Em có nhỏ bạn mới sinh con xong. Trước khi nó sinh em cũng đã chuyển nhiều tài liệu cho đọc và kể kinh nghiệm thực tế từ những vấn đề em đã gặp từ khi sinh con đến khi con 2 tuổi. Nó cũng nghe và tấm tắt em có đọc rồi em có hiểu rồi.
Nhưng sau khi con nó đầy tháng, nó chat với em và cầu cứu “Đúng là lần đầu làm mẹ, làm gì cũng lúng túng, kiến thức đã nhận được không biết áp dụng sao với tình hình thực tế của con.”
Em lại lần mò lại lần nữa những tài liệu mà em nghĩ là hoàn toàn bổ ích cho bạn em và con của nó. Các mẹ đừng nghĩ đây chỉ là lý thuyết, mọi lý thuyết hầu như được đút kết từ chia sẻ của các bà mẹ và công cuộc nghiên cứu về giấc ngủ của các chuyên gia.
Như em đây cũng vậy, để rèn được con tự ngủ từ nhỏ, trước tiên em phải là bà mẹ nắm vững mọi nguyên tắc của việc rèn con ngủ, sau đó mới là theo dõi tình hình thực tế của con, ghi chép lại đầy đủ quá trình con tập ngủ thế nào, sau 3 tuần em mới đạt được kết quả. Nghĩ lại những ngày tháng cực khổ đó, em vẫn thấy rất đáng. Nhưng đó là chặng đường em rất quyết tâm, theo sát con, hiểu con từng tí một xem con muốn gì và muốn như thế nào. Em không đủ can đảm nghe con khóc kiểu cry it out, nên em cứ từ từ, nhẹ nhàng với con, cho con môi trường tốt nhất, thiết lập cho con routine tốt nhất, dành hết thời gian quan sát và uốn nắn cho con.
Kết quả mỹ mãn các mẹ à. Giờ con em hơn một tuổi, vẫn ngủ tốt 2 giấc ngày và 1 giấc đêm, ngủ xuyên đêm từ 7h đêm đến 6 giờ sáng. Vợ chồng em cũng vì thế mà có thời gian cho nhau, cho bản thân nhiều hơn.
Đây là 10 dấu hiệu và những điều mẹ cần làm, cần tránh để con có giấc ngủ ngon, tự ngủ được.
1. Nhận biết dấu hiệu khi con buồn ngủ
Nhiều bé ham chơi quên cả buồn ngủ là gì, lúc này các mẹ cần giữ không gian yên lặng, hoặc lảng đi một tí. Rất nhanh thôi các mẹ sẽ thấy em bé ngáp nhẹ, hoặc dụi mắt, khóc lóc… Đó là lúc các mẹ cần cho em đi ngủ. Hoặc để luôn đọc đúng cơn bùn ngủ của con, hãy ghi chép cẩn thận giờ đi ngủ của con. Đơn giản một điều khi để quá cơn, bé sẽ khóc dữ hơn và rất khó để chìm vào giấc ngủ.
2. Không nên đánh thức khi bé ngủ gật hoặc ngủ ngắn
Nếu bé đang ăn mà ngủ gật, mẹ cứ để cho bé ngủ, hoặc khi đang đi dạo trên xe đẩy mà bé ngủ thiếp đi, mẹ hãy đưa bé vào một nơi mát mẻ, yên tĩnh để bé tiếp tục giấc ngủ của mình. Vì bé chỉ cần ngủ giấc ngắn 20 phút là bé đủ tỉnh táo cho những hoạt động tiếp theo, nhất là trước giấc ngủ xuyên đêm. Mẹ chỉ đánh thức nếu bé đang ti mẹ mà ngủ gật, vì bé không nạp đủ lượng sữa cũng như dễ bị sặc sữa.
3. Trẻ nhỏ ngủ rất nhiều
Con của mình là một bằng chứng của việc ngủ ngày ngủ đêm, thậm chí có ngày bé ngủ cả 18 tiếng ngay khi bé tròn 4 tháng. Còn trung bình thì các bé sơ sinh cần ngủ đủ 16 tiếng mỗi ngày. Lớn lên một tí, bé tự điều chỉnh giấc ngủ ngày ít đi, dồn vào giấc ngủ đêm từ 12 – 14 tiếng và 2-3 tiếng ban ngày. Khi 6 tháng, hầu hết các bé đều có thể ngủ một giấc xuyên đêm mà không thức dậy.
