Phim hoạt hình bạo lực rất dễ “lọt lưới” vì người lớn nghĩ rằng đó chỉ là nhân vật hư cấu, trong khi trí tưởng tượng của trẻ em thì không phải như vậy.
Một cuộc khảo sát mới đây ở Mỹ chỉ ra, hơn 90% giáo viên xác nhận khuynh hướng bạo lực học đường ở trẻ tăng cùng thời lượng trẻ xem phim hoạt hình bạo lực. Trung bình, một trẻ em Mỹ bắt gặp 32 cảnh bạo lực suốt một giờ xem truyền hình, trong đó có phim hoạt hình. Không ít vụ việc đáng tiếc xảy ra do trẻ bị ảnh hưởng từ phim hoạt hình, dẫn đến hành vi gây hại cho chính mình và người xung quanh.
Từng có câu chuyện một bé gái sáu tuổi bắt chước hành động nhân vật trong phim hoạt hình, nhảy từ tầng 43 của một tòa nhà lao xuống đất, qua đời. Thông tin rúng động khiến tất cả những ai nghe qua đều xót xa.
Chuyện xảy ra tại quận Abeno, tỉnh Osaka, Nhật Bản. Nạn nhân là bé Momoka Sasaki. Sau khi xem cảnh phim một nhân vật bay lượn trên trời, em đã mở cửa, bước ra ban công, gieo mình xuống vì nghĩ mình cũng có thể bay. Trong tích tắc không có mặt bên con, hay đã không hướng dẫn con gái đầy đủ, bố mẹ Momoka mất em vĩnh viễn.
Phim hoạt hình là phần không thể thiếu với nhiều đứa trẻ và người lớn mặc nhiên công nhận tất cả phim hoạt hình đều phù hợp với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều trường hợp chứng minh hậu quả khôn lường nếu trẻ tin hoàn toàn những điều chúng thấy trên phim.
Điều đáng nói, phim hoạt hình bạo lực rất dễ “lọt lưới” vì người lớn nghĩ rằng đó chỉ là nhân vật hư cấu, trong khi trí tưởng tượng của trẻ em thì không phải như vậy. Làm theo những hành động siêu năng lực trên phim hoạt hình, để lại hậu quả nghiêm trọng không phải hiếm.
Hồi tháng Hai, một bé gái năm tuổi phải nhập viện tại bệnh viện Tai mũi họng Hán Trung (Trung Quốc) với vết thương sâu xuyên qua mũi và má phải. Em bị thương do chị gái 10 tuổi trong lúc phấn khích đã chụp lấy chiếc cưa, bắt chước nhân vật trong phim hoạt hình, cưa vào mặt em.
Theo đại diện bệnh viện trên, đây không phải trường hợp đầu tiên trẻ tự gây họa cho mình và người khác vì bắt chước theo phim. Bệnh viện này năm ngoái tiếp nhận một bé trai 10 tuổi dùng cưa tự cứa cổ.
Trước đó, một cậu bé hai tuổi cũng bắt chước phim hoạt hình, lấy rìu tự cắt ngón tay. Cũng tại Trung Quốc, có một vụ kiện xuất phát từ hệ lụy của cảnh bạo lực trong phim truyền hình đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Năm 2013, bộ phim hoạt hình Cừu vui vẻ và sói xám (530 tập) phát sóng có cảnh chó sói chuẩn bị nướng sống các chú cừu non. Thấy vậy, bé trai Shunshun (chín tuổi) trong lúc chơi với hai anh em ruột chỉ mới năm và tám tuổi đã bày trò trói hai người bạn vào gốc cây giống bối cảnh trong phim rồi đốt đống cỏ khô bên dưới.
Hậu quả, bé trai tám tuổi bị bỏng 80% cơ thể, bé còn lại bỏng 40%. Bố mẹ của hai bé trai này không khởi kiện Shunshun mà đâm đơn kiện công ty đã viết kịch bản, vẽ hình ảnh bạo lực trên. Họ đồng thời đòi bồi thường 42.300 USD, chỉ bằng 1/4 so với chi phí điều trị mà bệnh viện ước tính lên đến 163.000 USD.
Trong đơn kiện, phụ huynh hai bé yêu cầu công ty sở hữu bộ phim phải công khai xin lỗi trên các phương tiện truyền thông vì đã không cảnh báo trước những cảnh bạo lực, không phù hợp với trẻ nhỏ và cũng không có khuyến nghị là trẻ không nên làm theo hành vi nguy hiểm trong phim.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý thuộc Đại học Toronto (Canada), có sự ảnh hưởng của phim hoạt hình lên quá trình tư duy của trẻ. Thông thường, trẻ từ ba-sáu tuổi, nếu xem nhiều phim hoạt hình mà không có sự hướng dẫn phù hợp sẽ dễ dẫn đến tình trạng tin nội dung phim và không có sự chọn lọc.
Trẻ ở độ tuổi này cần tiếp xúc, trải nghiệm bằng tất cả giác quan để phát triển trí tưởng tượng, hoàn thiện sự phát triển trí não. Nếu chỉ giới hạn ở thị giác và thính giác, trẻ sẽ lấy đó làm trải nghiệm chính. Từ đó dẫn đến hiện tượng trẻ không phân biệt đâu là chi tiết thật, đâu là ảo.
Bên cạnh đó, vì thiếu các trải nghiệm khác nên trẻ không hiểu đâu là hành vi nguy hiểm có thể gây tổn thương, hoặc cần tránh. Nếu không được giải thích, trẻ dễ đồng nhất cuộc sống của các nhân vật trong phim hoạt hình với cuộc sống thật của mình.
Nhiều phụ huynh ở Mỹ kêu gọi cơ quan chức năng cấm các bộ phim hoạt hình có quá nhiều cảnh đấm đá, máu me. Tuy nhiên, đây là bài toán nan giải vì vẫn có quan điểm cho rằng, trẻ có thể hiểu được nếu bố mẹ giải thích cặn kẽ.
Theo các chuyên gia tâm lý, người ta quên đi khía cạnh có tính chất nguy hiểm, đó là bắt chước có ý thức chưa hẳn đáng ngại hơn bắt chước trong vô thức. Hình ảnh bạo lực sẽ đi thẳng vào bộ nhớ của trẻ mà chính đứa trẻ cũng không hay biết, cho đến khi phát sinh thành hành động điên rồ thì mọi việc đã muộn.