Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. HCM vừa điều trị một trường hợp trẻ bị rắn cắn suýt mất mạng chỉ vì sự chủ quan của gia đình: sau 4 tiếng khi trẻ lơ mơ, buồn nôn, vết cắn sưng tụ máu lớn mới đưa đi bệnh viện.
Theo Khoa Nội tổng hợp, bệnh viện Nhi đồng 2, bé gái 7 tuổi nhà tại quận Thủ Đức, TP. HCM nhập viện trong tình trạng vết cắn chỗ tay bé sưng tấy tụ máu, lan nhanh, cử động khó khăn; người lo lắng, khó thở, buồn nôn, lơ mơ.
Gia đình bé cho biết, trước đó vào buổi sáng bé chơi cùng bạn ở trước nhà rồi đột nhiên có con gì cắn vào tay nhưng hỏi thì bé nói không biết con gì. Khi ra ngoài quan sát, gia đình thấy có tổ ong ở trên hai cây nhỏ ngay vị trí bé chơi nhưng không nghĩ là ong chích.
Nghĩ bình thường, gia đình không đưa bé đi bệnh viện. Đến chiều cùng ngày, chỗ tay bé sưng tấy tụ máu, lan nhanh, cử động khó khăn; người lo lắng, khó thở, buồn nôn, lơ mơ nên gia đình vội vã đưa đến bệnh viện Nhi đồng 2.
Khi bác sĩ hỏi, gia đình cũng nói không biết con gì cắn bé nên chẩn đoán ban đầu là côn trùng cắn không rõ và loại trừ do rắn cắn. Bé sau đó được lấy máu đưa đi xét nghiệm, kết quả có tình trạng rối loạn đông máu nặng.
Dựa vào sang thương vết cắn, vùng địa lý và tình trạng rối loạn đông máu, bác sĩ nghi ngờ bé bị rắn lục cắn. Sau đó, bé được truyền huyết thanh kháng nọc rắn kết tủa lạnh, kháng sinh và các biện pháp điều trị hỗ trợ, tình trạng đông máu của bé đã được ổn định vào ngày hôm sau.
Điều gia đình bé băn khoăn là trước nhà lâu nay không thấy có rắn sống và cắn người nên tìm kiếm trong nhà thử thì bất ngờ phát hiện có con rắn lục đuôi đỏ sống mà không biết. Con rắn lục đuôi đỏ sau đó bị giết và được gia đình báo với bác sĩ để có hướng điều trị cho bé.
Các bác sĩ đưa ra cảnh báo, khi bé bị con vật cắn chưa rõ loại mà có những dấu hiệu như sưng nề lan rộng nhanh, đau nhức dọc chi bị cắn; chảy máu không cầm; buồn nôn, đau đầu, nặng mi mắt, sụp mi, khó nuốt, khó thở, lơ mơ, nước tiểu đen…thì gia đình nên nghi ngờ rắn cắn và cho bé nhập viện ngay lập tức.
Trường hợp đã biết rắn cắn thì phải giữ bình tĩnh, dùng cây hay gậy lấy rắn ra. Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước, sát trùng bằng dung dịch Betadine hay Povidine nếu có.
Nẹp cố định chi bị rắn cắn như nẹp gãy xương và băng ép từ trên vết thương xuống. Lưu ý băng ép được khuyến cáo với nhóm rắn hổ, không nên áp dụng cho nhóm rắn lục vì có thể làm tăng nguy cơ hoại tử tại chỗ. Hạn chế hấp thu nọc độc theo đường bạch huyết, ví dụ như bị rắn cắn ở mắt cá thì băng ép từ cẳng chân xuống.
Nên để chi thấp hơn tim và chi bị rắn cắn phải tránh cử động tuyệt đối để không làm tăng hấp thu nọc độc.
Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, nên đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu vì huyết thanh kháng nọc rắn nên dùng sớm, tốt nhất trong 4 giờ đầu. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Nếu có thể, mang theo con rắn đã bị đập chết đến cơ sở y tế để bác sĩ xác định thuốc kháng nọc rắn phù hợp.
Đặc biệt lưu ý khi bị rắn cắn là không cột ga-rô sẽ gây thiếu máu nuôi phía chi bên dưới. Cắt lể, nặn máu hay hút nọc độc sẽ gây nhiễm trùng, chảy máu tại chổ và tăng hấp thu nọc độc. Đắp lá hay rễ cây có thể gây nhiễm trùng vết thương.
Phụ huynh đề phòng rắn cắn cho con bằng cách, phát quang môi trường sạch sẽ, ra ngoài vườn nên mang ủng và bao tay, khi cần đi qua các bụi rậm dùng cây gây tiếng động trước. Dùng đèn pin khi đi ban đêm.
Tránh để bé chơi tại các đống củi, gỗ khô, bụi râm. Đặc biệt, xem kĩ trong nhà, nơi các ngóc ngách tối mà rắn có thể bò vào sống mà không hề hay biết.