4. Cho bé theo trình tự Ăn – Chơi – Ngủ
Hãy cho bé ăn ngay khi bé thức giấc, sau đó mẹ cho bé những bài tập vận động nhẹ nhàng, hay cho bé tự chơi, hoặc mẹ thay tã, hát, nói chuyện cùng bé. Điều mẹ cần tránh là cho bé vận động quá nhiều trước giấc ngủ đêm khiến bé quá mệt mỏi, khó chìm vào giấc ngủ.
5. Kéo dài nap ngày hơn
Theo từng độ tuổi mà có thể rút 3 nap ngày của bé xuống còn 2 thậm chí là 1. Nghĩa là thay vì bé chỉ ngủ tối đa 20 phút mỗi nap, mẹ hãy cho bé thức lâu hơn một tí, sau đó cho bé đi ngủ. Nếu bé giữ thói quen 20 phút là thức dậy, thì mẹ canh từ giờ bé ngủ đến gần 20 phút, mẹ vỗ mông bé để bé tiếp tục giấc ngủ của mình. Thực hiện tốt điều này, mẹ có thể có giấc ngủ trưa ngon lành từ 1 – 2 tiếng.
6. Cho con ngủ khi đang đi trên đường
Nhiều em bé cứ lên xe ô tô hoặc khi được mẹ ôm trong lòng là ngủ, vì bé nhỏ rất thích những chuyển động nhẹ nhàng, cảm thấy ấm áp và quen thuộc như ở trong lòng mẹ. Mẹ chỉ áp dụng chiêu này khi có việc đưa con ra ngoài thôi. Còn lại, hãy để bé ngủ trên đúng chiếc giường của bé.
7. Thiết lập routine (thói quen) cho bé
Mẹ là người hiểu con nhất, và mẹ chủ động thiết lập thói quen đi ngủ cho bé. Bằng cách đơn giản nhất là hãy cho bé ngủ trưa vào những giờ cố định. Đồng thời cho bé ngủ giấc cuối trước 4 giờ chiều, để bé thức vừa đủ và đi ngủ vào giấc tối. Cũng như trước khi ngủ đêm, mẹ tạo cho bé một loạt thói quen được lặp đi lặp lại: tắm, massage, thay đồ ngủ, bú sữa… Mẹ kiên trì đến khi bé nhận ra đây chính là lúc phải đi ngủ, thì bé sẽ dễ ngủ và ngủ xuyên đêm luôn.
8. Đừng “hết hồn” khi con khóc
Trong lúc ngủ, bé nhỏ hay ú ớ, nấc cụt và thậm chí là khóc, ắt xì hơi. Mẹ hiểu được điều này và hãy để yên cho con tự dỗ mình và chuyển giấc tiếp theo. Nhưng khi mẹ nhận ra bé khóc vì tã ướt, vì đói hay không an toàn, hãy kiểm tra toàn bộ giường ngủ và cơ thể bé ngay nhé!
9. Hãy đặt xuống ngay khi em còn thức
Nhiều cha mẹ có sai lầm là bồng bế con đến khi con ngủ say mới thả con xuống giường/cũi. Khi rời vòng tay mẹ, bé sẽ thức dậy ngay như một điều tất yếu. Bất kỳ em bé nào cũng có khả năng tự chìm vào giấc ngủ mà không cần mẹ hỗ trợ. Những sự hỗ trợ của mẹ bao gồm rung lắc, hát ca, và cho ti mẹ để ngủ. Một vật mẹ có thể cho bé để bé dễ ngủ hơn chính là ti giả. Chiếc ti giả phù hợp sẽ giúp bé tự trấn tĩnh bản thân, và mau chìm vào giấc ngủ hơn.
10. Luôn xem trọng sự an toàn của con
Cho dù con đã ngủ, mẹ cũng nên kiểm tra con đang như thế nào. Hãy cho bé ngủ đúng chỗ của bé, một chiếc cũi an toàn. Nếu đắp chăn, hãy luôn bảo đảm chăn nằm dưới hai cánh tay của bé, và xung quanh bé có các vật không an toàn như gối, thú bông hay đồ dùng nào khác không.
Theo WTT
Xem thêm: Cùng xem chuyên gia dạy cách giỗ trẻ khóc cực nhanh.