9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau của người mẹ này đã kết thúc trong nỗi mất mát không gì tả xiết khi các bác sĩ đỡ đẻ đã dùng kẹp hỗ trợ cuộc sinh làm gãy xương sọ của em bé sơ sinh… Đứa bé bé bỏng cuối cùng đã không qua khỏi.
Chín tháng thai nghén, một quãng thời gian không nhỏ sống với niềm hi vọng sẽ sinh hạ một đứa trẻ xinh xắn, thông minh, khỏe mạnh. Nhưng hi vọng dập tắt với Rachel Melancon, 24 tuổi, và chồng cô, Allen Coats. Ước mơ của họ đã biến thành một cơn ác mộng khi bác sĩ thúc đẩy và hỗ trợ sự ra đời của bé Olivia bằng cách đặt kẹp forceps quanh hai bên đầu em bé. Chiếc kẹp định mệnh này đã để lại các vết nứt khi đứa bé chào đời.
Rachel là một người mẹ khỏe mạnh trong suốt thai kỳ.Chỉ có một vấn đề khiến cô lo lắng là đã qua ngày dự sinh mà em bé vẫn chưa ra đời, hơn nữa, thai nhi lại khá to; nên Rachel yêu cầu được sinh mổ. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết nếu đẻ mổ, cô sẽ phải chịu vết sẹo mổ rất dài nên khuyên Rachel nên sinh thường.Khi chuyển dạ, nhịp tim của em bé cũng được ghi nhận là tim thai đều đặn, dù nhịp tim của mẹ tăng. Allen Coats, chồng sản phụ, chia sẻ rằng
“5 tiếng đồng hồ đã trôi qua, lúc đó vợ tôi bị sốt cao 39,4 độ C. Khi cổ tử cung mở hoàn toàn, cô ấy đã qua mệt mỏi và yếu…”.
Các bác sĩ phải mất 18 giờ đồng hồ mới đưa được Olivia ra khỏi bụng mẹ. Rachel đã cố gắng rặn để đẩy bé ra, nhưng không thành công vì cô đã kiệt sức. Ekip đỡ đẻ đã thông báo với sản phụ rằng thai nhi nằm sai vị trí, nên không thể lọt qua cửa mình người mẹ; cuối cùng vị bác sĩ đã phải cố dùng tay của ông ta để trở đứa bé lại nhưng cũng không được. Tình thế cấp bách khiến ông phải dùng một cái kẹp nhỏ để cố kéo em bé ra. Trong khi cố hết sức bình sinh để kéo bé ra, ông ấy thậm chí còn đạp chân lên bàn sinh để lấy thế.
“Khi ông ta đụng đến đầu và hộp sọ của Olivia, chúng tôi nghe thấy một tiếng bốp, giống như tiếng đồ gốm bị nứt bể”, Allen Coats nói, “Một âm thanh cực kỳ tệ, đó là tiếng hộp sọ của con gái tôi bị nứt”.
Thật khủng khiếp, đứa bé không thể chào đời, vẫn cứ ở vị trí thập thò nơi cửa mình người mẹ; và ekip đỡ đẻ ngay lập tức đưa Rachel đến phòng mổ để lấy thai ra khẩn cấp. Nhưng khi các bác sĩ đưa được Olivia ra ngoài thì cô bé đã gần như ngừng thở. “Tôi có thể cảm nhận được con gái tôi bị lôi ra, sau đó, sự im lặng bao trùm cả phòng sinh. Không có bất cứ tiếng trẻ khóc, đó là điều cuối cùng tôi còn nhớ…”. Rachel đã kể lại hành trình sinh nở bi thảm của mình trên facebook như thế.
Sau khi chào đời, Olivia đã được đưa ngay đến bệnh viện Hermann Hospital. Tại đây các bác sĩ cho biết bé đã bị gãy rất nhiều xương. Rachel và chồng đặt tên bé là Olivia Marie, và cô con gái xinh xắn bé bỏng của họ chỉ sống sót được hơn năm ngày thở bằng dụng cụ hỗ trợ, sau khi được chẩn đoán là bị tổn thương não, hộp sọ bị nứt và bị đứt tủy sống.
Quá đau xót trước sự ra đi oan ức của con gái, cha mẹ của Olivia đang có kế hoạch sẽ khởi kiện bác sĩ sản khoa của họ, ông George T Backardjiev cùng với trung tâm y tế Medical Center of Southeast Texas. Họ cũng lập nên trang Facebook để đưa ra những lời khuyên hữu ích cho các bậc cha mẹ trong quá trình mang bầu sinh nở; đồng thời cố gắng dùng trường hợp của con mình để vận động chống lại việc sử dụng kẹp gắp để trợ sinh.
Gãy xương sọ là một nguy cơ phổ biến của biện pháp trợ sinh bằng kẹp forceps; đây là một thông tin vô cùng quan trọng mà các bậc làm cha làm mẹ nên biết. Việc sử dụng kẹp chỉ nên được thực hiện khi cổ tử cung của người mẹ đã mở hoàn toàn, ối đã vỡ và em bé đã nằm đúng vị trí nhưng không thể lọt qua cửa mình của mẹ. Chính vì thế, nếu cần phải dùng đến những dụng cụ ấy trong khi hỗ trợ sinh, hãy chọn cách mổ lấy đứa bé ra.
Sử dụng kẹp forceps không chỉ ẩn chưa rủi ro tiềm ẩn cho thai nhi, như:
– Chấn thương nhẹ vùng mặt do áp lực từ kẹp;
– Nứt sọ;
– Xuất huyết não;
– Co giật…
Mà còn khiến người mẹ bị tổn thương, như:
– Đau âm ỉ các mô ở vị trí giữa âm đạo và hậu môn sau khi sinh;
– Rách và chảy máu bộ phận sinh dục;
– Người mẹ sẽ khó tiểu tiện sau khi sinh;
– Gây thiếu máu do mất máu trong khi sinh;
– Loét bàng quang;
– Nguy cơ vỡ tử cung;
– Các cơ bắp và dây chằng vùng xương chậu sẽ suy yếu.
Ở nước ngoài y học tiên tiến hiện đại mà còn tồn tại những tai nạn khi sinh thế này thì những người mẹ Việt càng phải trang bị kiến thức, học hỏi kinh nghiệm để trải qua cuộc vượt cạn an toàn “mẹ tròn con vuông”!
Theo Webtretho