Khi bé đang chơi 1 mình vô tình cầm dây điện của quạt nhưng không may dây điện bị tróc vỏ nhựa nên bị điện giật đến bất tỉnh, tay trái bị cháy sém, ngưng tim, ngưng thở.
Mới đây, vụ việc bé Nhã Huyên (15 tháng tuổi, ngụ TP.HCM), bị điện giật khiến não bị tổn thương một lần lữa lên tiếng cảnh báo với các bậc phụ huynh về việc lơ đễnh để trẻ chơi 1 mình.
Theo đó, khi mẹ đang nấu ăn dưới bếp thì bé Nhã Huyên (15 tháng tuổi, ngụ TP.HCM) đang chơi 1 mình vô tình cầm dây điện của quạt nhưng không may dây điện bị tróc vỏ nhựa nên bị điện giật đến bất tỉnh, tay trái bị cháy sém, ngưng tim, ngưng thở.
Thấy con bị điện giật, mẹ bé nhanh tay rút phích cắm của quạt ra khỏi ổ rồi khéo ra ngoài hô hấp nhân tạo. Sau đó đưa bé đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương sơ cứu rồi chuyển tiếp đến Bệnh viện Nhi đồng 1.
Tại đây, bé có biểu hiện tím tái, co gồng toàn thân, lòng bàn tay trái bị phỏng điện cháy xém, siêu âm não, chụp CT- scan không thấy máu tụ nội sọ do chấn thương đầu. Ngay lập tức bé được hỗ trợ hô hấp thở máy, điều trị chống co giật, chống phù não…. Sau 2 tháng điều trị, bé mới khỏe trở lại nhưng não bị tổn thương, nhận thức chậm hơn những đứa trẻ khác.
Giữa tháng 10 vừa qua, bé Hà Lan (17 tháng tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) trong lúc chơi một mình ở nhà thấy chiếc bóng đèn ớt trên bàn thờ ông Địa phát sáng nhấp nháy đẹp mắt bé đã lại gần, giật mạnh dây bóng đèn khiến dây điện hở ra làm bé bị giật.
Phát hiện sự việc, người mẹ đã lập tức ngắt nguồn điện rồi đưa con vào bệnh viện cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ buộc phải tháo khớp ngón tay trỏ của bé do thịt của ngón tay này đã bị cháy đen, lộ xương ra ngoài.
Một trường hợp điện giật thương tâm khác xảy ra hôm 6/8 tại xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình đã khiến cháu bé 2 tuổi tử vong.
Sự việc đau lòng xảy ra lúc bố cháu bé đang vào rừng lấy củi còn mẹ đang làm việc vặt trong nhà nên không để ý đến con.
Trong lúc chơi đùa một mình, bé đã vô tình lấy chìa khóa xe máy nhét vào ổ điện và bị điện giật chết oan uổng. Đến lúc mẹ cháu phát hiện ra thì đã quá muộn.
* Lưu ý: Tên các nạn nhân đã được thay đổi
Dưới đây là cách phòng tránh trẻ bị điện giật và cách sơ cứu nếu không may trẻ bị điện giật bố mẹ nên biết:
Cách phòng tránh trẻ bị điện giật:
– Thường xuyên kiểm tra an toàn các thiết bị điện trong nhà. Đảm bảo mọi thiết bị điện trong tình trạng hoạt động tốt, cách điện tốt. Che chắn toàn bộ ổ cắm điện và công tắc điện trên tường và thay thế ngay những thiết bị bị hỏng.
– Cắm mỗi ổ chỉ 1-2 phích cắm. Ổ cắm điện nhiều lỗ có thể giúp bạn chạy nhiều các thiết bị cùng lúc nhưng cũng đồng nghĩa với nguy hiểm gia tăng. Cố gắng không để ổ cắm quá tải.
– Tắt các thiết bị điện trước khi đi ngủ. Bạn có biết rằng bộ sạc điện thoại di động, nếu cắm quá lâu, có thể bị quá nóng và gây ra cháy?
– Đặt thiết bị điện xa tầm với của trẻ em.
– Nếu cảm thấy phích cắm điện nóng một cách bất thường, phải tắt máy và rút phích ra khỏi ổ cắm. Kiểm tra dây điện, ổ cắm điện và thiết bị sử dụng điện.
– Cách ly mọi thiết bị điện với nguồn nước.
– Rút phích cắm các thiết bị điện sinh nhiệt như máy sấy, bàn là…ngay khi sử dụng xong.
– Khi trong nhà có mùi cháy khét của dây điện, lập tức kiểm tra và tìm phích cắm đang quá tải và cháy hoặc thiết bị điện cháy do quá nóng để rút phích cắm và tắt thiết bị điện đó.
– Không giật dây điện khỏi ổ cắm bởi lâu ngày việc làm này có thể khiến cả phích cắm lẫn ổ cắm bị lỏng.
– Không gán dây điện vào tường bằng đinh hoặc đinh kẹp. Vỏ bọc của dây điện có thể bị hỏng do cọ xát gây ra. Đóng đinh vào tường gần phần dây điện đi ngầm có thể gây rò rỉ điện hay việc di dây điện đi dưới thảm hay đồ đạc có thể bị hỏng vỏ bọc mà bạn không hề hay biết.
– Khi xảy ra cháy do chập điện, phải cắt ngay nguồn điện rồi dùng bình cứu hỏa cho sự cố cháy vì điện nếu có. Tuyệt đối không dùng nước vì sẽ gây điện giật chết người.
Và một điều vô cùng quan trọng nữa là người lớn cần quan tâm hơn nữa tới việc chăm sóc trẻ nhỏ, không để con còn nhỏ tự chơi một mình để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc.
Cách sơ cứu khi trẻ em bị điện giật:
– Ngắt dòng điện bằng cách rút dây điện ra hoặc ngắt cầu chì.
– Nếu không thể ngắt được dòng điện, dùng vật không dẫn điện như chổi, ghế, tấm drap hay thảm chùi chân để đẩy trẻ em ra khỏi nguồn điện bị giật.
– Nếu trẻ em bất tỉnh, nhanh chóng kiểm tra nhịp thở, mạch đập của trẻ em, nếu tim ngưng thở thì gọi ngay cấp cứu và tiến hành hô hấp nhân tạo.
– Nếu có vết phỏng do điện: cởi bỏ quần áo và rửa vùng bị phỏng dưới vòi nước lạnh cho tới khi cơn đau dịu xuống rồi băng lại bằng băng, gạc không có lông tơ.
– Nhanh chóng đưa trẻ em tới cơ sở y tế.
Theo Khoevadep