Câu chuyện này, em nghĩ là rất nhiều mẹ sẽ đồng cảm với em, nhất là các mẹ có 2 con cùng một lúc. Như em đây, ẵm bé nhỏ từ viện về nhà lúc bé trai đầu tròn 20 tháng. Em nhớ hoài cảm giác con trai gặp lại mẹ sau 5 ngày mẹ đẻ em ở bệnh viện, thì mừng rỡ ra mặt, chạy lại bên em ngay lập tức.
Rồi con khựng lại, nhìn thấy trên tay mẹ là một bạn nhỏ khác, mà mẹ thì không ôm con ngay lúc này. Thế nên chàng ta nhìn sững, đến khi hiểu ra thì em thấy con mếu máo, nước mắt chảy dài và quay lại ôm bà nội chặt cứng rồi khóc òa lên. Hình ảnh lúc đó, chắc mấy chục năm sau em cũng không thể nào quên được.
Chiều tối con trai mò lại ôm em, đòi em bồng, em chỉ dám ôm con thôi chứ không dám ẵm vì vết mổ còn non quá. Và ráng vuốt ve con, nói chuyện với con. Chính em, em cũng rất nhớ con sau 5 ngày xa cách, bạn nhỏ kia đâu có ảnh hưởng được tình cảm mẹ dành cho đứa con đầu lòng của mẹ. Mà đúng là thời gian ở cữ và chăm sóc con nhỏ, làm em bớt quan tâm hơn cho con trai, thời gian trò chuyện và vui chơi với con rất ít. Em nhớ đến khoảng 3 tháng thì con trai mới làm quen với việc mình có một em gái trong nhà, trong lòng mẹ, trên giường ngủ của cả nhà. Nhưng khi con còn nhỏ, con vẫn còn đành hanh với em, vẫn khóc hất em ra khi mẹ ôm dỗ em khi em khóc quấy. Rồi còn những khi con trai phá, bị mẹ mắng, con ức chế là con chạy lại chỗ em nằm và đánh mạnh lên đầu em. Em đau lòng khi chứng kiến cảnh này, chỉ biết ôm con trai vào lòng, dỗ dành và nói rằng “đó là em con, mẹ thương cả hai anh em, con cũng hãy thương yêu em gái nha.”
May mắn khi con trai gần 3 tuổi, con gái hơn 1 tuổi, con trai đã không còn ganh tỵ với em gái. Em và chồng cũng khéo léo chia sẻ nhau, em ôm con trai thì chồng ôm con gái, mua đồ chơi gì cũng mua 2 món, mua nhiều hơn tí, để khi em giật đồ chơi của anh, anh sẽ biết chạy lại lấy món khác và ngồi chơi với em. Hạnh phúc biết bao khi chứng kiến hai anh em chơi với nhau như hai người bạn và thương yêu nhau thật nhiều.
Thế nhưng chiều nay, đọc bài này trên mạng, em cảm thấy em còn thiếu xót với con trai nhiều quá, em gởi ngay cho chồng đọc, và 2 vợ chồng tự hỏi nhau “Mình có trong số này không, mình đã dành đủ tình yêu thương cho con trai của mình chưa?”. Đồng thời em thu xếp công việc tốt để về sớm đón con đi học về, cho con ra sân chơi cát vui chơi.
Câu chuyện dưới dây cực kỳ hay và ý nghĩa, thức tỉnh những bậc cha mẹ có 2 con, hãy cân bằng với cả hai, yêu thương đủ đầy cả 2.
“MẸ BỎ EM RA VÀ ÔM CON MỘT LÚC, ĐƯỢC KHÔNG?”
Các mẹ có 2 con hãy đọc nhé:
Nước mắt ngắn dài thi nhau chảy, tôi tìm San, ôm ngay con bé vào lòng: “Xin lỗi con, nhưng từ nay mẹ sẽ học cách ôm con lại từ đầu!”.
Tôi lên xe hoa về nhà chồng khi cái bụng đã lùm lùm sau lớp váy áo cô dâu. Vì trót “ăn cơm trước kẻng”, lại không muốn mất lòng bố mẹ chồng, nên tôi luôn gồng mình lên làm tất thảy mọi việc, như thể chứng minh rằng mẹ con tôi sẽ không làm phiền ai cả. Và dù có thai hay sau này sinh em bé ra đi nữa, tôi vẫn có thể tự lập được.
Quả vậy, bé con đầu lòng của tôi khi sinh ra cũng biết điều, ngoan ngoãn như một chú cún con khi ngủ say mỗi hai mươi tiếng một ngày trong những ngày đầu chào đời. Tôi có thời gian tự phục vụ và rảnh thì lại mang sách vở ra để viết bài gửi cộng tác với các báo. Tôi đã nghĩ, trên đời này không còn em bé nào ngoan hơn em bé của tôi khi đó.
