Con bị bệnh viêm tai nhưng cha mẹ không đưa đến các bệnh viện, trung tâm y tế chuyên khoa tai mũi họng uy tín khám, điều trị mà tin vào các bài thuốc quảng cáo trên mạng, dẫn đến hậu quả tiền mất, con bị điếc.
Chị Nguyễn Thị Thanh (28 tuổi, ngụ quận 1, TP. HCM) có con 2 tuổi bị sốt, sổ mũi, ho, quấy khóc liên tục. Chị Thanh quan sát con thì thấy có nước mủ chảy ra ở tai nhưng lại không đưa con đi khám mà ra hiệu thuốc kể triệu chứng rồi mua thuốc về cho uống. Bé uống được 3 ngày vẫn chảy mủ khiến chị Thanh lo lắng hơn nhưng tâm lý chần chừ vẫn không đưa đi bệnh viện.
“Trong nhóm các mẹ trẻ tôi tham gia trên Facebook, thấy có chị giới thiệu thuốc chữa mủ chảy ra tai ở trẻ thành công nên tôi có vào nhờ tư vấn. Nhiều chị em khác sau đó cũng vào hỏi, tôi tin tưởng nên mua một lọ hết 600 ngàn đồng về nhỏ thử trong 10 ngày nhưng con không khỏi mà mủ chảy nhiều hơn mới hoảng hồn đưa đi bệnh viện…”, chị Thanh nói.
Trường hợp thứ hai, chị Võ Thị Ngân (26 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) có con 3 tuổi cũng bị chảy mủ ở tai, hay quấy khóc, nóng sốt. Khi đưa đến phòng khám tư thì xác định con bị viêm tai, cho rửa tai và cấp thuốc về uống thế nhưng không khỏi.
Chị Ngân cũng tình cờ lướt trên mạng Facebook thấy có chuyên trang quảng cáo bán thuốc nhỏ tai gia truyền 550 ngàn đồng hủ nhỏ tai 5-10 ngày là khỏi nên mua. Thế nhưng nhỏ một hủ tai con không khỏi, chị Ngân điện hỏi mua thêm hủ khác nhỏ tiếp.
Chị Ngân nói: “Thấy con cứ khóc, mùi hôi nặng lại chảy máu mới hoảng hồn đưa đi bệnh viện chuyên tai mũi họng điều trị”.
Con chị Thanh và chị Ngân sau đó được bác sĩ khám xác định bị viêm tai giữa riêng con chị Ngân do dùng thuốc không rõ khiến mưng mủ nặng, chảy máu do thủng màng nhĩ, bị điếc khiến chị vô cùng hối hận.
Theo bác sĩ Đỗ Văn Hà, chuyên khoa tai mũi họng của một bệnh viện tại TP. HCM, viêm tai giữa cấp là một bệnh lý chỉ tình trạng viêm cấp tính ở tai giữa thường hay gặp ở trẻ. Nguyên nhân thường hay gặp do trẻ ăn uống bị nôn trớ, dịch dạ dày, thức ăn trào vào vòi nhĩ tai dẫn đến viêm tai giữa. Ngoài ra trẻ bị viêm mũi họng do thời tiết lâu ngày lan lên tai rồi bị viêm tai giữa…
Biểu hiện của viêm tai giữa cấp là trẻ hay sốt, kém ăn, bỏ bú, nôn…đặc biệt đau tai, khó chịu ở tai, chảy mủ mà cha mẹ không biết.
“Do bệnh để lâu hoặc dùng thuốc sai, không đúng chỉ dẫn nên sức nghe bé bị giảm, điếc đặc, từ đó kéo theo chậm nói, ngờ nghệch. Nếu để càng lâu, bệnh viêm tai giữa cấp ở trẻ sẽ gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não, liệt dây thần kinh mặt, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên… dễ gây tử vong”, bác sĩ Hà cho biết.
Chính vì vậy, khi trẻ có các dấu hiệu bị viêm tai giữa cấp như trên, cha mẹ nên kịp thời đưa đến các bệnh viện, trung tâm y tế chuyên khoa tai mũi họng để khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, không nên tin dùng thuốc quảng cáo tự pha chế dạng nước, dạng bột, dầu để nhỏ tai…dẫn đến trẻ bị nhiễm trùng biến chứng nặng, điếc, tử vong.