Từ nhỏ, Phong đã được mẹ dạy phải giúp đỡ những bạn nào thiệt thòi hơn mình chứ không được coi thường hay trêu đùa bạn. Bố mất sớm, chỉ có mình mẹ vất vả nuôi Phong nên lúc nào Phong cũng tự nhủ không được làm mẹ buồn. Mới 7 tuổi nhưng Phong sống rất tự lập, chuyện gì không làm được Phong mới nhờ mẹ giúp.
Con trai nhưng Phong đã biết cầm chổi quét nhà dù chưa sạch lắm, biết gấp quần áo dù chưa phẳng phiu, xách đồ giúp mẹ khi mẹ đi chợ dù cho vẫn làm rơi đồ. Nhưng mẹ chẳng bao giờ mắng Phong, chị nghĩ đơn giản, mắng con, sau này con sẽ không bao giờ làm nữa. Chị động viên con cố gắng, sau này hãy làm tốt hơn.
Dạo này bận quá nên chị để con ăn trưa ở trường luôn. Nhưng Phong hơi khó ăn nên chị luôn chuẩn bị sẵn cơm cho con mang đi học rồi nhờ cô giáo hâm nóng lại cơm cho con. Thời gian đầu, thằng bé khá ngoan và nó thích nghi nhanh với nếp sống mới. Chị cũng dần yên tâm hơn. Chị nghĩ, chị thật may mắn khi có đứa con ngoan ngoãn như Phong.
Nhưng dạo này thằng bé có vẻ lạ. Những đồ ăn mà trước kia gần như nó không bao giờ động vào nay lại kêu chị mua cho nó để nó mang đi học ăn.
– Con muốn ăn nó thật chứ? – Chị khẳng định lại một lần nữa để khi mua về không bị mất công.
– Vâng ạ! Con muốn ăn thật. Mẹ cứ mua cho con nhé! – Nó hào hứng và còn cảm ơn chị.
Sách và truyện cũ của thằng bé tự nhiên dạo này chị cũng thấy nó mang đi học. Sợ con ham chơi, đọc truyện nhiều không chịu học, chị lo lắng:
– Đến trường, con nên chú tâm vào việc học, đừng đọc truyện nhiều, lỡ đãng việc học làm mẹ buồn nhé!
Chị nhắc khéo con. Thằng bé nhìn chị gật đầu rồi cắm cúi chỉnh lại từng trang giấy trong mỗi cuốn truyện cũ.
Chưa dừng lại ở đó, dạo này Phong còn đòi mang theo hai suất cơm đi học nữa. Chị giật mình:
– Một mình con ăn được hai suất cơm ư? – Chị gặng hỏi
– Vâng ạ! Dạo này con hay đói lắm nên con muốn ăn thêm bữa phụ trong giờ ra chơi. – Thằng bé líu lo.
– Mẹ có thể mua thêm sữa hoặc bánh cho con! – Chị gợi ý.
– Nhưng con thích ăn cơm cơ. Mà không được hả mẹ? – Thằng bé lí nhí.
– Được chứ con! – Chị xoa đầu nó.
Vậy là chị chuẩn bị hai suất cơm cho nó. Chị đã định gọi điện hỏi cô giáo xem có đúng là thằng bé ăn cơm không hay lại mang đổ đi. Nhưng sợ phiền cô giáo quá nên chị quyết định không gọi nữa mà trực tiếp kiểm tra con. Trưa hôm đó, chị đột ngột đến trường con. Hình ảnh trước mắt khiến chị không dám tin. Thằng bé… Đã nói dối…
Nó không hề ăn hai suất cơm, nó chỉ ăn 1 suất, còn 1 suất, nó nhường cho cậu bạn cùng bàn. Chị tối sầm mắt lại. Con chị đã nói dối. Chị không dám tin là nó nói dối. Tối đó về nhà, chị giận lắm nhưng vẫn cố gắng nhẹ nhàng với nó:
– Sao con nói dối mẹ về chuyện hai suất cơm!
– Con… Con chỉ… – Thằng bé sợ hãi, ấp úng
– Con giải thích ngay lý do cho mẹ đi! – Chị thấy máu nóng bốc lên mặt.
– Bạn ấy nhà rất nghèo, không thể đóng tiền ăn trưa, toàn ăn bánh mì nên con mới nhờ mẹ chuẩn bị hai suất cơm để con đưa cậu ấy 1 suất. Còn truyện tranh, cũng là con cho cậu ấy mượn đọc. Nhà cậu ấy nghèo lắm mẹ ạ! – Thằng bé lí nhí.
Chị sững sờ. Chị không dám tin con chị còn nhỏ nhưng nó đã có những suy nghĩ lớn như vậy. Ôm chặt con vào lòng, xoa đầu con, chị nhẹ nhàng:
– Con làm tốt lắm! Mẹ vô cùng tự hào về con!
Thằng bé ngơ ngác, nó còn tưởng mẹ sẽ nổi giận, sẽ mắng chửi nó cơ. Ai ngờ đâu, mẹ lại khen nó ngoan, giỏi cơ chứ. Nhìn mẹ, nó ngập ngừng:
– Vậy mai mẹ còn chuẩn bị cho con hai suất cơm nữa không ạ?
– Có chứ. Tất nhiên rồi con trai!
Thằng bé hôn lên má chị cảm ơn rồi tung tăng đi về phòng. Nhìn thằng bé vui vẻ khi giúp đỡ được bạn khó khăn, chị rơi nước mắt. Chị đã không sai khi đi theo cách dạy con này. Thương người, sống hiền lành, ắt sẽ được trời thương mà thôi. Con chị, chị tin sau này sẽ còn làm được nhiều lớn lao ý nghĩa hơn như thế!
Theo WTT
Xem thêm: Để trẻ chơi 1 mình như thế này đấy các mẹ à???