Bé con tên San, vẫn lớn lên từng ngày với cái sự biết ý, chẳng hề mè nheo khi mẹ làm việc. Lúc biết lật thì nằm lật mút tay một mình, lúc biết ngồi thì ngồi say mê giữa đống đồ chơi chẳng cần ai bên cạnh, đến khi biết đi thì lại cứ tha thẩn góc này góc kia tự mình khám phá khắp chốn trong nhà. Tôi hoàn toàn có thể để kệ con một mình, thích làm gì thì làm.
Nhưng đến khi San được 18 tháng tuổi, thì tôi vô tình lại phát hiện ra mình có bầu. Vậy là cô con gái lơ ngơ chưa biết gì của tôi nghiễm nhiên lên chức chị. Nghĩ thì thương vô cùng, nhưng rồi tôi tự trấn an chính mình rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi, con cái đến một lúc sẽ có thể tự lập được. Và quả là, San đã không làm tôi thất vọng.
Con bé đón em nó như một món quà mà mẹ dành tặng cho riêng nó vậy. San ngồi bên em, âu yếm ngắm nhìn em, sờ tay em, vuốt má em nhìn thật đến là cảm động. Cũng từ khi có thêm em bé, San chẳng được mẹ bế lấy một chút nào cả. Tôi cũng thấy may vì San chẳng bao giờ giành mẹ với em. Mẹ bế em là việc của mẹ, và dù muốn thì San cũng chẳng hề ngỏ ý tranh giành.
San ngoan như thế, biết ý như thế, nhưng khi em lớn hơn một chút, biết chơi đùa thì hai chị em chẳng tránh khỏi những lúc chí chóe. Những lúc như thế, câu cửa miệng của tôi luôn là: “Sao con không biết nhường em một chút hả?” và dành cho con bé một ánh mắt hình viên đạn. Nói nhiều lần, dặn dò nhiều lần nhưng hai chị em suốt ngày vẫn tranh giành với nhau. Và tôi luôn mặc nhiên coi mọi tội lỗi là thuộc về cô chị.
Tôi bắt đầu biết đánh San từ khi có em, biết đuổi San: “Con xê ra đi!” kể từ khi em giành mẹ không cho chị lại gần mẹ, lại bỏ bê không thể chăm lo từng bữa ăn chỉn chu cho con bé như trước nữa vì thật sự không có thời gian. Nhớ có những khi em bắt đầu buồn ngủ, tôi lại bế em vào phòng, lấy tay làm dấu hiệu suỵt, im lặng và giơ tay bai bai ý muốn bảo San đi ra cho em ngủ.
Con bé một mình đứng len lén ngó nhìn sau cánh cửa khép hờ đến là tội nghiệp. Nhưng tôi chẳng biết làm thế nào khác, vì phải ru đứa em ngủ. Nếu như tôi chỉ cần nhúc nhích hay nói gì đó là bé sẽ dậy ngay. Rồi khi thấy mẹ vừa đặt em ra giường, San đã lao ngay vào, tỏ ý muốn được mẹ bế, nhưng tôi thường từ chối: “Mẹ bận lắm, đợi mẹ nấu cơm xong rồi mẹ ôm chị nhé!”.
San dần dần phải học cách chờ đợi, đợi mẹ cho em ti xong, đợi mẹ nấu cơm, đợi mẹ giặt đồ, đợi mẹ lau nhà… sau những câu hỏi kiểu như: “Em ngủ rồi, mẹ ôm con một chút được không?” hay: “Nấu cơm xong rồi, mẹ ôm con nhé!”. Nhưng vẫn là mẹ bận hết việc này việc kia, chỉ vội vàng qua quýt ôm hờ cho xong rồi lại lao tiếp vào công việc dang dở, tranh thủ trước khi đứa em ngủ dậy.
Cho đến những ngày gần đây, khi tôi thấy con bé chẳng hề đòi mẹ ôm, bế bồng gì nữa. Con cứ lủi thủi một mình, sờ lần đống đồ chơi, lẩn tha lẩn thẩn một mình từ sáng đến trưa. Tôi thấy con bé ngoan bất thường, nhưng rồi giật mình sợ hãi khi nghĩ đến việc trông con bây giờ chẳng khác gì một đứa trẻ tự kỷ. Tôi lên mạng tìm hiểu, và thấy nỗi sợ của mình rất có thể trở thành sự thật.
Tôi nhận ra tất cả những ngày tháng qua, tôi hoàn toàn đã làm mẹ sai cách. Tôi không chia đều tình yêu cho cả hai, tôi dại dột cho rằng San lớn rồi nên không cần ôm ấp vỗ về nữa. Mà không biết rằng, khi có em rồi, nhu cầu yêu thương của con bé lại càng lớn hơn gấp bội. Nước mắt ngắn dài thi nhau chảy, tôi tìm San, ôm ngay con bé vào lòng: “Xin lỗi con, nhưng từ nay mẹ sẽ học cách ôm con lại từ đầu!”, dù cho đứa em đang gào khóc đòi mẹ ngay bên cạnh. Nhưng mặc kệ, mẹ là của cả hai, đâu riêng chỉ mình em!
Theo Webtretho