập hoặc một củ hành khô nướng vào nồi luộc; sau đó, thêm một thìa bột canh để thịt đậm. Trong khi luộc, vặn lửa to dần đến khi nước sôi. Khi nước sôi, dùng thìa vớt bọt.
Khi ngan chín, bạn tắt bếp, để ngan trong nồi đến khi nguội để thịt không bị dai. Khi ngan nguôi, vớt ra, chặt miếng mỏng và dài.
Nguồn: feedy