Khoảnh khắc nhìn thấy chiếc que thử thai hiện 2 vạch, chị Dung đã bật khóc không tin đó là sự thật.
Tết năm nay, ngôi nhà nhỏ của chị Dung (27 tuổi – Tây Ninh) tràn ngập tiếng cười, hạnh phúc hơn những cái Tết trước rất nhiều. Là bởi vợ chồng chị không còn phải đối diện với những câu hỏi: Bao giờ có con? Vợ chồng cháu không định sinh con à?… Chị bảo, những lúc đó, chị chỉ biết buồn tủi và khóc. Nhưng giờ đây, mọi việc đã khác, vợ chồng chị có 2 “cục vàng” ẵm trên tay đi chúc Tết họ hàng, không gian ngôi nhà luôn đầy ắp tiếng con thơ.
Nỗi niềm mong chờ được mang thai
Kết hôn được 2 năm, vợ chồng chị Dung không thấy tin vui dù “chuyện ấy” diễn ra đều đặn. Quá lo lắng, họ quyết định lên Sài Gòn, đến bệnh viện Từ Dũ kiểm tra. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán chị Dung bị tắc vòi trứng và xác định mổ thông. Chị cho hay, phẫu thuật xong, chị khỏe trở lại và hi vọng thai sẽ đậu. Nào ngờ, ngày qua tháng, chị mong mỏi bao nhiêu thì ước nguyện được làm mẹ cứ xa vời.
Không nản chí, chị Dung lại đến Sài Gòn kiểm tra. Lần này, bác sĩ khuyên vợ chồng chị tiến hành bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Chị đã đồng ý làm nhưng kết quả không thành công. Tiếp đó, chị vẫn miệt mài làm đi làm lại nhiều lần vẫn không hề thấy tiến triển.
“Quãng thời gian chạy chữa, mình như chìm đắm trong tuyệt vọng, buồn tủi và khổ đau. Tháng nào kỳ kinh đến muộn, vợ chồng mình cũng hồi hộp, lo âu chờ đợi que thử thai hiện 2 vạch đỏ. Nhưng thời khắc cầm que thử, mình chưa bao giờ được thở phào nhẹ nhõm. Thay vào đó, mình chỉ biết khóc thầm và oán trách số phận sao hẩm hiu đến thế!”, chị Dung nghẹn ngào.
Sau bao tháng ngày chạy chữa, vợ chồng chị Dung vẫn không thể có con. Dường như, niềm hi vọng nhỏ nhoi trong họ đã vụt tắt. Có lẽ, trên cuộc đời này, chỉ những ai cùng hoàn cảnh muộn con mới thấu hiểu được cái cảm giác chờ đợi một đứa trẻ “xuất hiện” khổ đau như thế nào.
Sau tất cả, con yêu đã về
Thất vọng và buồn chán, chị Dung đã buông bỏ tất cả. Chị bảo, “cuộc chiến” tìm con quá đỗi mệt mỏi. Vì vậy, chị không muốn chạy chữa ngược xuôi thêm lần nào nữa, để mọi thứ thuận theo tự nhiên.
“Hễ ra ngoài, người làng lại hỏi câu cửa miệng “Cháu cưới hơn 6 năm rồi mà chưa có em bé à?” hay “Bao giờ thì đẻ? Có “tịt” không con?”,…Nghe mà đau lòng nhưng mình chẳng biết nói làm sao. May rằng, những lúc tủi hờn mong con, bố mẹ và ông xã thường động viên, an ủi nên cũng bớt phần nào.”, chị Dung chia sẻ.
Dù “thả” tự nhiên, vợ chồng chị Dung vẫn không thấy gì. Do đó, chị đã “đứng dậy” tiếp tục chạy chữa theo phương pháp y học hiện đại. Chị cho biết, chị tìm đến một phòng khám tại Sài Gòn. Thay vì làm thụ tinh nhân tạo, chị quyết định tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.
Ngay lần đầu làm IVF, chị Dung đã đậu thai. Chị nhớ lại: “Lúc que thử thai hiện 2 vạch đỏ, mình không tin đó là sự thật. Vì vậy, mình thử đi thử lại nhiều lần. Sau đó, mình run rẩy, khóc òa như đứa trẻ vì que nào cũng rõ 2 vạch. Cuối cùng, mong ước nhỏ nhoi của vợ chồng mình đã thành hiện thực”.
Chị Dung có bầu, gia đình ai nấy đều vui mừng và hạnh phúc. Đặc biệt, niềm vui ấy được nhân đôi khi tháng thứ 3 thai kỳ, bác sĩ thông báo chị mang song thai.
Những ngày đầu, chị Dung nghén không ăn được bất cứ thứ gì. Thậm chí, chị phải xin nghỉ làm, ở nhà nằm tại chỗ giữ thai. Chị bảo, vì hiếm muộn lâu năm, gia đình không muốn có bất cứ chuyện gì xấu xảy ra. Vì vậy, chị buộc phải kiêng khem đi lại, giữ sức khỏe để nuôi 2 con phát triển, chờ ngày chào đời.
9 tháng 10 ngày thai nghén, chị Dung đã sinh được 2 bé: 1 trai, 1 gái kháu khỉnh. Khoảnh khắc các con chào đời và nằm trong vòng tay của chị Dung đã làm chị rơi nước mắt. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ sau 7 năm miệt mài chạy chữa tìm con.
Theo WTT
Xem thêm: Con nhớ Papa kìa, Papa mau về với con đi nè